| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực: [Bài 5] Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh khi giá cao su thấp

Thứ Sáu 01/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

Kiểm soát chặt chẽ giá thành là một trong những giải pháp quan trọng để VRG đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh khi giá xuất khẩu cao su ở mức thấp.

Thu mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Giá cao su đầu năm vẫn thấp

Ngành cao su bước vào năm 2024 trong bối cảnh giá cao su vẫn đang ở mức thấp. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong tháng 1/2024, ước tính giá cao su xuất khẩu chỉ ở mức bình quân 1.404 USD/tấn, tương đương với khoảng 33,6 triệu đồng/tấn.

Thị trường cao su thế giới trong năm nay được dự báo là tiếp tục khó khăn do chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn mà chưa biết khi nào kết thúc. Nền kinh tế thế giới có thể tiếp tục rơi vào suy thoái. Mức độ phục hồi của châu Âu, Trung Quốc và các nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn vẫn còn rất chậm. Các dự báo về tình thị thế giới 2024 đều thận trọng khi đề cập tới mức tăng trưởng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) nhận định, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó dự đoán; gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su dự báo tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của cao su Bờ Biển Ngà đang gia tăng sức ép cạnh tranh trên thị trường cao su thế giới, nhất là với các nước sản xuất và xuất khẩu cao su chủ lực ở Đông Nam Á. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Trong năm 2023, Bờ Biển Ngà xuất khẩu được 1,63 triệu tấn cao su, tăng 19,2% so với năm 2022. Cao su của Bờ Biển Ngà được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức… Bờ Biển Ngà đang trên đà phát triển sản xuất cao su, quốc gia này sắp trở thành nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ ba thế giới tính theo sản lượng.

Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thị trường cao su năm 2024 vẫn có những niềm hy vọng. Việc Chính phủ Trung Quốc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ xe điện sẽ góp phần làm tăng nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tại thị trường này. Tín hiệu tích cực đã thể hiện khá rõ tại Trung Quốc vào từ tháng 12 năm ngoái khi nhu cầu lốp xe tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) dự báo sản lượng ô tô nước này sẽ lên tới 31 triệu chiếc trong năm 2024.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 8,05 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (gồm cả mủ cao su), trị giá 12,03 tỷ USD, tăng 6,5% về lượng, nhưng giảm 10,1% về trị giá so với năm 2022. Việt Nam vẫn đang là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với với trên 1,68 triệu tấn, trị giá 2,24 triệu USD trong năm qua, chiếm 21% thị phần tại thị trường này. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đang tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Vệt Nam, chiếm 80% về lượng và 79% về trị giá trong năm 2023.

Chính vì vậy, nhu cầu cao su tăng ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu cao su toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng trong năm nay.

Bên cạnh đó, sản lượng cao su Thái Lan lại đang bị tác động bởi dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Năm 2024, diện tích thu hoạch cao su ở Thái Lan tăng lên 22,19 triệu Rai (tương đương 3,55 triệu ha), tăng 0,5% so với năm 2023, nhưng sản lượng cao su lại được dự báo giảm 0,6% và đạt khoảng 4,68 triệu tấn. Sản lượng cao su Thái Lan dự báo giảm là do năng suất bình quân dự kiến giảm xuống 211 kg/Rai khi các vùng sản xuất chính bị ảnh hưởng bởi bệnh rụng lá và hiện tượng El Nino đang có xu hướng gia tăng, thời tiết nắng nóng dẫn đến lượng mủ thu hoạch được ít hơn.

Thái Lan là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Do đó, sản lượng giảm ở nước này sẽ ít nhiều tác động tới nguồn cung cao su toàn cầu năm 2024.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, căng thẳng ở Biển Đỏ có khả năng gây ra biến động đối với giá cao su kỳ hạn và giao ngay. Giá cao su tự nhiên thường điều chỉnh theo giá dầu, trong khi giá dầu đang có diễn biến tăng, trong bối cảnh nhiều tàu chở dầu và khí đốt được chuyển hướng tránh đi qua Biển Đỏ, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Sản phẩm cạnh tranh với cao su tổng hợp là cao su tự nhiên cũng có diễn biến giá tích cực.

Kiểm soát chặt chẽ giá thành

VRG sẽ kiểm soát chặt chẽ giá thành và đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

VRG sẽ kiểm soát chặt chẽ giá thành và đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Dù có những tín hiệu tích cực, nhưng khó khăn, thách thức vẫn mang tính chủ đạo đối với xuất khẩu cao su năm 2024.

Trong bối cảnh ấy, để duy trì và ổn định công ăn, việc làm cũng như thu nhập của hơn 83 nghìn lao động, VRG vẫn đặt ra mục tiêu sản lượng mủ cao su đạt trên 445 nghìn tấn, tức là tương đương với sản lượng thực hiện năm 2023. Lượng mủ cao su thu mua (từ cao su tiểu điền) và tổng lượng mủ cao su tiêu thụ cũng sẽ ở mức tương đương năm ngoái.

Với việc vẫn duy trình sản lượng cũng như lượng mủ tiêu thụ, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi giá cao su vẫn thấp và khó dự đoán, một trong những giải pháp hàng đầu mà VRG đặt ra là phải giảm được giá thành.

Theo đó, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất mủ cao su để hạn chế việc tăng giá thành. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình thị trường kịp thời để có giải pháp linh hoạt về tiêu thụ, tồn kho, giá bán… nhằm bảo đảm lợi nhuận và dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.

VRG và các công ty thành viên triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất – tiêu thụ. Đây cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá bán giảm, không đạt như giá bán kế hoạch.

VRG yêu cầu các công ty thành viên tiếp tục thực hiện chính sách tiết giảm đầu tư. Cụ thể, chỉ đầu tư những hạng mục thật sự cấp thiết; tiếp tục dừng, giãn đầu tư những hạng mục chưa thật sự cần thiết, nguồn vốn cân đối được tập trung trả nợ vay ngân hàng để giảm áp lực tài chính trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, VRG tiếp tục thực hiện chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng cao su bền vững; tăng cường thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC; thực hiện chiến lược và các giải pháp về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG

Tập đoàn xác định thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững chính là đầu tư cho cơ hội ở tương lai. Việc thực hiện các hoạt động xanh và bền vững cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu Tập đoàn đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho Tập đoàn. Việc tuân thủ các yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp sản phẩm của Tập đoàn có nhiều cơ hội hơn nữa trong thị trường xuất khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.