| Hotline: 0983.970.780

Điện ảnh Việt nghịch lý doanh thu và khen chê

Chủ Nhật 30/06/2024 , 09:30 (GMT+7)

Điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ như 'Bố già', 'Lật mặt 7: Một điều ước' hay 'Mai', 'Nhà bà Nữ'.

Nhân vật người mẹ trong bộ phim 'Lật mặt 7: Một điều ước'.

Nhân vật người mẹ trong bộ phim "Lật mặt 7: Một điều ước".

Thế nhưng, ít ai nghe được những đánh giá khách quan và đầy đủ trên truyền thông về chất lượng mỗi tác phẩm.

Sau khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào hệ thống rạp chiếu hiện đại, thì đời sống điện ảnh có những chuyển biến mạnh mẽ. Thế nhưng, một nghịch lý khác đã xảy ra, khán giả bỗng dưng lạc vào mê hồn trận của các thông tin quảng bá phim, mà không thể nào phân định phim hài và phim nhảm, phim nghệ thuật và phim thị trường. Điều ấy có nghĩa là phê bình điện ảnh trên báo chí thực sự đang khủng hoảng.

Tiến sĩ Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM nhiều lần khẳng định trên các phương tiện truyền thông: “Phê bình điện ảnh có tác dụng gắn kết lý luận điện ảnh với lịch sử điện ảnh, và tạo mối quan hệ tương hỗ với sáng tác- chế tác điện ảnh, cũng như với công chúng xem phim”. Tầm quan trọng là như vậy, mà thực tế thì các trang báo càng ngày càng vắng càng bài phê bình điện ảnh, khiến những tiếng nói tâm huyết nhất dành cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà cũng rơi vào im lặng.

 Hiện nay, điện ảnh tư nhân đang chiếm ưu thế. Mỗi công ty giải trí khi đầu tư làm phim đều có một bộ phận truyền thông khá nhạy bén. Từ khi lên kế hoạch sản xuất đến khi phát hành, đều liên tục cập nhật thông tin bộ phim trên fanpage, website và gửi thông cáo báo chí cho các phóng viên. Như vậy, hình thức phê bình điện ảnh trên báo chí còn tồn tại không?

Nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ cho rằng: “Trên lý thuyết, thì vẫn còn, nhưng mờ nhạt. Tôi xin báo động một thực tế nữa là không ít phóng viên điện ảnh của các báo kiêm luôn vai trò nhân viên PR của công ty sản xuất phim, nên thông tin mà họ đưa ra chỉ nhằm có lợi cho việc bán vé khi bộ phim ra rạp. Trong bối cảnh ấy, tìm đâu ra bài phê bình phim sắc sảo! Sự thật là nhà phê bình phim chuyên nghiệp không thể sống được bằng nghề. Tôi cầm tấm bằng cử nhân phê bình điện ảnh cũng phải đi làm báo mới có thể tồn tại theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”.

Nghệ thuật điện ảnh, nếu biết sơ sơ thì không thể phê bình được. Cho nên, một phóng viên không được đào tạo chuyên môn sẽ thấy được hạn chế của mình, và chỉ có thể viết về phim một cách chung chung! Bản thân người viết phải rất yêu điện ảnh. Viết về điện ảnh, nếu hạn chế về kỹ thuật có thể trao đổi thêm với đạo diễn để bổ sung cho bài viết, nhưng nếu hạn chế về văn hoá thì gay go! Phê bình điện ảnh phải là một tác phẩm độc lập so với bộ phim, khi tương tác với khán giả. Muốn làm nhà phê bình điện ảnh, đôi khi phải chấp nhận “thuốc đắng dã thật, sự thật mất lòng”. Tôi cứ nhớ mãi câu nói một giáo sư đã nhắc trên giảng đường: “Khi nhà phê bình ngồi cà phê với nhà sáng tác thì nền phê bình bị tê tiệt”. Người phê bình và người sáng tác phải phản biện lẫn nhau thì điện ảnh mới có cơ hội phát triển!”.

Phê bình điện ảnh vì sao mất chỗ đứng trên báo chí? Một phần do báo chí đang khó khăn, phải ưu tiên cho các mục kinh tế và doanh nghiệp. Một phần nữa do chính những nhà làm phim không hứng thú với phê bình điện ảnh, như nhà biên kịch Tô Hoàng chia sẻ: “Thập niên 90 của thế kỷ trước, khi phim tư nhân bắt đầu bung ra thì những nhà sản xuất rất xem trọng giới phê bình. Thậm chí, họ chấp nhận cả những bài viết phơi bày khuyết điểm của họ. Còn bây giờ, xã hội văn minh hơn, mà trớ trêu là những nhà sản xuất chỉ thích khen ngợi”.

Diễn viên Phương Anh Đào đảm nhận vai nữ chính trong bộ phim 'Mai'.

Diễn viên Phương Anh Đào đảm nhận vai nữ chính trong bộ phim "Mai".

Như quy luật cung - cầu, trên báo chí chỉ có giới thiệu phim chứ không có phê bình phim. Báo chí không mặn mà với phê bình phim, mà những người viết cũng ngại đụng chạm. Người làm phim và người viết về phim đang cùng hợp tác cho mục tiêu “hòa khí sinh tài”. Khổ, chút tài chính ít ỏi cũng có thể.. hại tài năng phê bình điện ảnh! Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long thổ lộ: “Sở dĩ tôi có thể thành nhà phê bình phim nhờ đứng ngoài tầm ảnh hưởng đó. Tôi không chịu bất kỳ sự tác động nào khi viết về một bộ phim. Lẽ thường, không ai chịu được đứa con mình sinh ra lại bị người khác chê xấu, chê mập hoặc chê… lùn. Thế nhưng, là nhà phê bình thì tôi phải viết đúng cảm nhận của tôi. Đôi khi cũng có bài phê bình mà tôi bị mất… bạn. Tuy nhiên, nếu là những người làm nghề thì không có gì phải giận hờn lâu. Có đạo diễn hoặc nhà sản xuất ghét tôi ra mặt, sau đó vẫn vui vẻ bảo “mai mốt tui làm phim, bà tiếp tục “phang” nữa chứ!”.

Bao giờ sau một bài phê bình gay gắt thì tên mình sẽ bị gạch ra khỏi danh sách khách mời buổi ra mắt phim tiếp theo của công ty ấy hoặc của nhà sản xuất ấy. Có đáng buồn lắm không? Không sao, tự mình mua vé vào rạp để viết về bộ phim đúng theo mong đợi của công chúng. Kinh nghiệm bản thân tôi chứng minh rằng, những bài phê bình phim ưng ý nhất đều từ tư cách khán giả bình thường ngồi xem phim bằng tiền túi của mình! Đội ngũ phê bình phim đang khủng hoảng, cũng vì không còn trường nghệ thuật nào mở lớp đào tạo lý luận- phê bình phim nữa. Mặt khác, nhiều tờ báo giao mảng điện ảnh nói riêng và mảng văn hoá nói chung, cho những phóng viên non nớt nghiệp vụ nhất toà soạn. Cho nên, cách làm việc duy nhất tồn tại ở trang điện ảnh trên các tờ báo là phóng viên cứ dựa theo cái thông cáo báo chí của những nhà làm phim mà chép lại kèm vài câu cảm thán xen lẫn câu tâng bốc!”

  Cái tâm lý khen ngọt khen lạt, còn hơn chê tròn chê méo rất phổ biến trong đời sống văn hóa. Với phê bình phim, một lời nói thẳng nói thật có khó khăn lắm chăng? Rõ ràng, phê bình phim không chỉ cần trình độ, mà còn cần dũng khí. Trong bối cảnh báo điện tử rầm rộ, lẽ ra phê bình phim phải tạo ra làn sóng tranh luận nghệ thuật mạnh mẽ, thì chỉ thấy những bài PR vô thưởng vô phạt.

  Ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Nguyễn Lâm thẳng thắn: “Trong xã hội hôm nay, ai cũng được mệnh danh là “người tiêu dùng thông minh”. Tuy nhiên, những người ngồi trước màn ảnh vẫn chưa thể chọn lựa những tác phẩm điện ảnh đích thực cho mình. Thực trạng này chỉ được giải quyết khi có những nhà phê bình phim chuyên nghiệp và tử tế. Tôi cũng như nhiều nhà làm phim khác, luôn mong có những bài phê bình phim đích đáng, và sẵn sàng chấp nhận bị sốc khi báo chí chỉ ra đúng nhược điểm ở tác phẩm của mình. Đáng tiếc, những bài phê bình phim trên báo chí chủ yếu là… kể lại nội dung bộ phim. Thậm chí, nhiều bài viết chứng tỏ người viết xem phim một cách qua loa nên viết sai cả những tình tiết quan trọng. Mỗi khi chuẩn bị ra mắt phim nào, thì hầu hết phóng viên không quan tâm đến kỹ thuật dàn dựng cũng như khả năng diễn xuất mà chỉ hỏi… có chuyện hậu trường gì hấp dẫn để đưa lên báo mà giật tít cho xôm tụ.

Đành rằng, những thông tin như vậy cũng cuốn hút, nhưng đọc xong chỉ thấy bực bội. Là một đạo diễn tự bỏ vốn làm phim, tôi thường chưng hửng khi thấy bộ phim của mình được truyền thông khai thác ở khía cạnh scandal. Làm phim thời buổi thị trường thì phải tính cả chi phí quảng bá. Phim đầu tư ít thì cũng mất vài trăm triệu đồng để phục vụ cho nhu cầu PR. Tôi nghĩ, đó là chi phí hợp lý, nhưng cũng là chi phí bất hợp lý khi không có một bài phê bình phim nào ra tấm ra món.

Chính vì sự quay lưng của những nhà phê bình phim, mà người làm phim đành nhờ những Facebooker nổi tiếng viết những bài cảm nhận vu vơ hòng đánh động công chúng. Bạn bè cùng lứa với tôi ở Trường Sân khấu Điện ảnh có nhiều nhà phê bình phim, nhưng họ đã bỏ nghề cả rồi. Thù lao cho mỗi bài phê bình quá ít ỏi chăng? Theo tôi, tiền bạc chưa phải yếu tố cốt lõi. Quan trọng là những nhà phê bình phim không còn mặn mà với thể loại thêm thù bớt bạn này. Ở góc độ cá nhân, tôi luôn biết ơn những bài phê bình phim thẳng thắn và sòng phẳng”.

Mỗi năm hàng chục phim điện ảnh và hàng trăm phim truyền hình trình chiếu, nếu không có phê bình phim trên báo chí, thì công chúng lạc làm sao trang bị nền tảng thẩm mỹ tiếp nhận? Gần như là gương mặt hiếm hoi hiện nay, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm bộc bạch: “Không chỉ ở lĩnh vực điện ảnh mà ở Việt Nam, tôi thấy lĩnh vực nào cũng thiếu những nhà nghiên cứu, phê bình có tâm và có tầm. Cá nhân tôi cũng không tự nhận mình là một người làm nghiên cứu phê bình trong lĩnh vực điện ảnh. Chuyên môn của tôi là báo chí và lĩnh vực tôi quan tâm, đam mê là điện ảnh. Thực ra không đến mức một mình đơn độc trong lĩnh vực phê bình điện ảnh trên báo chí.

Dù yếu và thiếu, nhưng tôi cũng có nhiều người bạn, đồng nghiệp, đăc biệt là những bạn trẻ đam mê điện ảnh đang theo đuổi công việc của mình trong âm thầm. Công việc nghiên cứu phê bình luôn đơn độc, nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều kiện cần của công việc này. Bởi nếu sa vào những mối quan hệ, người viết cũng đánh mất sự độc lập trong nhận định. Trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình mà dĩ hòa vi quý hay nói nước đôi, không muốn mất lòng ai thì tôi nghĩ đó không phải là phê bình”.

Xem thêm
Nét vẽ tình thân đánh thức vẻ đẹp của sự lương thiện

‘Nét vẽ tình thân’ được nhóm nghệ sĩ Rừng Xòe 6 thực hiện tại trại giam Thanh Cẩm đã khuyến khích những phạm nhân cầm cọ để vẽ lại cuộc sống mến thương.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.