| Hotline: 0983.970.780

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021:

Hơn 86.000 thí sinh tại TP.HCM bước vào thi môn Ngữ văn

Thứ Tư 07/07/2021 , 10:08 (GMT+7)

Sáng 7/7, thí sinh bắt đầu bước vào môn thi đầu tiên, môn Ngữ Văn. Đây là kỳ thi đặc biệt của thí sinh trên cả nước, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp nên TP.HCM đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 cho giáo viên, nhân viên và thí sinh tham gia kỳ thi.

Tất cả giáo viên, nhân viên, thí sinh và phóng viên tác nghiệp tại điểm thi đều phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được bước vào điểm thi.

Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), các thí sinh có mặt từ rất sớm để chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi. Nằm trên trục đường chính của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, để đảm bảo việc giãn cách cũng như an toàn cho các thí sinh, phụ huynh được yêu cầu đưa các em tới cách xa điểm thi để các em tự đi bộ vào điểm thi.

Theo cô Lương Bích Nga, Phó trưởng điểm thi Trường THPT Trưng Vương, điểm thi này có 635 thí sinh dự thi, trong đó có 20 thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 không tham gia thi đợt này.

Điểm thi có 27 phòng thi, 2 phòng dự phòng, phòng chăm sóc sức khỏe và 1 phòng cách ly. Trường bố trí phân luồng lối đi cho các thí sinh phía trong sân trường để các em đi theo đúng khoảng cách.

Tại tất cả các phòng thi đều được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, nhà trường còn chuẩn bị sẵn 200 hộp khẩu trang để học sinh có thể thay. Đặc biệt, mỗi thí sinh sẽ được phát một kính chắn giọt bắn. Các em được yêu cầu đeo kính chắn giọt bắn trong trường, trừ lúc làm bài thi.

"Nhà trường cũng thường xuyên nhắn tin cho phụ huynh để thông tin mọi vấn đề liên quan đến kỳ thi. Nhà trường cũng đã nhắn tin cho phụ huynh khi chở con đến điểm thi thì cách trường xa một chút để có sự an toàn tuyệt đối cho điểm thi. Hầu hết các phụ huynh đều phối hợp hỗ trợ để tạo an toàn cho các em trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Mong với sự chuẩn bị chu đáo của toàn ngành thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ hoàn thành và thành công tốt đẹp", cô Lương Bích Nga, Phó trưởng điểm thi Trường THPT Trưng Vương chia sẻ.

Thí sinh Tuấn Anh, lớp 12A11 trường THPT Trưng Vương: "Em và các bạn được nhà trường phát kính chắn giọt bắn ngay từ phía đầu đường khi được phụ huynh chở đến. Việc này giúp tất cả các thí sinh chúng em khá yên tâm để làm tốt bài thi của mình trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Em thi hy vọng tất cả các bạn thí sinh chúng em đều hoàn thành tốt kỳ thi "có một không hai" trong cuộc đời mình".

Nhiều thí sinh đến rất sớm để ôn lại bài trước khi vào môn thi Ngữ Văn.

Tương tự, thí sinh Minh Trang cho biết, em rất tự tin khi bước vào kỳ thi bởi đã được thầy cô, cũng như cha mẹ động viên, chuẩn bị mọi thứ thật tốt để đảm bảo an toàn cho em. Em cũng khá tự tin với môn thi Ngữ Văn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đến kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) và điểm thi Trường THPT Giồng Ông Tố (Thành phố Thủ Đức).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2021 của TP.HCM trong điều kiện dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

“Lối vào khu vực các điểm thi được kiểm soát bởi 2 chốt gác phía ngoài đường với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân phòng. Mọi năm, các thí sinh xếp hàng phía ngoài phòng thi và đợi giáo viên gọi tên vào phòng thi, tuy nhiên năm nay do dịch Covid-19 nên các thí sinh sẽ đi từ nhà vào thẳng phòng thi, không tụ tập trước cửa phòng thi hay dưới sân trường. Ngoài ra, phụ huynh cũng được yêu cầu không tụ tập trước cổng điểm thi để đảm bảo an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng lưu ý địa phương, trong thời gian còn lại cần tập trung vào các vấn đề như công tác coi thi, chấm thi; xử lý bất thường trong coi thi, chấm thi; phòng chống gian lận thi cử, đảm bảo an ninh, an toàn; truyền thông trong kỳ thi; đảm bảo các công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT…

“Bối cảnh dịch Covid-19 tại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận đang có những biến phức tạp và thời tiết có thể xuất hiện mưa, giông bão. Ngoài việc xây dựng các phương án bảo đảm an toàn về sức khỏe, phòng chống thiên tai, điểm thi cần nêu cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; cán bộ coi thi cần nghiêm túc thực hiện đúng Quy chế thi. Đồng thời, cần quán triệt quan điểm là đã thi thì phải an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP.HCM có 89.275 thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó có 95% thí sinh dự thi đợt 1 với 155 điểm thi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ban chỉ đạo kỳ thi tại TP.HCM đã triển khai rất nhiều biện pháp, phương án để đảm bảo phòng dịch tại các điểm thi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, thành phố huy động hơn 15.800 người. Trong đó, 400 người là thanh tra thi; cán bộ chấm thi là hơn 1.700; cán bộ chấm phúc khảo 1.000 người.

Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng...

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 6/7, có 86.943 thí sinh làm thủ tục dự thi trong tổng số 89.275 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm 97,39%.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.