Trong tham luận “Tri thức khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, trong sự bùng nổ công nghệ, đang hiện ra ngày càng rõ nét cơ hội để các nước đi sau vượt lên.
Thế mạnh tiềm lực
Cũng theo đánh giá của TS Phạm S, Lâm Đồng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là trung tâm lớn về kinh tế, khoa học, giáo dục của Tây Nguyên, là tỉnh có thế mạnh và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tri thức. Hiện toàn tỉnh có đội ngũ trí thức hơn 43.000 người; trong đó đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ chiếm khoảng 20.000 người.
Đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng mới đây (tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020) cho thấy: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm đến khoa học, công nghệ, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tích cực, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống. Tiềm lực khoa học công nghệ được tăng cường, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được nâng lên cả về số lượng, chất lượng có khả năng tiếp thu và làm chủ được tri thức ở một số lĩnh vực hiện đại như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...”.
Hiện nay, trong sản xuất, Lâm Đồng đã có hơn 100 giống rau, 60 giống hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao, 6 dòng cà phê vối cao sản được trồng khai thác hàng hóa; cùng đó, tỷ lệ giống mới trong các loại rau hoa chiếm đến 80%, cây lương thực (lúa, bắp...) chiếm trên 90%, các giống cây công nghiệp dài ngày như chè chiếm 47%, dâu tằm 30%, cà phê 12%...
Hiệu quả cao
Riêng với chương trình nông thôn miền núi, từ 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 7 dự án với kết quả mang lại rất thiết thực cho đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sản phẩm cà phê chất lượng cao của Đà Lạt đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng
Ví dụ, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật từ bã thải trồng nấm, phế thải chăn nuôi và trồng trọt tại thành phố Bảo Lộc” đã chuyển giao được 3 quy trình công nghệ; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà” đã chuyển giao 10 quy trình trồng dâu, nuôi tằm; dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nấm dược liệu quý hiếm và nấm ăn quy mô công nghiệp tại xã Đạm Bri, thành phố Bảo Lộc” đã tiếp nhận 15 quy trình trồng nấm các loại...
Có thể thấy, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các đề tài khoa học vào đời sống đã góp phần giải quyết những bức xúc từ thực tiễn sản xuất của địa phương, như nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sinh học tổng hợp trong phòng trừ sâu bệnh trên một số cây trồng; nghiên cứu tác nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây địa lan; nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp bệnh xoăn lá trên cây cà chua; nghiên cứu triển khai mô hình trồng rau an toàn; nghiên cứu, xây dựng quy trình thâm canh tổng hợp về cây điều ghép tại ba huyện phía nam...