| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn độc đáo của những người bạn đồng hành

Thứ Hai 04/12/2023 , 05:30 (GMT+7)

Dấu ấn độc đáo của các cộng tác viên trên con đường 78 năm hình thành và phát triển báo Nông Nghiệp Việt Nam, là câu chuyện những người bạn đồng hành đáng trân trọng.

Dấu ấn độc đáo của các cộng tác viên, luôn giống như những trang sử đẹp nhất mà những người làm báo Nông nghiệp Việt Nam luôn nâng niu bằng tất cả ân tình ấm áp. Nhờ dấu ấn độc đáo ấy, bản sắc báo Nông nghiệp Việt Nam được tô đậm và được lan tỏa. Dấu ấn độc đáo của họ khi “đứng” chuyên mục trên báo Nông nghiệp Việt Nam, không chỉ mang lại cho độc giả những tác phẩm thú vị mà còn lưu giữ bao nhiêu sự trìu mến trong lòng các thế hệ làm báo Nông nghiệp Việt Nam.

Khi vừa bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã gắn bó với báo Nông nghiệp Việt Nam. Ngoảnh lại gần ba thập niên đã trôi qua, tôi bỗng nhận ra báo Nông nghiệp Việt Nam đã có những cộng tác viên thật đặc biệt. Chúng tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ những cống hiến của họ cho báo Nông nghiệp Việt Nam, mà mong muốn phác thảo vài nét về họ, như một lời tri ân chân thành. Và nhân dịp này, chúng tôi cũng nhờ cậy đồng nghiệp có thiện cảm với báo Nông nghiệp Việt Nam là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phóng bút vẽ chân dung họ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Đầu tiên xin được nhắc đến giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Năm nay, ông đã 85 tuổi. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là thành viên của một gia tộc trí thức lừng lẫy. Cha của ông là nhà giáo Nguyễn Lân. Có học vị tiến sĩ chuyên ngành sinh học, giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu, lại rất hứng thú viết lách. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giữ mục “Hỏi gì đáp nấy” trên báo Nông nghiệp Việt Nam gần 15 năm.

Khi chưa có Google, độc giả muốn tìm hiểu thêm một lĩnh vực gì hay một sự kiện gì, đều không dễ có được tài liệu khả tín. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tự nguyện làm một cuốn “từ điển di động”. Hàng vạn thắc mắc của độc giả khắp nơi đã được ông trả lời dí dỏm và thuyết phục trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Có thời điểm, lượng thư gửi về quá nhiều, chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng phải duy trì 3 kỳ/ tuần.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thấp người, đi rất nhanh, nói cũng rất nhanh. Cái miệng hơi móm của ông mỗi khi toét một nụ cười, thật gần gũi và thật duyên dáng. Có lẽ chính cái phong cách ấy cộng với học vấn uyên bác, đã giúp ông chinh phục cử tri khi trúng cử đại biểu Quốc hội ba khóa 10,11 và 12. Những bài viết từ chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành thành bộ sách 15 tập, ấn hành liên tục từ năm 1999 đến năm 2007.

Hiện nay, giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn khỏe mạnh và thường xuyên tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ tại Hà Nội.

Nhà văn Tạ Duy Anh.

Nhà văn Tạ Duy Anh.

Nhân vật thứ hai đứng chuyên mục cho báo Nông nghiệp Việt Nam là nhà văn Tạ Duy Anh. Nguyên nhân để nhà văn Tạ Duy Anh có chuyên mục “Phiếm luận” ký tên Lão Tạ trên báo Nông nghiệp Việt Nam xuất phát từ một món nợ. Lúc ấy, cuối năm 1994, đang làm cán bộ giảng dạy ở Trường viết văn Nguyễn Du, nhà văn Tạ Duy Anh muốn mua một căn nhà nhỏ, nhưng không đủ tiền, đành hỏi vay bạn bè.

Nhà văn Vũ Hữu Sự - phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam quen biết nhà văn Tạ Duy Anh khi cả hai cùng làm công nhân ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Chứng kiến nhà văn Trần Huy Quang đưa 500 ngàn đồng tận tay nhà văn Tạ Duy Anh, mà mình không có để giúp bạn, nhà văn Vũ Hữu Sự bảo: “Hay là tớ dắt cậu đến cơ quan tớ để vay chút tiền”. Nửa tin nửa ngờ, Tạ Duy Anh đi theo Vũ Hữu Sự.

Tổng Biên tập Lê Nam Sơn không chút đắn đo, đề nghị kế toán cho Tạ Duy Anh vay 2 triệu đồng (tương đương 4 chỉ vàng) và còn chiêu đãi một bữa bia hơi. Lúc chia tay, Tạ Duy Anh ngập ngừng: “Tôi trả bằng cách nào?”. Tổng Biên tập Lê Nam Sơn buông một câu đơn giản: “Ông gặp Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh rồi viết gì mà trả nợ”. Vậy là chuyên mục “Phiếm luận” ra đời.

Nhà văn Tạ Duy Anh kể: “Mỗi tuần tớ viết một bài, nhuận bút mỗi bài 100 ngàn. Dự định khoảng 6 tháng trả nợ xong. Thế nhưng, mỗi lần tớ qua lấy báo định hỏi thủ tục trừ nợ thì Trịnh Bá Ninh xua tay: Cứ cầm nhuận bút mà sống qua giai đoạn khó khăn đã. Mai mốt hẳn trừ. Cứ thế, tớ dùng bút danh Lão Tạ viết đủ mọi vui buồn cuộc sống nông thôn và nhận nhuận bút đều đều suốt 4 năm. Mãi đến gần Tết Kỷ Mão 1999, kế toán của báo mới gọi hỏi khoản vay 2 triệu. Tớ ngượng quá, gọi Trịnh Bá Ninh, lão ấy đưa ra bài toán rất nhanh: Ông còn ở đây gần chục bài chưa nhận nhuận bút, tổng cộng 1 triệu đồng. Bây giờ ông viết cái truyện ngắn báo Tết, tôi chấm 1 triệu là xong xuôi”.

Những bài đã đăng trong chuyên mục “Phiếm luận”, sau này được nhà văn Tạ Duy Anh gom lại thành tập sách “Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối”. Nhiều bài trong đó, đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, nên cuốn “Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối” liên tục được tái bản. Nhà văn Tạ Duy Anh không giấu sự khoái chí: “Tớ được ăn lộc của báo Nông nghiệp Việt Nam cũng hơi bị dày đấy”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhân vật thứ ba có chuyên mục ăn khách trên báo Nông nghiệp Việt Nam là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Là bạn học đồng hương với nhà báo Trịnh Bá Ninh, nên hầu như số Tết nào trên báo Nông nghiệp Việt Nam cũng có bài của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có những bài công bố lần đầu trên Nông nghiệp Việt Nam như “Phù Thăng” hay “Lão Chộp” được đưa vào cuốn “Chân dung & Đối thoại” xuất bản năm 1999 tạo nên cơn địa chấn văn đàn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự với nhà báo Trịnh Bá Ninh: “Sau cuốn sách, rất nhiều thư bạn đọc gửi về cho tớ, hỏi han về những việc trên giời dưới bể”. Vốn nhạy bén với truyền thông, nhà báo Trịnh Bá Ninh chốt hạ ngay: “Thì ông trả lời bạn đọc, và in luôn trên Nông nghiệp Việt Nam”. Chuyên mục “Nhịp cầu” ra đời và tồn tại gần 3 năm. Mỗi tuần bạn đọc chờ đợi số báo thứ hai và thứ năm để được đọc những dòng tếu táo và thông minh của thần đồng thơ Việt.

Vì nhiều lý do khách quan, chuyên mục “Nhịp cầu” phải tạm dừng trong sự tiếc nuối của nhiều người. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn lọc mấy chục bài từng in trên chuyên mục “Nhịp cầu” để thành cuốn sách “Hầu chuyện Thượng Đế”. Giọng văn và tên tuổi Trần Đăng Khoa khiến làn sóng độc giả mến mộ chuyên mục “Nhịp cầu” đổ xô đi mua cuốn sách “Hầu chuyện Thượng Đế”. Tính đến cuối năm 2023, “Hầu chuyện Thượng Đế” đã in hơn 10 vạn bản.

Nhà văn Dạ Ngân.

Nhà văn Dạ Ngân.

Đến với Nông nghiệp Việt Nam muộn màng hơn nhà văn Tạ Duy Anh và nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng nhà văn Dạ Ngân lại có chuyên mục “Tư vấn gia đình” kéo dài suốt 20 năm, từ 2002 đến 2022. Nhà văn Dạ Ngân từ thời còn sinh sống ở Cần Thơ đã có tác phẩm “Con chó và vụ ly hôn” khá đình đám. Sau khi kết hôn với nhà văn Nguyễn Quang Thân và chuyển ra Hà Nội sinh sống, nhà văn Dạ Ngân theo học khóa 5 Trường viết văn Nguyễn Du và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực báo chí.

Qua sự mai mối của nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà văn Dạ Ngân đã được Tổng Biên tập Lê Nam Sơn mời giữ chuyên mục “Tư vấn gia đình”, mỗi tuần hai kỳ trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Với bút danh Dạ Hương, nhà văn Dạ Ngân đã chia sẻ nhiều câu chuyện thầm kín và éo le của bạn đọc khắp nơi gửi về. Cẩn trọng và trách nhiệm, nhà văn Dạ Ngân đánh dấu và lưu trữ những lá thư của bạn đọc hết sức ngăn nắp. Khi rời Hà Nội vào TP.HCM sau ngày nghỉ hưu, nhà văn Dạ Ngân mang theo hàng trăm ngàn bức thư của chuyên mục “Tư vấn gia đình” được gói ghém tỉ mỉ và phân loại theo từng năm.

Do những đòi hỏi mới mẻ của báo chí công nghệ mới, chuyên mục “Tư vấn gia đình” phải chia tay bạn đọc. Thế nhưng, 20 năm làm “chuyên gia tư vấn” trên báo Nông nghiệp Việt Nam đã mang lại cho nhà văn Dạ Ngân nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Hiện nay, nhà văn Dạ Ngân bước qua tuổi 70, đang viết một cuốn sách để “tổng kết” hồi ức những ngày “Tư vấn gia đình”.

Kỹ sư Nguyễn Danh Vàn.

Kỹ sư Nguyễn Danh Vàn.

Nhân vật cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắc đến là kỹ sư Nguyễn Danh Vàn từng giữ chuyên mục “Nông Nghiệp trả lời” và “Bác sĩ cây trồng” trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Năm nay 74 tuổi, kỹ sư Nguyễn Danh Vàn tâm sự: “Tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp 1, tôi được phân công về Cục Bảo vệ thực vật, và có cơ hội tiếp xúc với nông dân của nhiều vùng trong cả nước. Qua tiếp xúc tôi đã nghiệm ra rằng giống như bà con quê tôi, nông dân nơi nào cũng chịu thương chịu khó và có khá nhiều kinh nghiệm làm ruộng, nhưng lại rất “thiếu đói” kiến thức khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những tiến bộ kỹ thuật mới.

Tôi nghĩ, việc phổ biến kiến thức mới cho nông dân là điều hết sức cần thiết. Để làm được công việc này thì báo chí là một “kênh” không thể thiếu được. Nông nghiệp Việt Nam là tờ báo đầu tiên tôi gửi bài cộng tác. Để bà con dễ hiểu, tôi đã cố gắng “chuyển đổi” những từ ngữ chuyên sâu, những thuật ngữ khoa học… thành những từ ngữ phổ thông, từ ngữ địa phương của vùng miền, sao cho thật “nông dân”, thật cụ thể như tôi thường nói đùa với mấy anh bạn bên Khuyến nông là phải “nông dân hóa từ ngữ”. Đồng thời để mang lại hiệu quả cao, tôi luôn thực hiện năm yêu cầu riêng cho mỗi bài của mình, đó là phải: “Thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”. Nội dung bài phải đạt được yêu cầu “cầm tay chỉ việc”, tức là sau khi đọc bà con có thể áp dụng được ngay.

Thấy tôi “viết khỏe”, và cách viết phù hợp, lãnh đạo của báo Nông nghiệp Việt Nam đã giao cho tôi “nuôi” hai chuyên mục “Nông Nghiệp trả lời” và “Bác sĩ cây trồng”. Nhờ vậy, tôi có hàng vạn bài báo để in thành mấy chục cuốn sách “Bác sĩ cây trồng” in ấn gần chục năm qua”.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.