| Hotline: 0983.970.780

VRG đẩy mạnh 'hướng xanh' với doanh thu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng năm 2024

Thứ Ba 26/12/2023 , 14:03 (GMT+7)

Dù đối mặt với nhiều khó khăn lớn, nhưng VRG vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm trong năm 2023 và hướng tới việc đảm bảo tăng trưởng năm 2024.

Thu hoạch mủ ở Công ty Cao su Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch mủ ở Công ty Cao su Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm

Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tổ chức ở TP.HCM ngày 26/12, ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG, cho biết, tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trước hết là giá mủ cao su năm nay giảm mạnh. Giá bán bình quân giảm 6,6 triệu đồng/tấn so với giá bán kế hoạch và giảm 5,8 triệu đồng/tấn so với giá bình quân năm 2022. Với lượng mủ cao su mà toàn Tập đoàn tiêu thụ trong năm nay là trên 520 nghìn tấn, thì việc giá giảm mạnh như trên rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu, lợi nhuận.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta trong năm 2023 đã khiến cho gỗ cao su suy giảm cả giá bán lẫn nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, một số công ty cao su thành viên chưa thực hiện được việc trả đất về địa phương để phát triển các dự án mở rộng khu công nghiệp (Khu công nghiệp Minh Hưng III, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú ở Bình Phước, Khu công nghiệp Rạch Bắp ở Bình Dương) do vướng mắc về cơ chế, chính sách… dẫn tới nguồn thu, lợi nhuận giảm.

Trong bối cảnh ấy, với sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm trong điều kiện nhiều khó khăn khách quan. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2023 của VRG đạt được một số kết quả tích cực.

Về chỉ tiêu sản xuất, sản lượng mủ cao su khai thác ước đạt 445.000 tấn, vượt 4,7% kế hoạch năm, tăng 3,5% (tương ứng 15.400 tấn) so với năm 2022; tiêu thụ 520.290 tấn cao su các loại, đạt 102,4% kế hoạch năm, tăng 3,8% (hay 18.968 tấn).

Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng, bằng 101,0% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch; riêng Công ty mẹ - Tập đoàn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước lần lượt là 3.872 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 102,1% và 100,7%; dự kiến nộp ngân sách đạt 100,7 - 102,8% kế hoạch năm 2023.

Một thành tích nổi bật của VRG trong năm 2023 là các đơn vị thành viên Tập đoàn đã duy trì việc làm ổn định cho 83.125 lao động với mức thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng, tương đương năm 2022.

Thậm chí, có những công ty mà thu nhập bình quân của người lao động tăng khá trong năm 2023. Ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie (tỉnh Kratie, Campuchia), cho biết, thu nhập bình quân của người lao động của công ty trong năm nay đạt khoảng 370 - 380 USD/tháng, tăng khá so với mức 340 USD/tháng của năm 2022. Quy ra tiền Việt tăng gần 1,1 triệu đồng/tháng.

Phát triển bền vững đạt kết quả tích cực

Tuy đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty thành viên vẫn đẩy mạnh thực hiện phát triển bền vững. Đến cuối năm 2023, VRG có 32 công ty thành viên đã xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, đạt 279.304ha. Trong đó, 18 công ty được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 118.337ha và có 38 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đạt PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm).

Cũng trong năm 2023, Tập đoàn đã giao 24 công ty tham gia chương trình Chứng nhận doanh nghiệp bền vững do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức. Kết quả, Tập đoàn có 18 công ty đạt Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2023, trong đó 1 công ty đạt Top 10 là Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng.

Chế biến mủ cao su tại một công ty thành viên của VRG. Ảnh: Trần Phi.

Chế biến mủ cao su tại một công ty thành viên của VRG. Ảnh: Trần Phi.

Ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã ban hành văn bản yêu cầu các công ty tăng cường tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ rừng. Kết quả, trong năm nay, đã có 76.312 tấn mủ cao su có chứng chỉ được tiêu thụ, tăng mạnh so với nnăm 2022 (48.100 tấn). 2.444ha cao su thanh lý được cấp chứng chỉ cho khách hàng (năm 2022 là 347ha).

Đảm bảo yêu cầu tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Năm 2024 đươc dự báo là vẫn có rất nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG. Trước hết, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó dự đoán. Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su dự báo tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn, trước mắt vẫn chưa khắc phục được các vấn đề tồn tại được tích tụ trong nhiều năm. Lĩnh vực khu công nghiệp, thủy điện hoạt động thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Giải pháp gia tăng nguồn thu khác để bù đắp cho hoạt động sản xuất kinh doanh (thu từ thoái vốn ngoài ngành, trả đất về địa phương để phát triển kinh tế xã hội) dự báo còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Trước tình hình đó, VRG sẽ lấy việc đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ chính của Tập đoàn trong năm 2024. Đồng thời, tiếp tục phát triển Tập đoàn trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế - Môi trường - Xã hội; thực hiện tốt chương trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kế hoạch của VRG trong năm 2024 được xây dựng đồng bộ từ các đơn vị thành viên trên cơ sở phân tích, đánh giá tồn tại, hạn chế của năm 2023; năng lực tổ chức sản xuất, dự báo môi trường kinh doanh và đầu tư; phân tích và đánh giá các yếu tố rủi ro khi xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhằm đảm bảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn của các đơn vị thành viên và Tập đoàn.

Dẫu vậy, việc xây dựng kế hoạch năm 2024 của VRG vẫn tiềm ẩn rủi ro do chưa thể dự báo chính xác các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng gồm giá bán mủ cao su; rủi ro tỷ giá đồng tiền của Lào và Campuchia; khó khăn về cơ chế, chính sách khi trả đất về địa phương và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su.

Chính vì vậy, VRG tạm giao kế hoạch khối lượng năm 2024 để các đơn vị thành viên Tập đoàn có cơ sở thực hiện và hướng dẫn xây dựng, trình duyệt kế hoạch chi tiết cho tất cả đơn vị ở các lĩnh vực, ngành nghề (cao su, chế biến gỗ, công nghiệp cao su, khu công nghiệp, thủy điện và các lĩnh vực phụ trợ khác).

Cụ thể, về chỉ tiêu sản lượng, khối lượng: Khai thác khoảng 445.200 tấn mủ cao su, thu mua khoảng 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430ha, sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF ) khoảng 1.247.012m3; sản lượng các sản phẩm công nghiệp khác (găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su) bằng 92,0 - 106,0% so với ước thực hiện năm 2023; Khu công nghiệp phấn đấu cho thuê mới 245ha.

Về chỉ tiêu tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn: Doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng (tăng 2,1% so với năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng (tăng 2,2%); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (tăng 0,9%). Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn, doanh thu 3.988 tỷ đồng (tăng 3%), lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng (tăng 3,5%).

Với tỷ trọng lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG là sản phẩm nông nghiệp, mức tăng trưởng của Tập đoàn đảm bảo theo yêu cầu tăng trưởng từ 2,5 - 3% như yêu cầu của Bộ NN-PTNT về việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.