| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa sạt lở dưới những chân đồi

Thứ Năm 27/06/2024 , 09:29 (GMT+7)

Bắc Kạn Khi mùa mưa đến, sạt lở đất đá cướp đi tính mạng, gây thiệt hại về nhà cửa khiến nhiều đứa trẻ mồ côi, nhiều gia đình mất chốn dung thân.

Mỗi khi mùa mưa bão đến người dân thôn Phiêng Pục, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) lại nơm nớp lo lắng. Ngôi làng nhỏ có vài chục hộ thì nhiều hộ có nhà dưới mái taluy dương. Rạng sáng ngày 22/5, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì có tiếng kêu hô thất thanh. Cả làng nháo nhác, đất đá sạt lở vùi lấp một phần ngôi nhà của gia đình ông Long Sơn Hà.

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố sạt lở khiến 3 người tử vong ngày 22/5 tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quang Linh. 

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố sạt lở khiến 3 người tử vong ngày 22/5 tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quang Linh. 

Trong đêm, dân bản và lực lượng chức năng, chính quyền làm việc không chút nghỉ ngơi để cứu người. Nhưng may mắn đã ngoảnh mặt, nhà có 8 người thì 3 người không qua khỏi gồm con gái, con rể và cháu nhỏ của ông Hà. Mới đầu mùa mưa bão, tang thương đã bủa vây Phiêng Pục.

Ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn) cho biết, ngôi nhà bị vùi lấp được xây ở vị trí taluy không quá cao. Khi xây nhà, chủ hộ cũng đã làm cách xa taluy hơn 2m nhưng khi đất đá sạt trượt với khối lượng lớn ngôi nhà bị lấp một phần. Hôm vụ việc xảy ra không có mưa, nhưng vài ngày trước liên tục mưa rả rích. Hàng năm xã đều tuyên truyền người dân cần cẩn trọng khi mưa lớn nhưng vụ việc xảy ra trong đêm không thể lường trước.

Đến bây giờ người dân Bản Pèo, xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn) vẫn chưa hết bàng hoàng, cuối tháng 6/2023, sạt lở đất đã vùi lấp một ngôi nhà cấp bốn trong bản, khiến 1 người tử vong. Năm nay, bước vào mùa mưa chính quyền địa phương đã rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, cảnh báo người dân cần di dời khi có mưa lớn kéo dài. Nhưng người có thể di dời, nhà thì không thể, nên nhiều hộ vẫn phải sống dưới mái taluy ven chân đồi dù biết nguy hiểm.

Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn) cho biết, chính quyền đã đến từng hộ để nhắc nhở người dân có nhà dưới mái taluy cao, khi mưa lớn nhiều ngày cần di chuyển đến chỗ an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi, xã có hàng trăm hộ nhà cửa dưới chân đồi, taluy cao. Những chỗ nguy cơ cao có thể cảnh báo, nhưng nhiều chỗ nhìn mắt thường không mấy nguy hiểm, khi xảy ra sạt lở hậu quả rất lớn.

Tại tỉnh Bắc Kạn có hàng nghìn ngôi nhà dưới mái taluy cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Quang Linh. 

Tại tỉnh Bắc Kạn có hàng nghìn ngôi nhà dưới mái taluy cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Quang Linh. 

Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có hơn 500 điểm với gần 2.500 hộ dân sống ở khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai. Trong đó có 384 điểm nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng tới gần 2.000 hộ. Chỉ tính riêng tại huyện Chợ Đồn, sau rà soát có 91 điểm với 312 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 70 điểm nguy cơ sạt lở đất, đá. Một số điểm ở xã Đồng Thắng và thị trấn Bằng Lũng có nguy cơ sạt lở cao, tuy nhiên kinh phí di dời vượt quá khả năng của địa phương.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn dành nhiều nguồn lực để thành lập các khu tái định cư di dời những hộ nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, nhu cầu vốn rất lớn, với tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn, hiện mới đủ kinh phí di dời những hộ thuộc diện cấp bách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất cho biết, năm nào tỉnh Bắc Kạn cũng hứng chịu nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản do sạt lở đất đá. Ngay đầu mùa mưa, chính quyền các cấp đã rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ cao nhưng cũng không thể lường trước hết mọi tình huống. Do nguồn lực hạn chế, tỉnh chỉ di dời người dân ở quy mô nhỏ thuộc diện nguy cơ rất cao, còn hàng nghìn hộ khác chủ yếu vẫn là tuyên truyền, khuyến cáo người dân đề phòng.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản, chỉ thị mới của Trung ương về công tác phòng chống thiên tai. Chú trọng tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai các cấp, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết chủ động phòng tránh. Các ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra theo phương châm bốn tại chỗ, tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để chủ động khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Xem thêm
Quốc hội chốt tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7

Nghị quyết của Quốc hội thông qua sáng 29/6 đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.

Công trình thủy lợi giúp giảm chiều sâu xâm nhập mặn

ĐBSCL Nhờ vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đã làm giảm chiều sâu xâm nhập mặn, giữ ổn định ranh mặn, bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tác giả của 'quả bom bán bản quyền giống' nói về truyền thông chân chính

Lúc tôi sang trường, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tất tả từ đồng về, mặt lo âu: 'Cô đang cho gặt dòng mẹ đóng bao chờ chở về nhưng gặp mưa sẽ phải hong đây'.