| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn, khiêm nhường và những điều trăn trở

Thứ Tư 03/08/2022 , 14:49 (GMT+7)

Thế là đã 15 năm! 15 năm của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, 15 năm hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và PTNT và 15 năm tôi nghỉ hưu.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân đảo Cát Bà (31/3/1959). Ảnh tư liệu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân đảo Cát Bà (31/3/1959). Ảnh tư liệu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trước hết, tôi muốn nói đến sự việc có tầm quốc gia mở đầu cho năm 2007: Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 9 tháng 2 năm 2007, Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Lúc đó, bản Chiến lược được nô nức đón chào và dư luận trên truyền thông coi đó như là một bảo bối. Tất nhiên không chỉ có những người làm nghề biển, hay yêu biển, mà cả nước Việt Nam đều hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ có để nước ta mạnh về biển và giàu lên từ biển, thoát ra khỏi những lúng túng trong tổ chức khai thác và sử dụng biển lâu nay; và quan trọng hơn, sẽ tỉnh táo và chủ động hơn đối phó với những phức tạp về địa chính trị trong khu vực, trong đó các nước lớn với những toan tính của họ đã và đang chủ động lôi kéo.

Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa XII trong phiên họp đầu tiên đã thông qua nghị quyết hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây được coi là thời điểm quan trọng và có phần nhạy cảm, chấm dứt hoạt động của Bộ Thủy sản với tư cách mà người đứng đầu của nó là thành viên Chính phủ sau 48 năm (dù là Tổng cục từ năm 1959 đến năm 1976 hay Bộ, từ năm 1976 đến hết tháng 7 năm 2007).

Với sự kiện Thủy sản và Nông nghiệp về lại “chung một nhà”, chính thức về danh nghĩa, Bộ Nông nghiệp và PTNT trở thành Bộ đa ngành sau giai đoạn 12 năm hợp nhất các ngành chính: Lâm nghiệp, Thủy lợi rồi cuối cùng là Thủy sản. Cũng nhiều băn khoăn, nhất là ở những người đã từng trong ngành thủy sản hay có công việc gắn bó với thủy sản, cũng có băn khoăn cả về thời điểm, về việc chuẩn bị của cơ quan chức năng cho quá trình Đa ngành hóa mô hình một Bộ.

Tuy nhiên, thiên hạ đều đồng tình xu hướng gom các bộ, giảm đầu mối vì điều đó thể hiện bước tiến đáng kể trong Cải cách hành chính, hứa hẹn một cung cách hoạt động mới của các Bộ hợp nhất sau này cũng như những đổi mới hoạt động của Chính phủ, làm nòng cốt cho công cuộc cải cách hành chính từ Trung ương tới địa phương theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Dẫu vậy, cũng thấy trước những gập ghềnh đáng kể trong quá trình biến hứa hẹn đó thành hiện thực phát triển.

Hơn một tháng sau khi bàn giao công việc cho Bộ mới, ngày 27 tháng 09 năm 2007, Thủ tướng ký quyết định cho tôi nghỉ công tác để làm thủ tục hưu trí. Như vậy là kết thúc 41 năm công tác của tôi, tất cả đều ở trong ngành thủy sản (với 18 năm đi dạy học và 23 năm làm quản lý ngành, trong đó gần 11 năm là Bộ trưởng). Tính tới thời điểm ấy, tôi ở tuổi 63.

Như vậy, với tôi, năm 2007 có 3 sự kiện mà bây giờ đã 15 năm trôi qua tôi vẫn coi là cột mốc lớn. Tôi không ích kỷ đến mức chỉ nghĩ về cá nhân mình mà đánh giá như vậy. Dù với cá nhân tôi việc về nghỉ là sự kiện của riêng mình, của một người bình thường sau những năm tháng lao động và cống hiến.

Với tư cách người đứng đầu lĩnh vực (Thủy sản) nó cũng mang chút dấu ấn của một giai đoạn phát triển. Hơn nữa, với tư cách một chính khách, hoạt động của tôi cũng phải mang rõ đặc trưng công việc trong một giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong một thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của một Quốc gia Biển đảo.

Trong 11 năm tại vị, tôi phải nghĩ đến sự kế thừa của năm tháng thủy sản từng được xác định là ngành mũi nhọn, phải chớp lấy những thời cơ và thuận lợi của đổi mới và hội nhập sau năm 1995 để ngành tiếp tục có những thay đổi đáng kể các nguồn lực nội sinh và bắt tay với các nước cùng phát triển. Điểm lại cũng khá nhiều việc tôi đã nỗ lực làm được, tuy nhiên còn không ít việc chưa xong hoặc không mang lại kết quả mong muốn. Bàn luận hay nghĩ ngợi về công việc đã làm cũng nhiều lúc làm tôi lăn tăn, trăn trở.

Khi đã khép lại những năm công tác, mỗi người đều có những trăn trở riêng. Và tôi cũng vậy. Trong cuốn sách Lắng đọng và suy nghĩ in cách đây 3 năm, tôi đã có lúc đề cập đến những trăn trở đó. Tôi cũng nghĩ, là người đứng đầu thì phải “chịu trận”. Tôi không trách và không đổ lỗi cho ai mỗi khi để xảy ra việc chưa tốt như mong muốn. Xì xèo sau mỗi việc như vậy trong dư luận xã hội về một điều gì đó liên quan trách nhiệm của mình cũng là việc dễ có. Cũng có những phiên chất vấn tôi phải đối mặt với các sự gay gắt của một số đại biểu, phải tận tai, tận mắt với các thông tin phiền lòng trên báo, đài. Tuy không nhiều những trường hợp như thế, dù cầu thị đến mấy thì đó là các kỷ niệm không vui, không đẹp.

Tuy có này có nọ, mọi đánh giá cũng cần phải dùng thước đo chung thông qua sự tín nhiệm xã hội. Một thực tế, 11 năm trong Chính phủ, tôi trải qua ba kỳ bỏ phiếu phê chuẩn tại Quốc hội, đó là vào các năm 1996, 2002 và 2006. Cả 3 lần đó trong danh sách tham gia Chính phủ được Thủ tướng trình ra các kỳ Quốc hội, tôi đều nhận số phiếu tốp đầu (còn là cao nhất). Nếu tôi làm việc không tốt chắc khó mà nhận sự được tín nhiệm “cao đều” như vậy.

Nghỉ công tác đã 15 năm rồi, đến giờ tôi vẫn nhận thấy được sự quý mến và tôn trọng mình trong số đông đồng nghiệp, trong giới lãnh đạo cùng thời và quản lý thủy sản ở các địa phương đã từng gắn bó, nhất là ở các tỉnh ven biển. Sau khi nghỉ đã nhiều năm tôi vẫn nhận được tình cảm và sự tin tưởng từ không ít bà con lao động.

Tôi coi sự tin cậy như vậy là một trong những phần thưởng cao quý nhất mà mình được, là giá trị mà mình có. Nó không xuất phát từ cái gì đó có nét “làm vừa lòng mọi người kiểu dân túy” khi tôi ở cương vị của một người có chức quyền, mà là sự trong sáng vô tư nhìn vào việc và vui vì công việc, về thành quả công việc, sự chân tình, trách nhiệm chia sẻ những khó khăn, nỗi lo ở mọi nơi với tinh thần cùng gánh vác.

Tôi muốn nhắc lại một sự kiện ngẫu nhiên, đó là vào ngày 5 tháng 11 năm 1996, tôi có cuộc họp ở Hòa Bình. Sáng sớm hôm đó, khi xe qua một con ngầm trước lúc đến khu Chuyên gia Thủy điện để họp, xe bị trôi xuống suối đang ào ào chảy xiết. Thoát chết nhưng chúng tôi ướt, rét và riêng tôi, quan trọng là được tắm gội sạch sẽ. Sáng hôm sau, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn tôi và từ lúc ấy tôi mang cái tố chất “sạch sẽ” đó vào 11 năm công việc.

Nghĩ vậy, tôi thấy yên tâm để khép lại phần viết này.

***

Lai rai trong hơn chục năm về nghỉ, tôi đã viết một số bài báo hoặc bài viết khác dạng tiểu luận, ngoài ra, khi nhân có những sự kiện nhất định đụng đến tính “say nghề” của mình, tôi cũng viết những góp ý cần thiết gửi đến các bậc có thẩm quyền.

Tất cả những bài đó tôi lồng cái tâm của mình để bớt đi những hạn chế vì sự mai một tri thức bản thân. Nói vậy, cũng có những bài sau khi nảy ra ý định viết thì tôi nghĩ đến tìm kiếm các dữ liệu khoa học, cập nhật thông tin từ thực tiễn nghề biển nước ta, các chính sách phát triển liên quan và các yêu cầu mới trong hội nhập thế giới.

Trước đây, tác nghiệp của tôi chủ yếu là điều hành và lãnh đạo, giờ đây, với các bài viết thì tôi coi việc đọc sâu, truy tìm đến chân lý, tính hợp lý và sự diễn đạt dễ hiểu khi viết là tác nghiệp. Nhiều bài viết của tôi đã được đưa lên mặt báo. Những góp ý quan trọng luôn nhận được sự phản hồi của các đồng chí lãnh đạo (tất nhiên có cả những phản hồi miễn cưỡng mà thỉnh thoảng tôi cũng nhận được).

Liên quan việc góp ý này tôi xin kể lại một kỷ niệm: Khoảng tháng 10 năm 2007, Thường trực Chính phủ lúc đó tổ chức buổi gặp mặt với “tốp” thành viên Chính phủ nhận Quyết định hưu trí. Cùng với những lời nói tri ân và tình cảm ấm áp lúc chia tay, Thủ tướng thay mặt Chính phủ chúc chúng tôi Sống vui, sống khỏe trong những năm tháng tiếp. Với cả những lời chúc khác của Thủ tướng, tôi cũng ngầm hiểu thêm là ông chúc chúng tôi cả Sống có ích nữa. Như vậy mới đủ phương châm “Bộ ba” mà Hội người cao tuổi dành cho người già. Tôi nghĩ, đã từng hoạt động trong Nội các, tôi rất biết hai chữ có ích từ lúc này đối với mình là như thế nào. Có ích và trách nhiệm cho bản thân, cho tập thể mình đã gắn bó và cho xã hội.

Tôi muốn chép lại ở đây mấy dòng trong Lời nói đầu của cuốn sách này: Tình cảm và sự tâm huyết với ngành thủy sản của tôi trước khi viết luôn như khối magma tuôn trào lẫn lộn với các thành tố góc cạnh của các công việc đã trải nghiệm. Tôi phải diễn tả sao để biến khối nham thạch đó có ích nhất cho bài viết của mình, cho hiểu biết về ngành, về bà con ngư dân mình.

Tôi muốn chép lại ở đây mấy dòng trong Lời nói đầu của cuốn sách này: Tình cảm và sự tâm huyết với ngành thủy sản của tôi trước khi viết luôn như khối magma tuôn trào lẫn lộn với các thành tố góc cạnh của các công việc đã trải nghiệm. Tôi phải diễn tả sao để biến khối nham thạch đó có ích nhất cho bài viết của mình, cho hiểu biết về ngành, về bà con ngư dân mình.

Tích cóp và đọc lại các bài viết gõ nhịp thời gian sau “một con giáp” về nghỉ tôi thấy vui vui, tuyển chọn các bài về Thủy sản tôi bố cục lại và đã biên tập thành một cuốn sách. Sách được Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật ấn hành tháng 8 năm 2019 với tiêu đề Lắng đọng và suy nghĩ.

Suy nghĩ rải ra trong hơn 10 năm, viết theo thời sự từng hiện tượng và sự kiện, tôi chắc tránh được tính chủ quan hay có của một dạng hồi ký ngồi nghĩ rồi một mạch viết ra. Hơn nữa, dù bài ngắn hay dài, các nhân tố về quá khứ, hiện tại và tương lai đều được khai thác nên hãy đừng coi những bài viết đó chỉ là thuật lại hay hồi ức. Chúng đang nói cả về cái đang diễn ra và cái cần hướng tới.

Nhân dịp này tôi cũng muốn kể mấy chuyện từng sâu đậm!

Mấy lời về ngày truyền thống

Cuối tháng 3 năm 1959, Bác Hồ có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo địa phương, quân và dân vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Bác dành thời gian thăm các làng cá trên các đảo Tuần Châu và Cát Bà.

Sự kiện Bác thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân ở trên biển đảo thời điểm đó được chính quyền địa phương và nhân dân những nơi đây ghi nhớ và tổ chức kỷ niệm hàng năm. Sau này (năm 1995), Bộ Thủy sản đã đề nghị và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định lấy ngày 1 tháng 4 hàng năm làm ngày Truyền thống của ngành Thủy sản Việt Nam.

Lời Bác nói: "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ" tại đây về sau đã được thêu trên Lá cờ truyền thống của ngành Thủy sản và trở nên vừa thiêng liêng, vừa quen thuộc nhiều chục năm nay. Đã hơn 60 năm, hai chữ làm chủ ngày ấy càng được thấm sâu hơn đối với người làm thủy sản, những con người từ xa xưa sinh tồn gắn với biển.

Trước hết, làm chủ là tư duy và hành động giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển. Mặt khác, làm chủ là biết khai thác và sử dụng tài nguyên của biển với tinh thần “chủ nhân ông”, có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng và với tài nguyên, môi trường biển lâu dài cho cuộc sống và sản xuất của nhiều đời con cháu mai sau.

Đó là những nhân tố quan trọng nhất của Phát triển bền vững. Đó cũng là những yêu cầu trong cam kết hội nhập quốc tế đối với nghề cá hiện đại. Luật ứng xử về Nghề cá trách nhiệm của FAO năm 1995 và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 (UNCLOS) là những văn bản quốc tế hiện chi phối những nhân tố trách nhiệm này và đặt ra những ràng buộc trong quản lý Nghề cá thế giới, các chính sách, chế tài áp dụng lên thương mại hải sản.

Về Phát triển bền vững và yêu cầu hội nhập trong nghề cá trách nhiệm tôi đã viết ở một số bài của cuốn Lắng đọng và suy nghĩ. Ở đây tôi sẽ không nhắc lại nữa.

Tôi muốn có ít dòng để nhấn mạnh về tư duy và hành động giữ vững chủ quyền Biển đảo của Tổ quốc song hành với sự phát triển nghề cá biển Việt Nam. Đó là sự tham gia bảo vệ Tổ quốc của cộng đồng ngư dân và dân cư ven biển, là năng lực lãnh đạo và quản lý để tổ chức mặt hoạt động quan trọng này. Đó là vai trò trực tiếp của Bộ Thủy sản trước đây, của chính quyền địa phương các cấp gắn với hoạt động nghề cá biển. Đó cũng là những việc cụ thể nhằm tổ chức các đội dân quân bảo vệ bờ biển từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phát huy vai trò quan trọng của các Hợp tác xã nghề cá từ cuối những năm 1950, là chỉ huy, phối hợp các Hải đoàn ở một số tỉnh, thành phố khoảng 2 thập kỷ đầu sau khi nước nhà thống nhất…

Tấm thiếp chúc Tết và điều tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dịp Xuân Bính Tuất năm 2006, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đã 95 tuổi, gửi Thiếp chúc mừng Năm mới tới Bộ Thủy sản. Bây giờ thật xúc động mỗi khi nhìn lại dòng chữ nghiêng nghiêng này của vị Tổng tư lệnh lỗi lạc. Đây là tấm thiếp năm mới cuối cùng mà Bộ chúng tôi nhận được từ vị Đại tướng mà tên tuổi gắn với những huyền thoại trong các cuộc chiến tranh giành độc lập đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thế kỷ XX. Với riêng tôi, sau đó 5 năm, còn nhận đượcnhững dòng cảm ơn từ Đại tướng khi thăm và chúc thọ ông nhân dịp ông tròn 100 tuổi, ngày 25 tháng 08 năm 2011. Khi đó ông đã nằm viện.

Phát triển thủy sản để góp phần làm cho nước ta giàu mạnh, để dân ta ấm no, để đem cuộc sống văn minh đến với các làng biển hẻo lánh hay sát ngay đô thị sầm uất mà còn nghèo và lạc hậu. Khuyến khích và tổ chức ngư dân bám biển sản xuất để củng cố mặt trận quốc phòng toàn dân trên biển luôn là điều bác Giáp quan tâm và nhắc đến trong những lần gặp và những câu bác dặn dò chúng tôi.

Thiếp chúc Tết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thiếp chúc Tết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đó là mối quan tâm xuyên suốt nhiều thập kỷ, trong thời chiến cũng như thời bình. Đó là việc rất lớn của cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là vai trò quản lý của Bộ Thủy sản. Đại tướng rất vui mừng mỗi khi có thông tin về những thành tựu khoa học mới, những kỹ thuật mới, điều kiện và phương tiện điều tra nghiên cứu mới về biển, về ngư trường, về công cụ khai thác, những kết quả tích cực trong sản xuất giống thủy sản và nghề nuôi…

Một trong những cái quý giá nhất của nước ta là tiếp giáp với đại dương, có bờ biển dài, có nhiều eo vịnh, đảo và quần đảo lớn nhỏ, có tài nguyên biển phong phú, trong đó có tài nguyên sinh vật đa dạng, thuận cho kinh tế và dân sinh. Một khi biết giữ gìn biển thì nơi đây sẽ là một ưu đãi bất tận để tái tạo nguồn lợi sinh học và giữ sạch môi trường sinh thái.

Biển cũng là cửa ngõ để chúng ta giao thương với tất cả các nơi trên thế giới và cũng thuận lợi khi giao thương giữa vùng này với vùng khác trong nước. Tuy nhiên, biển cũng là cửa ngõ của nhiều cuộc xâm lăng trong lịch sử, là những sự xâm nhập thường xuyên vi phạm an ninh lãnh thổ và gây bất ổn cho xã hội.

Biển cũng là nơi luôn rình rập những rủi ro thiên tai… Cán bộ và bộ máy ngành, mà trước hết là Bộ Thủy sản những năm tháng đó có trách nhiệm quản lý rất lớn. Lời chúc Tết của Đại tướng cũng hàm ý yêu cầu Bộ Thủy sản lúc đó phải mạnh lên, đủ sức cả với những đòi hỏi như vậy.

Tôi nhớ, khi tôi về công tác ở Bộ vẫn còn một vụ có tên là Vụ 1. Thời gian sau này, Vụ 1 mới nhập vào Vụ Kế hoạch đầu tư, nhưng nhiệm vụ liên quan đến an ninh quốc phòng của nó không mất đi mà lồng ghép trong các chương trình, dự án đầu tư và kế hoạch hàng năm.

Với tình hình địa chính trị thế giới và khu vực ngày càng phức tạp, với những diễn biến khó lường trên Biển Đông như hiện nay, tôi lại nghĩ tới lời dặn và sự trăn trở của Đại tướng về yêu cầu gắn kết phát triển sản xuất với tổ chức quốc phòng trên biển.

Biển và ngư dân là tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Biển và ngư dân là tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cùng với việc xây dựng lực luợng Hải quân hùng mạnh, chính quy, theo Đại tướng, việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển luôn có ý nghĩa rất lơn. Đã một thời, dân quân vùng biển, các hợp tác xã đánh cá khắp miền Bắc “tay lưới tay súng” bảo vệ quê hương ở miền Bắc, tham gia tiếp vận cho miền Nam đến tận ngày toàn thắng.

Cần phân rõ ranh giới địa lý trên biển và rạch ròi quyền tài phán đối với tài nguyên biển là quan trọng cho hòa bình và ổn định của một quốc gia ven biển

Tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ ngư dân trên biển, nâng cao cảnh giác sẵn sàng chống lại mọi mưu toan và hành động xâm phạm và khiêu khích luôn là việc quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chủ động xây dựng chính sách đối ngoại thân thiện với các nước láng giềng nhằm ổn định trên biển.

Nhiều năm qua, song song với quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, chúng ta ưu tiên đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định phân định ranh giới trên biển, định rõ quyền tài phán về tài nguyên thiên nhiên một khi đã phân định.

Ngoài ra, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển, nhất là tranh chấp tại các vùng chồng lấn cũng phải được bàn bạc và thỏa thuận với các quốc gia liên quan. Cho đến nay, nước ta đã ký và thực thi các văn bản pháp lý song phương về phân định biên giới trên biển hay xác định các vùng chồng lấn với nhiều nước trong khu vực. Tất cả những cố gắng đó đã cải thiện rõ rệt sự hợp tác mọi mặt giữa nước ta với các nước trong khu vực Biển Đông. Sau đây, tôi nêu hai trường hợp đàm phán và ký kết điển hình nhất:

1. Đàm phán với Chính phủ Vương quốc Thái Lan từ năm 1995: Tại Bangkok, ngày 09 tháng 08 năm 1997, hai nước Việt Nam và Thái Lan đã ký Hiệp định phân định ranh giới trên biển trong vịnh Thái Lan.

Các Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (giữa) và Prachuab Chaiasan (người thứ hai từ trái sang, những người đã ký Hiệp định phân định Biển Tây Nam năm 1987. Ảnh chụp năm 2013 tại Hà Nội khi đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm đến cuộc làm việc giữa hai hội hữu nghị Việt - Thái và Thái - Việt.

Các Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (giữa) và Prachuab Chaiasan (người thứ hai từ trái sang, những người đã ký Hiệp định phân định Biển Tây Nam năm 1987. Ảnh chụp năm 2013 tại Hà Nội khi đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm đến cuộc làm việc giữa hai hội hữu nghị Việt - Thái và Thái - Việt.

Những người đặt bút ký hiệp định là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Prachuab Chaiyasan. Hiệp định đã chấm dứt một phần tư thế kỷ tranh cãi giữa Việt Nam và Thái Lan về giải thích và áp dụng luật biển trong phân định vùng chồng lấn giữa hai quốc gia.

Đây là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan, là hiệp định phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực, đồng thời cũng là hiệp định về phân định toàn bộ các vùng biển đầu tiên trong khu vực. Đối với Việt Nam, đây là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được với các nước láng giềng.

Sau khi hiệp định trên được ký kết và đưa vào thực hiện từ hai phía, tình hình hoạt động của ngư dân trên Biển Tây Nam được cải thiện rõ rệt. Việc hợp tác hướng dẫn ngư dân khai thác trên biển, tránh các vi phạm và tranh chấp được chính quyền cả hai phía coi trọng và thống nhất hướng dẫn. Các đợt tuần tra chung cũng thường xuyên được tổ chức. Biển Tây Nam cơ bản trở thành ngư trường rộng lớn của hòa bình và hữu nghị.

2. Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ: Hiệp định được ký tại Đại Lễ đường Bắc Kinh ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Ký kết hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc năm 2000.

Ký kết hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc năm 2000.

Đại diện cho Chính phủ Trung Quốc đặt bút ký là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này Trần Diệu Bang, còn tôi ký đại diện cho Chính phủ Việt Nam. Cũng buổi hôm đó, tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc thay mặt Chính phủ hai nước ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sau thời gian đàm phán để hai bên đi đến thống nhất Nghị định thư bổ sung về hợp tác nghề cá (Trung Quốc gọi loại văn bản này là Bị vong lục), trưởng đoàn đàm phán cấp chuyên viên hai nước đã ký bản Nghị định thư bổ sung này vào ngày 29 tháng 4 năm 2004 để rồi toàn bộ văn bản Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ được hai bên đồng ý là đã hoàn tất.

Tiếp đó, sau khi xong các thủ tục phê chuẩn nhà nước, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực và chính thức đưa vào thực hiện.

Trưa ngày 30 tháng 6 năm 2004, tại Nhà khách Chính phủ số 2 phố Ngô Quyền Hà Nội, thay mặt Bộ Ngoại giao hai nước, phía Việt Nam là Thứ trưởng Lê Công Phụng và phía Trung Quốc là Thứ trưởng Vương Nghị đồng chủ trì tuyên bố thời khắc hiệu lực của sự kiện.

Như vậy là tính từ ngày ký ở Bắc Kinh, mãi 3 năm rưỡi sau Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mới chính thức có hiệu lực, và đó cũng là thời điểm bắt đầu hiệu lực của Hiệp định phân định. Chắc cũng phải nói rằng: Nhiều khi về đại cục có thể hai bên dễ gặp nhau và nhanh chóng hơn khi giải quyết các bất đồng, nhưng những chi tiết quyết định đến tính khả thi và trọng lượng của cái đại cục ấy lại lấy đi rất nhiều thời gian. Trường hợp này là như vậy, không thể khác được.

Cho đến nay, tài liệu để tìm hiểu về nội dung này rất đầy đủ, trong đó có văn bản hai hiệp định. Tôi chỉ muốn viết ra mấy ý sau.

Phân định ranh giới trên biển giữa các nước láng giềng bao giờ cũng có toan tính đến các nguồn tài nguyên gắn với khu vực phân định.

Với các tài nguyên khoáng sản, dầu khí dưới đáy biển thì việc định rõ này nằm ngay trong thỏa thuận đường phân định địa lý. Tuy nhiên, với tài nguyên sinh vật biển, mà cụ thể là nguồn lợi thủy sản thì cũng có cái khác liên quan tới những đặc trưng nghề cá biển và sinh kế ngư dân.

Trong trường hợp phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc đề nghị nhất thiết phải có một hiệp định riêng về hợp tác nghề cá ở đây, quy định sự dàn xếp đặc thù tạm thời trong một số năm nhất định tại những khu vực giới hạn tính từ thời điểm hiệu lực của sự phân định. Hết thời gian tạm thời này về nguyên tắc việc dàn xếp như vậy không còn hiệu lực nữa và ngư dân nước nào chỉ được hoạt động khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế nước đó nếu không có đàm phán và ký kết gì tiếp liên quan.

Trong suốt ba năm rưỡi sau khi ký hiệp định, công việc của các đoàn đàm phán cấp chuyên viên hai nước đã rà soát, dựa vào các dữ liệu khoa học về khả năng cho phép của nguồn lợi, các hoạt động thực tiễn của ngư dân trên các ngư trường trong vịnh, các yếu tố địa lý,… để thảo luận và đàm phán đi đến thống nhất giải pháp cho giai đoạn tạm thời này.

Trong hiệp định nêu rõ 3 khu vực có tính đặc thù như vậy: vùng đệm cho tàu cá nhỏ hoạt động lân cận cửa sông Bắc Luân; Vùng dàn xếp quá độ tại vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước nằm về phía Bắc Vùng đánh cá chung (từ vĩ tuyến 20°N trở lên), hai bên tiến hành giảm dần hoạt động đánh cá ở phía bên kia. Sau bốn năm (đến ngày 30 tháng 6 năm 2008) mỗi bên quản lý vùng biển của mình theo chế độ vùng đặc quyền kinh tế riêng; và vùng đánh cá chung kéo từ vĩ độ 20 trở xuống đến cửa vịnh, có giới hạn theo tọa độ hai phía, về diện tíchvà đặc biệt giới hạn về cường lực khai thác cho phù hợp với khả năng nguồn lợi. Thời hạn tồn tại của vùng đánh cá chung này là 12 năm cộng với 3 năm mặc nhiên gia hạn như hiệp định đã ký ban đầu, tổng cộng là 15 năm. Tức là, theo quy định, vùng đánh cá chung hết hiệu lực vào ngày 30 tháng 6 năm 2019.

Trong 3 khu vực này, việc đàm phán về vùng đánh cá chung là lâu công nhất, phải tiến hành qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên mới kết thúc theo thời điểm đã nêu ở trên.

Là người chỉ đạo công việc đàm phán cấp chuyên viên này, thực chất tôi phải nắm chắc chủ trương của lãnh đạo cấp trên về đường hướng chung và những vấn đề có tính quyết định (khi cần thì tham mưu xin ý kiến) để chỉ dạo nhóm chuyên viên đàm phán.

Người đứng đầu đàm phán cấp chuyên viên Việt Nam là anh Đinh Xuân Thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Thủy sản. Đứng đầu đoàn chuyên viên phía bạn là anh Vương Diễn Lượng, Cục trưởng Cục Nghề cá Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Bây giờ, tôi có thể nói lại rằng, tôi rất tin tưởng và đánh giá cao Đoàn đàm phán cấp chuyên viên chúng ta và kết quả công việc của họ. Đoàn gồm các thành viên ở một số bộ ngành và cơ quan chuyên môn, nòng cốt là từ Bộ Thủy sản. Tổng hợp lại từng lĩnh vực, anh em thông hiểu về luật pháp quốc tế, về chủ trương đường lối của Đảng, nắm chắc về nguồn lợi, ngư trường và thực tiễn khai thác trong vịnh, về địa lý và địa hình cũng như nhiều việc cần thiết khác nên khá thuận lợi mỗi khi giải quyết các gay cấn có lúc tưởng như bế tắc. Tôi cũng phân công Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hồng giúp tôi một thời gian làm việc trực tiếp với tổ một số vòng đàm phán về sau.

Một thuận lợi khác cho công việc, đó là độ chắc chắn và hữu ích của các dữ liệu điều tra nghiên cứu liên quan đến khả năng khai thác trong Vịnh Bắc Bộ do Viện Nghiên cứu hải sản Hải phòng của GS.TS Bùi Đình Chung, Viện trưởng chủ trì cung cấp sau khi có những đánh giá, nghiệm thu Nhà nước theo quy định.

Trong thời gian này, Bộ Thủy sản cũng đã bắt tay xây dựng Luật Thủy sản có sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài được NORAD Na Uy lựa chọn. Nhờ đó, hiểu biết về phân định trên biển, các giải quyết tranh chấp, các dàn xếp quốc tế liên quan nghề cá được cải thiện. Các luật quốc tế, kể cả Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) lồng ghép khi xây dựng Luật Thủy sản cũng phục vụ thiết thực cho xây dựng và xử lý các kịch bản đàm phán.

Sau này, nhìn lại thời kỳ đó, tôi lại thấy thêm rằng việc hoàn thành kết quả đàm phán Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ cùng với các kiến thức và thực tiễn có được khi xây dựng Luật Thủy sản đã cải thiện đáng kể năng lực chuyên môn của Vụ Pháp chế cũng như năng lực pháp chế của không ít công chức ở Bộ Thủy sản lúc đó, rất hữu ích cho công tác.

Đằng trước vẫn còn những việc lớn phải lo thấu đáo

Đất nước ta đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và có những bước tiến dài trong thương mại và thu hút đầu tư. Bộ mặt đất nước đã đổi thay khá lớn. Đó là thành công của đổi mới, đó là thắng lợi của nhiều năm hội nhập. Ngành Thủy sản đã gặt hái những thành công của mình nhờ vào đổi mới và hội nhập, và chính nó, cũng đóng góp cho thành quả đất nước do Đổi mới và hội nhập mang lại trong ba thập kỷ qua.

Tuy nhiên, có soi vào những thành công chung của đất nước, có đổi mới hơn nữa và hội nhập sâu hơn thủy sản mới thấy những khập khiễng của mình, mới thấy những khó khăn phía trước khi toan tính đến các mốc thời gian 2030 và 2045 như lộ trình được nêu ra trong các Nghị quyết Đại hội, các bản chiến lược tổng thể về kinh tế xã hội. Bài viết này đã khá dài nên ở đây tôi chỉ nêu vắn tắt vài điều bản thân đang còn lo lắng:

1. Nghị quyết Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đến nay đã được hơn 15 năm. Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 36 NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai bản Nghị quyết về chiến lược biển. Có nhiều nội dung mới trong bản Nghị quyết sau này, đặc biệt khi nêu đến phát triển bền vững kinh tế biển.

Tuy nhiên, nhìn vào tiêu đề của nó, chúng ta thấy còn thiếu một mảng lớn và quan trọng so với bản Nghị quyết về Chiến lược biển 11 năm trước. Hiện tại, những vấn đề chính trị quốc tế liên quan tới Biển Đông trở nên rất phức tạp và những tranh chấp nơi đây ngày một nhiều và có vẻ căng thẳng lên, trong đó có những sự kiện xẩy ra mà chưa hề có trong tiền lệ. Sự biến động đó cần được xem xét nghiêm túc không những chỉ để nước ta luôn giữ được độc lập tự chủ, không bị lôi cuốn vào các dòng xoáy của các sự kiện, góp phần cho sự ổn định chính trị trong khu vực, cho cả phát triển kinh tế biển nói chung và nghề cá nói riêng.

Tôi hy vọng rằng Trung ương Đảng sớm có nghị quyết để bổ khuyết phần thiếu rất quan trọng này. Chúng ta không thể nói đến mục tiêu phát triển kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà không có những khẳng định cần thiết về điều kiện địa chính trị quốc tế và khu vực liên quan.

Có như vậy nghề cá mới phát triển sản xuất, ngư dân mới yên ổn làm ăn, vừa sẵn sàng tham gia giữ nước như nhiều năm trước đây. Khi đó, nhân dân ta mới Làm chủ biển thực sự và thực hiện được cả hai vế của tinh thần Làm chủ biển bạc như lời Bác Hồ dạy.

2. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch và kinh tế đô thị, với những đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước dọc tuyến ven biển, nhất là ở những nơi có khu công nghiệp tập trung thì cũng phát sinh các nguy cơ cho các sự cố sinh thái biển, những sự đe dọa đến đa dạng sinh học biển và trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.

Trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến hậu quả việc xả thải của Tập đoàn Formosa tại biển Bắc miền Trung; tranh cãi trong dư luận về việc đổ phế thải xây dựng các nhà máy nhiệt điện cạnh Khu bảo tồn Hòn Cau, Bình Thuận; gần đây là hiện tượng san hô chết hàng loạt ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun, Khánh Hòa. Tôi cũng được nghe đến hiện tượng suy giảm nguồn lợi bào ngư nổi tiếng ở hòn đảo xa bờ Bạch Long Vĩ do những vi phạm về đa dạng sinh học biển quanh đảo…

Kinh tế biển và liên quan đến biển phát triển mạnh, nhưng năng lực quản lý biển yếu và không theo kịp với thực tiễn đang đổi thay về kinh tế xã hội. Tôi nghĩ rằng cần có sự thay đổi về tư duy, cung cách và cách tổ chức quản lý lĩnh vực này. Nó phải khác đi về cách tiếp cận.

Cơ quan quản lý biển và đại dương không thể hiểu biết không sâu về quản lý một ngành kinh tế biển, không biết đầy đủ về lao động biển, về xã hội biển đảo để làm công việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế biển. Việc bảo vệ nguồn lợi với sử dụng và khai thác nguồn lợi thủy sản phải theo một chuỗi tư duy và nhất quán giữa khoa học với thực tiễn, làm cơ sở cho công việc xây dựng, quản lý các khu bảo tồn biển, khẳng định về ngư trường và kỹ năng khai thác gắn với tổ chức sản xuất trên biển và thực thi các quyền lực trong lĩnh vực quan trọng này, với tinh thần ngư dân là chủ thể..

3. Tôi muốn nhắc đến Nghị định 67 và tàu vỏ thép, sau 8 năm vẫn loay hoay với việc tìm lối ra, lại gặp khó lúc giá dầu lên như vừa qua. Không như tàu vỏ gỗ, sau 7-8 năm không ít con tàu vỏ thép lớn nằm bờ lâu đã hoen rỉ với những hình ảnh không vui, ngư dân nghĩ về chuyện trả nợ, ngân hàng nghĩ về việc đòi nợ… Nhắc đến “tàu 67” có người lại nghĩ đến “Tàu 393” của 25 năm về trước.

Trong cuốn Lắng đọng và suy nghĩ, tôi đã viết bài Chuyện tàu xa bờ xưa và nay. Bài ấy đã khá đầy đủ và cặn kẽ viết về cái được, cái chưa được của “Tàu 393”. Dù cái chưa được là bài học quý cho về sau nhưng đã được nhìn thấu. Với “Tàu 393”, cái được bao trùm phải nhớ đến là sự kỹ càng trong chuẩn bị, tính bao quát trong xây dựng nội dung, tính khoa học để định rõ phạm trù xa bờ. Việc xác định các điều kiện để ngư dân vay, đóng/sắm tàu, nhận hỗ trợ kỹ thuật và trả nợ được bàn qua nhiều kỳ họp với  phía ngân hàng. Thêm một chi tiết nữa tôi muốn nêu ra để thấy sự cần thiết có “Tàu 393”: giải quyết hậu quả của hiện tượng “Mua tàu trả chậm” đầu những năm 1990 là một ví dụ. Điều này tôi chưa bao giờ đề cập đến trong những bài viết những năm qua.

Quay lại tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Hình như không có đủ thời gian và điều kiện để toan tính về tàu vỏ thép trước khi bắt tay đầu tư. Thay đổi để có vật liệu mới đóng tàu nói chung và tàu vỏ thép nói riêng cho nghề cá truyền thống như ở ta có thể coi là một cuộc cách mạng kỹ thuật trong ngành cá biển nhưng thời gian dành cho nó thực quá ít.

Tại thời điểm ấy, trong dư luận xã hội rất bức xúc về sự kiện Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vào biển ta hạ đặt, và đó cũng  là bối cảnh của chủ trương ưu đãi cho doanh nghiệp và ngư dân vay vốn đóng tàu. Từ chủ trương đến Nghị định Chính phủ chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Điều đó thỏa mãn được tâm lý tức thời của xã hội nói chung mà không lường hết khó khăn khi triển khai và những chuyện nảy sinh trong quản lý sau này. Sửa đổi nhiều lần về thủ tục vay vốn và đóng tàu nhưng những vấn đề gay cấn vẫn nằm ngoài các nội dung sửa đổi.

Tôi nghĩ rằng Bộ Nông nghiệp và PTNT cần thiết có cái nhìn tổng thể các vấn đề đang gặp phải của Nghị định 67 những năm qua, một lần có biện pháp thay đổi thực sự để lật sang trang mới.

Có lúc tôi tự hỏi mình, tại sao trong quản lý thủy sản lại có thời gian để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy”? Về tàu vỏ thép, chỉ khi cần kíp mới huy động chuyên gia, tập hợp các mẫu tàu để chuyên gia bình xét mà không có một đề án được xây dựng, được thử nghiệm rồi mở ra sản xuất; Lúc giá dầu hạ không lo tìm tòi các giải pháp kỹ thuật hay tổ chức sản xuất trên biển để tiết kiệm nhiên liệu, rồi khi dầu cao giá phải lo chuyện tàu nằm bờ.

Đây là trách nhiệm và là cái yếu của quản lý ngành, của cơ sở khoa học liên quan và của cả công tác quy hoạch và nghiên cứu kinh tế xã hội ngành. Không có sản phẩm “khỏe” khi bộ máy sản sinh ra nó yếu và ít được quan tâm. Và cứ thế, cái yếu lại càng yếu đi.

4. Tôi xin đưa ra đây hai tấm hình buổi Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp, nghe và nói chuyện với lao động nghề cá năm 2003. Lao động nghề cá rất xứng đáng được gặp Chủ tịch nước và Chủ tịch nước có quan tâm tới ngư dân mới nghe họ và chân tình cùng họ tháo gỡ khó khăn. Quan tâm cuộc sống và sản xuất của ngư dân. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước cũng luôn đi sát giúp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo công việc của Bộ Thủy sản.

 
 

5. Câu chuyện cuối

Năm 1997 tôi có chuyến đi công tác Đan Mạch. Một trong các công việc tôi phải thực hiện trong chuyến đi đó là cùng bạn ký Hiệp định về Dự án Đan Mạch giúp Việt Nam nâng cấp năng lực các cơ sở chế biến thủy sản.

Người ký với tôi là bà Loj, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Đọc lại bản thảo lần cuối văn bản hiệp định bạn đưa ra tôi thấy trong phần mục tiêu dự án có việc khuyến khích Tư nhân hóa. Lúc này đối với ta vẫn còn chưa quen cụm từ này. Tôi đề nghị bà Loj bỏ cụm từ đó nhưng bà ấy không nghe. Tôi cứ giải thích, cứ ngồi lại Bộ Ngoại giao rồi bà Loj mang đề nghị của tôi thảo luận nội bộ của bạn. Cây cầu quay trên con lạch ngay sau trụ sở Bộ Ngoại giao Đan Mạch ở Copenhagen cứ định kỳ mấy lần mở cho tàu qua rồi đóng lại để xe chạy về trung tâm thành phố, chúng tôi rất sốt ruột. Mãi khi chiều đã rất muộn bà Quốc vụ khanh quay về và chiều lòng tôi bỏ cụm từ mà tôi đã không thích…

Đã phần tư thế kỷ qua đi. Doanh nghiệp tư nhân giờ đây đã là thế mạnh không thể thay thế của kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ đến cái ấu trĩ lúc đó mà buồn cười cho mình. Bây giờ lại khác, đã là lúc để thoát ra những việc như vậy nhưng về nghỉ rồi, có tuổi rồi, tôi lại dễ rơi vào những tình huống khó xử khác vì mình đang xa với cuộc sống xã hội sôi động phía bên ngoài, khó khăn để học thêm và nghiên cứu thêm, sự mai một trí nhớ...

Tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch năm 1997. Ký xong rồi!

Tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch năm 1997. Ký xong rồi!

Vậy, nếu trong những trang viết trên có những gì các bạn chưa hiểu tôi, hoặc tôi có gì sai thì góp ý và đừng để tôi khó xử.

Viết thêm: Đã 15 năm tôi rời xa công việc, chia tay anh chị em cơ quan, tôi cảm ơn tất cả đồng nghiệp từng nhiều năm gắn bó, biết ơn những người anh đi trước đã trực tiếp hay gián tiếp lãnh đạo, dìu dắt tôi, để tôi học hỏi và trưởng thành từ một chuyên viên của Bộ. Tôi cũng dành lời tri ân đến những người làm việc gần gũi nhất với tôi khi tôi ở vị trí lãnh đạo ngành từ buổi đầu, thư ký của tôi: các anh Nguyễn Văn Nam (thời gian từ năm 1996 đến năm 2004) và Phạm Quang Toản (thời gian từ năm 2004 đến năm 2007). Tôi có thể dùng mấy từ về họ: Trung thực, chu đáo, trách nhiệm và chuyên nghiệp.

Hà Nội ngày 29 tháng 7 năm 2022

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...