| Hotline: 0983.970.780

Danh trà Việt Nam trong đời sống hiện đại

Thứ Tư 04/11/2020 , 11:40 (GMT+7)

Cuốn sách “Phác thảo danh trà Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, gợi mở nhiều suy tư về thú thưởng trà.

Cuốn sách 'Phác thảo danh trà Việt Nam'.

Cuốn sách "Phác thảo danh trà Việt Nam".

Danh trà Việt Nam là một đề tài hấp dẫn với nhiều người. Bởi lẽ, trà (chè) từ lâu đã trở thành một thức uống quen thuộc. Trà đá ở phương Nam, trà nóng ở xứ Bắc đều có hương vị riêng. Trà Thái Nguyên lừng lẫy một kiểu, mà trà Bảo Lộc được ưa chuộng một kiểu. Khó phân biệt đẳng cấp sang hèn trong việc uống trà, dù không ít lời tán tụng nâng lên tầm nghệ thuật trà hoặc trà đạo.

Danh trà Việt Nam có nguồn gốc ở đâu? Muốn trả lời câu hỏi ấy, có lẽ phải nhìn vào những văn bản ghi dấu sự xuất hiện của trà trong đời sống.

Thiền sư Viên Chiếu (999 - 1090) đã có viết: “Tặng quân thiên lý viễn. Tiếu ngã nhất trà bình”, tạm dịch nghĩa là lúc anh lên đường đi xa ngàn dặm, thật đáng cười khi tôi chỉ có một bình trà để tiễn đưa.

Để phục vụ cho người uống trà, thì nghề trồng trà cũng ra đời. Thơ cổ có câu “sơn tăng hoạt kế trà tam mẫu, ngư phủ sinh nhai trúc nhất can”, nghĩa là thầy tu ở núi trồng ba mẫu trà để sống, cũng như ông đánh cá dùng cần câu mưu sinh.  

Bao đời nay, trà Việt đã mang đầy đủ giá trị vật chất, tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống của người Việt. Trà có mặt trong giao tiếp khi khách đến chơi nhà, tiễn bạn đi xa, trong lễ tết, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên, dâng cúng Phật, quà biếu tặng và là lễ vật ngoại giao…

Trong thập niên vừa qua, bên cạnh những hoạt động sản xuất trà, chúng ta cũng thấy xuất hiện các bài viết, bút ký của nhiều người nặng lòng và tâm huyết với trà nghiệp Việt. Và Nguyễn Ngọc Tuấn, tác giả “Phác thảo danh trà Việt Nam” là một trong những người có may mắn đi, sống và viết về nỗi đam mê như thế.

Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1968 tại Hà Nội, là một nghệ nhân trà truyền thống, đồng thời là người sáng lập thương hiệu Song Hỷ Trà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quí, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao và tin dùng.

Bắt đầu từ một người uống trà, Nguyễn Ngọc Tuấn ước mơ một ngày nào đó sẽ tìm lại được thật nhiều, thật đủ các danh trà lưu truyền từ xưa và khôi phục. Với Nguyễn Ngọc Tuấn thì trà là một sản vật quí báu của nước Việt. Đâu đâu trên nước Việt cũng có vùng trà danh tiếng để lại những huyền thoại đẹp, do thời gian và hoàn cảnh nay cái còn cái mất. Vì vậy, cuốn sách “Phác thảo danh trà Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn là một sự gợi mở thú vị để tìm hiểu về trà Việt.
Phác thảo danh trà Việt Nam”, chia làm 2 phần. Phần 1, giới thiệu về Việt Nam – quê hương cây trà. Phần 2 là tổng quát về danh trà Việt Nam với những vùng chè nổi tiếng như Hà Giang, Suối Giàng - Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bằng Phúc – Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng… Phần 3 là phụ lục nói về giá trị của chén trà, thưởng trà vào ngày xuân, giới thiệu về những trải nghiệm với “danh trà Việt” và thương hiệu Song Hỷ Trà do tác giả gầy dựng.

Uống trà đã trở thành một nét văn hóa của người Việt.

Uống trà đã trở thành một nét văn hóa của người Việt.

Thực tế, mức độ nổi tiếng của trà Việt, cần phải được khám phá từ phong tục uống trà.

Trong “Phù biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã viết về cảnh uống trà ở Huế vào năm 1775, khá sinh động: ”Binh lính cũng đều ngồi chiếu mây, có gối dựa. Bên cạnh đặt lư đồng, pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng thau”.

Còn nhà thơ Cao Bá Quát (1809 - 1854) có bài ”Vị minh tiểu kệ” đăm chiêu giữa sự đời và uống trà: “Chọn bạn chọn bề ngoài. Không thấy điều hẳn hoi. Uống trà có ướp hoa. Biến mất hương trà rồi. Sáng sớm múc nước giếng. Lửa nhỏ nắm than rời. Không khói cũng không bụi. Rửa tay khề khà ngồi. Nếm mùi cốt thực chất. Không cần thêm vị ngoài. Chờ chút vì của hiếm. Lừa dối mũi ta hoài. Người đẹp không ở áo. Thơ hay thường ít lời. Kệ này hãy ghi nhớ. Chứng quả việc trên đời”.

Nghệ thuật uống trà của người Việt cũng được thể hiện thường xuyên trong văn chương. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) từng có truyện ngắn ”Chén trà trong sương sớm” miêu tả tỉ mỉ: “La liệt trên chiếu cói cạp điều. Cụ ấm đã bày lên đấy bộ khai trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất.

Cái điếu bát vẽ mai hạc kêu lên một hồi rất giòn, rất đều… cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ.

Nhẹ nhàng khoan thai. Cụ ấm nhắc cả dĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn.

Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu bóng không chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung… Trên chiếc hỏa lò đế không, cụ đặt thêm một ấm cò bay khác…”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.