Một trong những môn thi đấu được kỳ vọng cao nhất của Việt Nam chính là điền kinh. Đây là môn mà đoàn Việt Nam góp đông đảo VĐV nhất, với 67 người, cũng là nội dung mà chúng ta đặt kỳ vọng cao nhất với mục tiêu đoạt 16 HCV.
Đây không hẳn là mục tiêu quá sức với các chân chạy Việt Nam. Trên đất Philippines cách đây 3 năm, các VĐV Việt Nam đã xuất sắc lập thành tích 16 HCV. Trong bối cảnh, nhiều gương mặt triển vọng của chúng ta như Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan… đều thể hiện phong độ ổn định, cái đích mà đoàn chủ nhà nhắm tới có thể lên tới 20 HCV nếu chơi đúng sức.
Ở các kỳ đại hội khu vực gần đây, đoàn thể thao Việt Nam thường giữ một vị trí trong tốp 3. So với lần tổ chức SEA Games đầu tiên vào năm 2003, mục tiêu 140 HCV lần này thậm chí kém hơn thành tích 158 HCV cách đây 19 năm. Đó là cũng giải đấu mà số lượng HCV của chúng ta tăng đột biến. Do đó, mục tiêu trên của ngành thể thao là hoàn toàn khả thi khi xét đến lợi thế sân nhà và lực lượng đông đảo VĐV tham dự.
Bên cạnh điền kinh, một "mỏ vàng" khác của Việt Nam sẽ là võ thuật. Thực tế ở khu vực Đông Nam Á, các môn võ luôn là thế mạnh của Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử SEA Games. Bất kể là môn thi đấu nào, dù là Taekwondo, Judo hay Pencak Silat, Wushu… Việt Nam cũng cạnh tranh quyết liệt cho vị trí số một về số HCV.
Theo thống kê, tỷ lệ số môn võ thuật trên tổng số các bộ môn thi đấu tại SEA Games 31 là cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, SEA Games 2013 chứng kiến 10 môn võ trong tổng số 34 bộ môn. Ở SEA Games 2019, môn võ cũng chiếm 13 môn nhưng trên tổng số 54 môn được chủ nhà Philippines lựa chọn. Lần này, Việt Nam chọn 12 môn võ nhưng chỉ có 40 môn thi đấu.
Trong số các môn võ, Vật, Vovinam, Pencak Silat được dự báo giành nhiều HCV. Giới chuyên môn nhận định, các môn võ có thể giúp Việt Nam giành khoảng 60 HCV.
Một môn thi mà Việt Nam cũng đặt kỳ vọng lớn là bắn súng. Còn nhớ năm 2003, chúng ta giành tới 22 HCV ở môn này. Tại SEA Games 31, Việt Nam sẽ tổ chức đầy đủ 20 nội dung ở bộ môn bắn súng, và chúng ta có thể đặt kỳ vọng vào khoảng hai phần ba số đó có thể trở thành "vàng".
Đáng tiếc duy nhất nằm ở môn bơi lội. Dù có số lượng VĐV đông, lên tới 31 VĐV, nhưng do sự vắng mặt của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - VĐV thường chiếm hơn hai phần ba tổng số HCV - bơi lội Việt Nam năm nay được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, trong việc tái lập thành tích như 3 kỳ SEA Games vừa qua.
Cuối cùng, là bóng đá. Trên đất Philippines, chúng ta đã thống trị cả 2 tấm HCV môn bóng đá nam và nữ. Tại kỳ đại hội tới, Việt Nam tổ chức thêm cả các nội dung futsal. Hy vọng, các cầu thủ sẽ tiếp nối thành công như năm 2021, để giành toàn bộ 4 tấm HCV ở môn thể thao vua.