Những nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều ở vùng ven đô thị, lan nhanh về các vùng quê đã hút rất nhiều lao động nông nghiệp đi làm công nhân. Một bên là chân lấm tay bùn, mưa nắng dãi dầu mà thu nhập thấp, bấp bênh; một bên là làm việc trong nhà, sạch sẽ, thu nhập khá và ổn định, nông dân không phải suy nghĩ nhiều khi lựa chọn làm công nhân.
Vì thế, nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, ruộng hoang xuất hiện khắp nơi. Trong khi chính quyền còn đang lúng túng tìm giải pháp thì một số người dân đã tích cực gom ruộng hoang để trồng trọt, khắc phục đất nông nghiệp bỏ hoang.
Tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP Hải Phòng một số diện tích trên cánh đồng thôn Do Nha bị bỏ hoang nhiều năm nay. Nhất là từ khi có đường mới chạy qua, hệ thống kênh mương bị tắc nghẽn, không thể trồng lúa hay rau màu như trước được.
Sau nhiều trăn trở, ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Tiến quyết định vận động lập tổ sản xuất để phục hoang, trồng cây dược liệu. Đó là cà gai, nhân trần, thìa canh…, những loài cây sống khỏe, không cần nhiều nước.
4ha cây dược liệu trên cánh đồng Do Nha đã trở thành vùng chuyên canh cây dược liệu đầu tiên tại Hải Phòng. Mỗi năm họ trồng 3 vụ, sản phẩm thu hoạch được thương lái thu mua tại ruộng với giá cao. Doanh thu mỗi năm ước đạt gần 1 tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần cấy lúa.
Ở phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, khi từ xã lên phường gần chục năm nay, nhiều nông dân bỏ ruộng khiến nhiều diện tích đất lúa bị hoang hóa, cỏ ngập lút đầu người.
Theo Phó Chủ tịch phường Trần Văn Thảo, chính quyền quan tâm đến tình trạng này nhưng chưa có lối ra. Cũng theo ông Thảo, hiện có một “lối ra” do người dân tự tìm, một số hộ mượn lại những ruộng bị bỏ nhiều năm nay, đầu tư cải tạo lại để sản xuất quy mô lớn.
Tiêu biểu là ông Hoàng Văn Nghi ở tổ dân phố Đông Lãm 2. Thấy đất ruộng bị bỏ quá lãng phí, năm 2009, ông bắt tay vào phục hoang 6 sào ruộng. Ông bỏ công nghiên cứu đặc thù đồng đất quê hương, thấy rằng mặc dù đất bị chua mặn nhưng là đất thịt, phù hợp trồng hoa và hoa màu như cà chua, đỗ đũa, dưa chuột, hoa dơn.
Trồng thuốc lào trên diện tích ruộng thuê lại thuộc xã Thanh Lương (Vĩnh Bảo)
Từ tháng 1 đến tháng 10, ông trồng cà chua (trồng sớm hơn vụ thường, thu hoạch vào tháng 6 đến tháng 10), đỗ đũa, dưa chuột; cuối năm trồng hoa. Từ 6 sào ruộng phục hoang ban đầu, đến nay ông Nghi đã mở rộng đến 20 mẫu và kết hợp với 2 hộ khác cùng tham gia sản xuất.
Còn ở xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, có khá đông nông dân đi làm ở các nhà máy, thiếu người làm ruộng. Thấy cánh đồng Thanh Lương rộng mênh mông, màu mỡ, nhiều bà con ở thôn Đông Nha liền kề (thuộc xã Liên Am) sang thuê lại. Giá thuê cũng rất rẻ vì chủ ruộng không muốn để ruộng hoang hóa. Các hộ ở thôn Đông Nha thuê tổng cộng trên 20 mẫu ruộng của xã bên để cấy lúa và trồng thuốc lào.