| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Thứ Ba 21/09/2021 , 08:22 (GMT+7)

Tỉnh ủy Bình Thuận mới đây đã ban hành Nghị quyết 05 để định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh này còn có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn. Do đó, có thể nói Bình Thuận rất có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bao trùm cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Trang trại sản xuất thanh long ruột tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu. Ảnh: KS.

Trang trại sản xuất thanh long ruột tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu. Ảnh: KS.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 2,88%/năm, đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 29,49% trong tổng giá trị tăng thêm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngành chăn nuôi chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học công nghệ, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Công tác trồng, quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định, gắn kết giữa khai thác, nuôi trồng với chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Bình Thuận có đội tàu khai thác thủy sản với công suất lớn. Ảnh: KS.

Bình Thuận có đội tàu khai thác thủy sản với công suất lớn. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, thị trường, giá cả không ổn định. Vì vậy, kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa rõ nét, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn yếu; chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Để trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh

Trước tình hình trên, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) mới đây do Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã ký, trong đó nêu quan điểm chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.

Công nhân đang phân loại sản phẩm thủy sản. Ảnh: Thanh Duyên.

Công nhân đang phân loại sản phẩm thủy sản. Ảnh: Thanh Duyên.

Cùng với đó, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào nông nghiệp, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị, hỗ trợ hộ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, có hệ sinh thái phát triển bền vững. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp hàng năm đạt bình quân từ 2,8 - 3,3% năm và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%năm.

Đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (gọi chung là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Thu hút số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 50% so với năm 2020; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 64%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng…

Để đạt các mục tiêu trên, Nghị quyết 05 cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó rà soát, quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, tập quán sản xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phát triển bền vững. Cùng với đó, cơ cấu lại sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến...

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.