Ngành hàng cà phê đã khá toàn diện
Thông tin tại hội thảo cho hay, kết thúc giai đoạn 1 (2010-2017) với kế hoạch xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng sản xuất bền vững, hợp tác công tư (PPP) trong ngành hàng cà phê Việt Nam đã kết nối được 3.220 hộ nông dân với tổng diện tích 5.262ha… Kết quả: Năng suất cà phê tăng được 17%; thu nhập trung bình của nông dân tăng 14%; tiết kiệm được 40% lượng nước tưới; giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý; giảm 10% lượng phân bón hóa học và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ (trung bình 1,5 tấn/ha).
Sản xuất cà phê ở Lâm Đồng. (Ảnh: TS) |
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, PPP đã góp phần quan trọng giúp cho cà phê là ngành hàng nông sản chủ lực có diện tích được chứng nhận lớn nhất hiện nay. Cà phê hiện là 1 trong 2 ngành hàng nông sản chủ lực đã khá toàn diện khi có hiệp hội ngành hàng, có viện nghiên cứu chuyên ngành, có ban điều phối, có các doanh nghiệp xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư.
TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp cấp cao, cho hay, thúc đẩy PPP, liên kết chuỗi, là nhu cầu tự thân của ngành hàng cà phê, khi mà nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, có đầu ra, thị trường ổn định; DN XK cần vùng nguyên liệu để xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cà phê nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm; DN xuyên quốc gia cần vùng nguyên liệu ổn định, đạt tiêu chuẩn bền vững; Chính phủ cần phát triển bền vững ngành hàng cà phê thành ngành hàng nông sản chủ lực.
Tuy nhiên, liên kết chuỗi trong cà phê hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém như: tổ chức của nông dân (HTX, tổ, nhóm) còn yếu; DN chế biến, XK cà phê chủ yếu thu mua qua trung gian; sản xuất không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế thu mua, phân loại chưa tạo động lực cho nông dân cải thiện chất lượng cà phê trong thu hái, sơ chế.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi
Trong giai đoạn 2 (2018-2020), PPP trong ngành hàng cà phê sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam, với các mục tiêu cụ thể: Có trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000ha; thu hút sự tham gia của nhiều đối tác trong hợp tác công tư như Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM, OLAM, Simexco, WASI, Trung tâm Khuyến nông của 4 tỉnh Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…
Để đạt được kết quả đó, ngành hàng cà phê sẽ mở rộng mô hình hợp tác công tư cà phê có tính nhân rộng cao; tăng cường đo lường và giám sát hiệu quả thực hiện; tăng cường kết nối giữa các tiểu ban VCCB và những dự án liên quan nhằm đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị.
Các hoạt động cụ thể gồm: Liên kết để nhân rộng mô hình hiệu quả và tăngc cường kết nối trong sản xuất cà phê bền vững thông qua việc đóng góp những dự án đang và sẽ triển khai trong ngành; tăng cường các hoạt động chia sẻ và chuyển giao kiến thức tại thực địa trên cơ sở lựa chọn mô hình điển hình từ các dự án đóng góp, phát triển nhóm nông dân xung quanh các mô hình điển hình đó; mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu nhận diện và giám sát vùng trồng cà phê bền vững, bao gồm việc đo lường hiệu quả thông qua việc áp dụng mobile app cho phần M&E; tăng cường kết nối và hoạt động chia sẻ trên các kênh, mạng xã hội; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, ghi nhận và vinh danh điển hình để khuyến khích sự tham gia của nhiều dự án hơn nữa.