| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/09/2024 , 13:52 (GMT+7)
Võ Dũng

Võ Dũng

Nhà báo 13:52 - 26/09/2024

Dịch bệnh không chờ… đấu thầu

Tại Quảng Trị, dịch lở mồm long móng trâu bò và quy trình mua sắm vacxin và hóa chất phòng chống dịch, giống như 2 đường thẳng song song.

Dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện tại Quảng Trị từ cuối tháng 6/2024 nhưng đến đầu tháng 9, địa phương này mở gói thầu đầu tiên mua sắm vacxin và hóa chất để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, vào năm 2023, khi tỷ lệ tiêm phòng một số đối tượng vật nuôi đạt thấp, tiến độ tiêm chậm, ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thiếu hụt nhân viên thú y cơ sở; ý thức một bộ phận người chăn nuôi còn thấp; một số địa phương thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp tiêm phòng vacxin, chưa nghiêm túc thực hiện các chế tài theo quy định của Luật Thú y… Dù  tỷ lệ không tiêm phòng theo diện bắt buộc cao nhưng các địa phương chưa từng dùng chế tài để xử lý bất kỳ một trường hợp nào.

Còn trách nhiệm của ngành Thú y, theo ông Hậu, là tham mưu công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các nhiệm nhiệm vụ chuyên môn. Ngành Thú y không có “công cụ” để xử lý các trường hợp không tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định của Luật Thú y.

Đáng lưu ý nhất, một nguyên nhân ông Hậu chỉ ra, đó là quy định của Luật Đấu thầu hiện nay phải qua rất nhiều bước. Thực tế thực hiện tại các địa phương cũng phải qua nhiều thủ tục rối rắm nên việc mua sắm vacxin, hóa chất thường muộn hơn rất nhiều so với lộ trình đặt ra.

Vì thế, việc tiêm phòng các loại vacxin diễn ra chậm, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Đàn vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch nhưng… Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị vẫn chưa thể tổ chức đấu thầu mua vacxin và hóa chất.

Năm 2024, dịch LMLM phát sinh tại Quảng Trị từ cuối tháng 6. Đến đầu tháng 9, dịch LMLM đã xuất hiện tại 4 huyện, 9 xã, 24 thôn, 181 hộ chăn nuôi khiến gần 560 con trâu bò mắc bệnh, tiêu hủy 26 con  gia súc. Thiệt hại do dịch LMLM gây ra tại Quảng Trị rất khó đo đếm.

Đến nay, các huyện có dịch trích ngân sách mua 700 liều vacxin LMLM. Đơn vị cung ứng bò thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn làm phát sinh, lây lan dịch bệnh mua gần 800 liều vacxin để tiêm cho đàn trâu bò. Mãi đến ngày 6/9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị mới mở gói thầu đầu tiên mua vacxin và hóa chất phòng chống dịch bệnh.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị lý giải, do phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các thông tư hướng dẫn của bộ chuyên ngành, chờ Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết nên kế hoạch mua sắm vacxin, hóa chất phòng chống dịch năm 2024 phải đến ngày 22/8 UBND tỉnh mới phê duyệt.

Nên nhớ, tỷ lệ tiêm phòng vacxin LMLM trên đàn trâu bò tại Quảng Trị trong vụ xuân 2024 rất đáng báo động và chỉ đạt chưa đến 13,7%. Thời điểm dịch LMLM xuất hiện tại Quảng Trị, đàn trâu bò đã hết thời gian miễn dịch 1-2 tháng.

Như vậy, cùng với 27 nghìn liều vacxin LMLM Bộ NN-PTNT hỗ trợ thì tổng số liều vacxin tiêm cho đàn trâu bò tại Quảng Trị cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30%. Tỷ lệ ấy chưa thấm tháp gì so với tổng đàn trên 84 nghìn con trâu bò của địa phương này, nhất là trong thời điểm dịch có nguy cơ tiếp tục lây lan ra diện rộng.

Dịch lở mồm long móng có nguy cơ bùng phát ra diện rộng, Bộ NN-PTNT cũng đã có công văn đề nghị tỉnh Quảng Trị quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. UBND tỉnh Quảng Trị cũng có công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT lập đoàn đoàn kiểm tra, báo cáo về vấn đề trâu bò dự án “Gây họa cho người nghèo” theo phản ánh trước đó của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Nội dung kiểm tra gửi về UBND tỉnh Quảng Trị trước 30/8. Tuy nhiên, đến nay, phía Sở NN-PTNT Quảng Trị vẫn chưa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, Quảng Trị đã 2 lần có công văn xin Chính phủ và Bộ NN-PTNT xuất cấp, hỗ trợ vacxin và hóa chất để phòng chống dịch. Trước đó, vào tháng 7/2023, khi dịch bệnh trên tôm tăng chóng mặt và diễn biến phức tạp khiến trên 300ha tôm chết, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn đề nghị và được Bộ NN-PTNT xuất cấp 76 tấn hóa chất để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Dịch bệnh đã bùng phát và lây lan ra diện rộng, nếu vẫn cứ ngồi chờ hỗ trợ và đấu thầu liệu đã hợp lý chưa?

Còn “quy trình” lây lan của dịch bệnh hẳn là không giống như quy trình đấu thầu và cơ chế hỗ trợ được.