| Hotline: 0983.970.780

Di dời người dân bị sạt lở: Khó khăn bủa vây

Thứ Sáu 01/11/2024 , 10:01 (GMT+7)

Bắc Kạn Chỉ sau một đêm, sạt lở khiến nhiều gia đình mất nhà cửa phải di dời đến nơi an toàn. Cơn bão số 3 đã đi qua nhưng hậu quả để lại còn dai dẳng.

Bỏ nhà đi lánh nạn

Những ngày đầu tháng 9/2024, thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) mưa như trút nước. Cơn mưa này chưa dứt, trận mưa khác lại ập đến. Vài ngày liên tục hứng chịu những cơn gió to mưa lớn, cây cối xác xơ, dân bản dự cảm điều chẳng lành. Nước chảy từ núi xuống như dòng suối, những ngôi nhà cũng bắt đầu rung lắc. 

Tuyến đường đi qua thôn Khuổi Luông nứt toác sau những cơn mưa lớn hồi tháng 9/2024. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tuyến đường đi qua thôn Khuổi Luông nứt toác sau những cơn mưa lớn hồi tháng 9/2024. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trời tối om, ông Pao cảm nhận mặt đất như đang sụt xuống, xung quanh chỉ nghe tiếng nước mưa và gió rít. Sáng hôm sau, tuyến đường nhựa đi qua bản đã nứt toác, con đường bị chia làm đôi, xung quanh vết nứt là chi chít những hố sụt lún, dân bản không ai dám đi lại.

Trời tờ mờ sáng, tiếng gọi nhau í ới vang khắp bản làng, ai cũng nhanh tay mang theo đồ đạc cần thiết, khẩn trương di dời. Người thì vác theo bao thóc, người mang theo quần áo, chăn màn, trẻ con cầm nồi niêu xoong chảo. Khuổi Luông lúc này như trong một cuộc di tản, dòng người vội vã tìm chốn nương thân.

Phía trong bản, ông Bàn Dùn Chòi thất thần nhìn ngôi nhà tiền tỷ vừa xây xong bỗng chốc như mới trải qua trận động đất. Bậc thềm lên xuống hôm qua còn vững chãi nay đã chi chít những vết nứt lớn nhỏ, một phần sân đã lún xuống, nứt toác. Cơ ngơi tích cóp cả đời bỗng chốc lung lay. Ngay gần đó, một số ngôi nhà khác đã bắt đầu sạt lở, nghiêng ngả chực chờ đổ bất cứ lúc nào.

Hai người con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về làm được cái nhà, giờ hư hỏng như thế này thì khó mà khắc phục được. Ngôi nhà đã lún xuống thấp hơn sân vài cm, bao tâm huyết giờ mất trắng, ông Chòi ngán ngẩm nói về tương lai.

Trong cơn mưa lớn, chính quyền địa phương, lực lượng quân sự cơ sở dầm mưa đi khảo sát, xác định có 3 hộ đã bị sạt lở vào nhà, 24 hộ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, vùi lấp diện rộng đe dọa tính mạng, tài sản. Chính quyền cơ sở ngay lập tức hỗ trợ người dân di dời đến ở tạm tại khu nhà điều hành của Trạm nghiên cứu Đồn Đèn, Trạm y tế khu tái định cư ở gần đó.

Đã gần 1 tháng trôi qua, người dân Khuổi Luông vẫn chưa hết bàng hoàng, bản làng giờ về cũng lo, không biết sạt lở lúc nào, bà con vẫn đang ở tạm chờ có nơi ở mới. 

Trưởng thôn Khuổi Luông Bàn Văn Dất vẫn còn nhớ, trong những ngày khó khăn mới thấy tình đoàn kết của bà con, anh em hàng xóm nương tựa nhau, giúp nhau từng đấu gạo, gói mì. Chính quyền địa phương, nhà hảo tâm giúp đỡ, nên dù đang đi ở tạm nhưng bà con cũng đã dần vượt qua khó khăn ban đầu.

Thiên tai ập đến không ai mong muốn, nhưng dân bản sẽ cố gắng vượt qua, mong mỏi chính quyền hỗ trợ để người dân có chỗ ở an toàn trong thời gian sớm nhất, nhanh chóng ổn định cuộc sống, anh Dất mong mỏi.

Ngôi nhà tiền tỷ mới xây xong của ông Bàn Dùn Chòi hư hỏng do mưa bão. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngôi nhà tiền tỷ mới xây xong của ông Bàn Dùn Chòi hư hỏng do mưa bão. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chủ tịch UBND xã Khang Ninh Hứa Quang Sỹ thông tin, xã cũng đã đề xuất huyện, tỉnh xây dựng phương án tái định cư cho người dân ở Khuổi Luông với 4 phương án. Những khu đất có thể làm vùng tái định cư, hiện đang chờ cấp trên xem xét. Trước mắt một số hộ ở tạm nhà người thân, còn lại vẫn ở trong Trạm nghiên cứu Đồn Đèn, chính quyền sẽ cố gắng chăm lo đời sống cho người dân trong lúc chờ đợi.

Trong đợt mưa lũ lớn do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, huyện Ba Bể hứng chịu thiệt hại nặng nề. Trên địa bàn huyện có hàng chục điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao khiến hàng trăm hộ phải di dời khẩn cấp.

Ông Dương Ngọc Thuyết, Bí thư Huyện ủy Ba Bể cho biết, mưa lớn trong tháng 9/2024 làm sạt lở ở nhiều nơi, đe dọa tới 158 hộ tại các xã Nam Mẫu, Thượng Giáo, Khang Ninh và Đồng Phúc. Sau khi phát hiện nguy cơ sạt lở cao, địa phương đã di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi phạm vi nguy hiểm, chủ yếu ở nhờ nhà người thân, hoặc ở nhà văn hóa thôn. Lâu dài huyện sẽ kiểm tra báo cáo tỉnh xây dựng phương án tái định cư phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thiếu nguồn lực để tái định cư

Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 384 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó có 200 điểm nguy cơ sạt lở rất cao. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ trong cơn bão số 3, tỉnh Bắc Kạn phải di dời khẩn cấp hơn 500 hộ (di dời tạm 300 hộ, hơn 210 hộ di dời hẳn).

Khu nhà bạt tạm của người dân thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Khu nhà bạt tạm của người dân thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Tại huyện Chợ Đồn, mưa lũ thời gian qua gây thiệt hại, nhiều khu dân cư ở các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Yên Thịnh bị sạt lở, nhà cửa nứt nẻ, những ngọn núi phía sau nhà các hộ dân đã có nhiều vết nứt dài. Để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản, chính quyền đã di dời tạm thời người dân đến nơi ở mới. Tại thôn Tà Han (xã Xuân Lạc), người dân phải di dời hẳn ra khỏi bản, làm nhà tạm để ở. Tại thôn Nà Pha (xã Đồng Lạc) có 29 hộ nhà cửa bị sụt lún, sạt lở taluy dương phía sau, đã di dời ra ở đình chợ của xã gần 1 tháng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn) cho biết, 29 hộ ở thôn Nà Pha phải di dời hẳn, không trở về nơi ở cũ, hiện rất khó khăn. Ngoài ra còn 5 hộ ở thôn Nà Áng cũng không thể về nơi ở cũ do nhà đã bị sạt lở. Người dân đang chờ huyện, tỉnh bố trí chỗ ở mới, hiện đang đánh giá mức độ sạt lở, đánh giá địa chất khu vực bị sạt lở ở thôn Nà Pha.

Theo tính toán của UBND huyện Chợ Đồn, để di dời các hộ trong diện cấp bách về sạt lở cần hơn 80 tỷ đồng, đây là số tiền lớn vượt quá khả năng cân đối của huyện, cần huy động nhiều nguồn lực để thực hiện.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Bắc Kạn, sạt lở đất làm 7 người tử vong, nhiều người bị thương. Là tỉnh miền núi còn rất khó khăn, nên Bắc Kạn chưa đủ kinh phí di dời các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao.

Địa phương này từng bước khắc phục bằng cách lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để di dời người dân. Hiện nay tỉnh chủ yếu thực hiện bằng hình thức bố trí nơi ở xen ghép cùng các khu dân cư. Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Bắc Kạn đã lồng ghép di dời được 28 nhà và chuẩn bị di dời 20 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn tại xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm), bố trí chỗ ở xen ghép cho 37 hộ tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn.

Bắc Kạn thiếu kinh phí di dời người dân trong vùng sạt lở. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bắc Kạn thiếu kinh phí di dời người dân trong vùng sạt lở. Ảnh: Ngọc Tú. 

Về lâu dài, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực từ ngân sách, chương trình dự án và nguồn xã hội hóa để từng bước sắp xếp lại dân cư vùng sạt lở. Tuyên truyền người dân san ủi để tạo mặt bằng làm nhà phải đảm bảo an toàn. Đồng thời, các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ công tác xây dựng tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không cho phép xây nhà ở những vị trí có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, để di dời toàn bộ những hộ thuộc diện nguy cơ sạt lở cao này cần nguồn lực rất lớn, trong khi Bắc Kạn là địa phương còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hiện tại, tỉnh khó di dời đồng loạt mà đang ưu tiên bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ thuộc diện cấp bách, những hộ không thể trở về nơi ở cũ do nhà đã bị sạt lở.

Xem thêm
Bà Châu Thị Mỹ Phương giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang

56/57 đại biểu đồng ý bầu bà Châu Thị Mỹ Phương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang thông qua bỏ phiếu kín.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất