Hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone những ca khúc tự tình dân tộc như “Quê hương”, “Về quê” tại Bệnh viện dã chiến số 6 nằm trên địa bàn Thủ Đức, thực sự khiến công chúng xúc động. Chính nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng thừa nhận đây là buổi biểu diễn độc đáo nhất trong đời mình, khi trước khán giả là đội ngũ cán bộ y tế và 10 nghìn bệnh nhân mắc Covid-19.
Tiết mục của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chỉ là một phần trong chương trình nghệ thuật lưu động phục vụ các bệnh viện dã chiến do nhóm nghệ sĩ thiện nguyện tại TP.HCM tổ chức. Đến cuối tháng 7/2021, nhóm nghệ sĩ thiện nguyện đã lên đến 80 thành viên, trong đó có những gương mặt mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ phù hợp với chốn phấn son như Hoa hậu Mai Phương Thúy hoặc Hoa hậu H’Hen Niê.
Mỗi ngày, nhóm nghệ sĩ thiện nguyện chia thành 6 đến 8 đội, có ngày cao điểm chia thành 9 đội để tham gia các hoạt động gồm hỗ trợ người dân mua hàng ở siêu thị; hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu; hỗ trợ bếp ăn nấu để gửi tặng người dân trong các khu phong tỏa.
Gần đây, nhóm nghệ sĩ thiện nguyện còn có thêm hoạt động cắt tóc cho các bác sĩ, lực lượng y tế đang làm việc ở những khu điều trị Covid-19, mà ca sĩ Phương Thanh được mệnh danh là “cây kéo vàng” bộc bạch: “Thời gian đầu, tôi bị say cồn vì xịt khuẩn quá nhiều, người nóng hầm hập trong bộ đồ bảo hộ, tôi càng hiểu nỗi vất vả của lực lượng y bác sĩ. Khi đến các bệnh viện, nhìn ánh mắt của họ, tôi biết mọi người đã thức nhiều đêm liền lo cho bệnh nhân. Chúng tôi không nghĩ rằng thời gian tình nguyện lại kéo dài như vậy, chỉ nghĩ hỗ trợ chừng năm đến bảy ngày để giảm tải phần nào áp lực cho tuyến đầu. Bây giờ, dịch còn căng thẳng, chúng tôi còn tiếp tục làm. Khó khăn của tôi so với mọi người còn nhỏ bé lắm”.
Là người khởi xướng và trực tiếp điều phối nhóm nghệ sĩ thiện nguyện chống Covid-19, MC Quỳnh Hoa suy tư: “Tôi nghĩ công việc làm tình nguyện viên là lựa chọn. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nghệ sĩ không có việc làm, tâm trạng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân ngoại cảnh, thì thay vì tiêu tốn thời gian một cách lãng phí, các bạn chọn công việc giúp ích cho mọi người. Nhận thấy mình có giá trị cũng là một cách để giúp tinh thần lạc quan vượt qua dịch bệnh. Nghệ sĩ cũng như bao người bình thường khác, biết rung động, xót xa, biết trách nhiệm công dân của mình ở đâu khi cộng đồng cần hỗ trợ”.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng gần như không vắng mặt trong các chương trình biểu diễn phục vụ tại bệnh viện dã chiến. Anh thổ lộ: “Sân khấu của tôi rộng thênh thang, nhìn không rõ mặt người đối diện. Vừa hát, vừa phải mang khẩu trang, kính bảo hộ, nên đôi lúc hơi nóng phả lên không thấy gì cả. Lúc đó tôi mới hiểu các y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ phải chịu sức nóng khủng khiếp như thế nào. Cho đến khi về nhà, đặt lưng lên chiếc giường quen thuộc, nhưng cứ nghĩ ngoài kia, lực lượng tuyến đầu vẫn đang căng mình làm việc, tôi càng cảm phục, và trân trọng vô cùng những hy sinh của họ”.