| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 18/11/2024 , 06:21 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:21 - 18/11/2024

Danh hiệu nhà giáo nằm ở sự tôn kính của cộng đồng

Danh hiệu nhà giáo, dẫu Nhà giáo Nhân dân hoặc Nhà giáo Ưu tú, đều không thể nói hết sự tin yêu và sự gửi gắm mà xã hội dành cho một nghề đặc biệt.

Danh hiệu nhà giáo có thể xem như một sự ghi nhận hoặc một sự tưởng thưởng, đối với những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp trồng người của dân tộc. Sau khi chính thức lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam vào năm 1982, thì danh hiệu nhà giáo bắt đầu được xét tặng với hai cấp độ Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú. Từ năm 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo có thêm việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Tiêu biểu.

Với một dân tộc có truyền thống hiếu học như Việt Nam, hình ảnh nhà giáo đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng. Cho nên, danh hiệu nhà giáo chỉ có ý nghĩa món quà tinh thần trên hành trình lặng lẽ cống hiến. So với những danh hiệu ở lĩnh vực khác như danh hiệu nghệ sĩ, danh hiệu nghệ nhân hay danh hiệu thầy thuốc, thì danh hiệu nhà giáo dù số lượng cá nhân được phong tặng có nhiều đến mức nào thì cộng đồng vẫn thấy ít ỏi. Vì sao? Vì không thể nào đong đếm được công lao của mỗi thầy cô giáo với từng thế hệ học trò, với từng thành tựu đất nước.

Tuy nhiên, khi đã có phong tặng thì sẽ có sự so kè, sự thẩm định, sự bình chọn. Danh hiệu nhà giáo cao quý nhất là Nhà giáo Nhân dân, qua nhiều đợt phong tặng trước đây, hầu như chỉ gọi tên những giáo sư ở bậc đại học hoặc cán bộ quản lý giáo dục. Thật vui mừng, đợt phong tặng danh hiệu nhà giáo năm nay, đã có sự thay đổi bất ngờ. Trong số 21 Nhà giáo Nhân dân vừa được tôn vinh, có một nhà giáo bậc tiểu học là cô giáo Đỗ Thị Hồi ở Trường tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nghĩa là, xã hội đã nhận ra giá trị một Nhà giáo Nhân dân không thể căn cứ vào học hàm, học vị hoặc đẳng cấp môi trường giảng dạy, mà phải căn cứ sự tận tụy và sự sáng tạo của nhà giáo.

Đành rằng, việc xét duyệt có quy trình mạch lạc và có tiêu chuẩn rõ ràng. Thế nhưng, phần lớn những nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa chỉ quan tâm đến công tác truyền thụ kiến thức và nghĩa vụ chăm lo học trò, mà chẳng mấy am tường về các loại thủ tục hành chính để được phong tặng danh hiệu. Vì vậy, nhìn vào danh sách 136 Nhà giáo Ưu tú vừa được tôn vinh, dễ thấy rằng chiếm đại đa số là hiệu trưởng một đơn vị hoặc chức sắc ngành giáo dục địa phương. Lãnh đạo được phong tặng danh hiệu là xứng đáng, nhưng những nhà giáo âm thầm trên bục giảng được phong tặng danh hiệu thì còn xứng đáng gấp bội.  

Nghề sư phạm rất cao cả. Nhà giáo đích thực thường tập trung nâng niu mỗi bài học và âu yếm dìu dắt mỗi học trò. Đôi khi họ cũng không màng đến danh hiệu, mà dành hết tâm huyết để yêu thương từng ánh mắt học trò, dõi theo từng bước chân học trò. Và chính những nhà giáo ấy mới cần được ngành giáo dục tạo điều kiện thuận lợi nhất, để đón nhận danh hiệu. Bởi lẽ, danh hiệu nhà giáo không nằm ở những bảng kê khai thành tích, mà nằm ở sự tôn kính của cộng đồng.