>> XEM THÊM: Đề thi môn văn tốt nghiệp THPT năm 2021
I. Phần đọc hiểu:
Câu 1.
- Sự ra đời của dòng sông, theo đoạn trích: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Câu 2.
- Theo đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng châu thổ màu mỡ hình thành nên những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới.
Câu 3.
Câu văn trên ẩn dụ về dòng chảy của nước và cuộc đời của mỗi con người:
- Dòng chảy của nước luôn luôn vận động, không ngừng nghỉ và chứng kiến tất cả những hoạt động diễn ra thường ngày của con người.
- Dòng sông chầm chậm trôi, sông dần bồi đắp thêm cho mình. Con người cũng vậy, khi chúng ta biết sống chậm lại để lắng nghe và quan sát, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn.
- “Cứ chầm chậm và cứ mãi xanh” là cách dâng tặng của dòng chảy của nước cho cuộc đời - lặng lẽ và kiên nhẫn làm sạch, làm đẹp cho đời. Cũng như vậy, con người trong dòng chảy cuộc sống, cũng cần có trách nhiệm cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời chung.
Câu 4.
Dựa vào nội dung đoạn trích, học sinh lựa chọn những bài học phù hợp. Sau đây là gợi ý của Tuyensinh247.com:
Bài học về lẽ sống mà văn bản muốn gửi gắm qua hành trình từ sông ra biển của nước:
- Cuộc đời mỗi con người là hữu hạn, hãy sống thật ý nghĩa. Để giống như dòng chảy kia, khi vừa sinh ra, chúng ta chỉ là những giọt nước nhỏ bé được trào lên từ những kẽ hở trên mặt đất nhưng khi cuối đời, ta đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, góp phần làm nên những vùng nông nghiệp vĩ đại.
- Cuộc sống chứa đựng muôn vàn thử thách và khó khăn, hãy mạnh mẽ như dòng chảy để có thể xuyên qua núi hay thậm chí tạo thành một hẻm núi, đánh bật lại những khó khăn của cuộc đời mình.
- Cuộc sống có vô vàn màu sắc và cung bậc khác nhau, hãy sống chậm lại một chút để lắng nghe và tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc đời, để từ đó bồi đắp thêm sự phong phú cho tâm hồn mỗi chúng ta.
II. Phần làm văn:
Câu 1:
a. Giới thiệu vấn đề: Sự cần thiết phải biết sống cống hiến
b. Giải thích vấn đề:
- Khái niệm cống hiến: là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng và trí tuệ của mình để đóng góp cho lợi ích chung của xã hội.
- Sống cống hiến là không màng đến lợi ích cá nhân mà làm hết mình vì lợi ích chung, vì sự phát triển của một tập thể, một cộng đồng...
c. Phân tích, bình luận vấn đề:
- Cống hiến là một trong những đức tính và phẩm chất tốt đẹp của con người.
- Cống hiến ngay từ những gì nhỏ bé nhất: ta có kiến thức - ta vận dụng kiến thức để phát minh, sáng tạo...; ta có cơ bắp - ta lao động để tạo ra của cải vật chất, sản phẩm...; ta có trái tim - ta lan tỏa tình yêu thương và năng lượng tích cực cho nhân loại...
- Ta cống hiến mà không vụ lợi, không đòi hỏi phải được nhận lại điều gì. Lăn xả và cống hiến hết mình cho đất nước, cho xã hội mà không toan tính điều chi. Cho đến thời bình, thế hệ trẻ đang ngày càng cố gắng và nỗ lực học tập, rèn luyện, không ngừng tìm tòi, khám phá để góp phần xây dựng đất nước… Tất cả sự cống hiến ấy đều cao đẹp và có ý nghĩa thật sâu sắc.
- Dẫn chứng:
+ Trong thời chiến: Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, các anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng,... đã hi sinh cuộc đời khi ở độ tuổi đẹp nhất để cống hiến cho đất nước mà không cầu lợi danh.
+ Trong thời bình: Các y bác sĩ lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang chống dịch; Những người chiến sĩ nơi biển đảo xa xôi, họ sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc sum vầy bên gia đình để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
- Việc cống hiến không chỉ giúp chúng ta có được những hiểu biết sâu rộng, có nền tảng vững chắc cho tương lai mà còn đưa đất nước ngày càng phát triển, hòa nhập với thế giới một cách bình đẳng và khẳng định được vị thế.
- Tuy nhiên, bên cạnh những con người đã và đang cống hiến thì còn tồn tại một số bộ phận con người sống lười nhác, ích kỷ, chỉ nghĩ đến vụ lợi của bản thân mà không muốn đóng góp cho cộng đồng. Họ chỉ nghĩ xem họ làm có được nhận lại gì hay không, có lợi cho họ hay không. Đó không phải là một phong cách sống đẹp.
d. Liên hệ bản thân/Kết thúc vấn đề
- Với tư cách là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực miệt mài học tập, rèn luyện hơn nữa để cống hiến và đóng góp thật nhiều cho đất nước, cho xã hội,...dù là những gì nhỏ bé nhất.
- Cống hiến là một đức tính tốt mà con người cần phải có, đặc biệt là chúng ta - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bà được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam. Đó là tình yêu vừa nồng nàn, sôi nổi, say đắm, vừa tha thiết dịu dàng, vừa giàu trực cảm, lại lắng sâu trải nghiệm những suy tư.
- Giới thiệu tác phẩm: “Sóng” là tác phẩm tiêu biểu của Xuân Quỳnh được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968. Tác phẩm đã thể hiện khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá. Cảm xúc thơ do vậy vừa sôi nổi mãnh liệt, vừa gợi tới chiều sâu của sự triết lí.
- Giới thiệu luận đề: Cảm xúc về đoạn trích. Nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
2. Thân bài:
Vị trí đoạn trích:
Đoạn trích nằm trong tác phẩm “Sóng” thuộc giới hạn từ khổ thơ thứ 3 đến khổ thơ thứ 5. Đoạn trích nói đến khát vọng tự nhận thức và nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ.
Cảm nhận đoạn trích:
* Khát vọng tự nhận thức của người con gái trong tình yêu (Khổ 3 và khổ 4)
Hình tượng “sóng” diễn tả bản chất của tình yêu – sự bí ẩn không thể lý giải được của tình yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
.....
Khi nào ta yêu nhau
- Ở khổ thơ này, nhân vật “em” đã trực tiếp xuất hiện, đối diện với muôn trùng sóng biển, với bao la đất trời, em đã nghĩ về biển lớn tình yêu của mình: “Trước muôn ... lên”. Biện pháp điệp từ và điệp cấu trúc câu “em nghĩ về” cùng những câu hỏi dồn dập: “Từ khi nào sóng lên? Gió bắt đầu từ đâu? Khi nào ta yêu nhau?” đã diễn tả sự trăn trở, khắc khoải của em khi nghĩ về tình yêu.
- “Em nghĩ” hai tiếng ấy lặp lại như là sự khám phá, tìm tòi:
+ Về biển lớn: “Từ nơi nào sóng lên?” -> Trả lời: “Sóng bắt đầu từ gió”
+ Về anh, em: “Khi nào ta yêu nhau?” -> Trả lời “Em cũng không biết nữa”
- Khi tình yêu đến, như một lẽ tự nhiên, thường tình, con người luôn có nhu cầu tìm hiểu, cắt nghĩa. Xuân Quỳnh đã mượn sóng để cắt nghĩa tình yêu: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?”. Tuy nhiên quy luật của thiên nhiên, đất trời còn có thể lý giải được bằng những tri thức, sự hiểu biết nhưng cội nguồn của tình yêu thì không thể nào định nghĩa được một cách rõ ràng. Bởi lẽ tình yêu thuộc về những cung bậc cảm xúc, nó là những rung động hết sức phong phú của mỗi tâm hồn. Nhà thơ chỉ còn biết thú nhận sự bất lực của mình một cách rất đáng yêu: “Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau” Hai câu thơ có cấu trúc đảo (đáp trước, hỏi sau) đã diễn tả thật thành công sự bối rối và cả niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi yêu.
=> Hai câu hỏi đan cài vào nhau, nhập hòa vào một. Chúng ta có thể lý giải được cội nguồn của sóng, của gió nhưng không thể nào cắt nghĩa, lý giải được nguồn cội của tình yêu. Nó lạ lùng bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên. Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó.
* Nỗi nhớ trong tình yêu (Khổ 5)
Hình tượng “sóng” diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu:
Con sóng dưới lòng sâu
....
Dù muôn vời cách trở
- Khổ năm đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều.
- “Sóng nhớ bờ” là nỗi nhớ vượt qua không gian, “Ngày đêm không ngủ được” là nỗi nhớ vượt qua thời gian. Đó là nỗi nhớ tha thiết khôn nguôi, khắc khoải đến tận cùng.
- Từ nỗi nhớ của sóng đối với bờ, Xuân Quỳnh nói đến nỗi nhớ của em đối với anh: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Đây có thể xem là hai câu thơ hay nhất trong bài. Hơn cả sóng, nỗi nhớ của em không chỉ bao trùm không gian, thời gian mà còn ăn sâu vào tiềm thức, vào vô thức.
- Em đã hóa thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.
- Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
- Vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh chính là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ khi yêu được thể hiện một cách dịu dàng, đằm thắm.
- Bài thơ Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tình yêu được thể hiện trong bài thơ vừa mạnh mẽ, nồng nàn lại vừa dịu dàng, sâu lắng, chính nó đã làm nên vẻ đẹp nữ tính trong hình tượng sóng.
- Tình yêu đó còn chan chứa sự trăn trở, suy tư của người con gái khi yêu. Những băn khoăn, âu lo được Xuân Quỳnh thể hiện vô cùng mềm mại, nữ tính qua những câu hỏi như: Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau.
- Tính nữ đó còn được thể hiện một cách bình thường, dung dị qua khao khát hạnh phúc đời thường - khao khát thường trực thể hiện trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng, "cả trong mơ còn thức" của người con gái khi yêu. Là tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, sóng gió. Đó còn là khát khao tận hiến, khát vọng được hóa thân, được hòa nhập vào biển lớn tình yêu.
=> Bài thơ Sóng chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp tâm hồn cũng như tấm lòng trắc ẩn của người phụ nữ khi yêu.
3. Kết bài:
- Khái quát lại giá trị nội dung của đoạn trích: Khát vọng tự khám phá và nỗi nhớ trong tình yêu của người con gái.
- Đưa ra nhận định, cảm xúc của bản thân về nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh
- Khái quát lại giá trị nghệ thuật.
Môn Ngữ văn Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 sẽ bắt đầu phát đề thi vào lúc 7h30, đến 7h35 sẽ bắt đầu tính thời gian làm bài. Môn thi sẽ gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Trong phần Làm văn, câu Nghị luận Xã hội chiếm 2 điểm, câu Nghị luận văn học chiếm 5 điểm.
Về cấu trúc, đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021 sẽ chủ yếu tập trung vào khối kiến thức lớp 12.
Cụ thể:
- Phần Đọc hiểu: Đưa ra một đoạn văn/đoạn thơ cùng 4 câu hỏi được sắp xếp theo 4 cấp độ nhận thức gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
- Phần Làm Văn: Có 2 câu hỏi. Câu Nghị luận Xã hội có nội dung nêu suy nghĩ cá nhân về một hiện tượng trong xã hội, hoặc vấn đề nổi bật đã được chỉ ra ở phần Đọc hiểu.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu phân tích, cảm nhận về một tác phẩm văn học (thơ hoặc văn xuôi)