| Hotline: 0983.970.780

'Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội'

Thứ Ba 30/11/2021 , 07:37 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Diễn đàn 'Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp' trong sáng 30/11.

Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp diễn ra sáng 30/11.

Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp diễn ra sáng 30/11.

“Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” là sáng kiến bao trùm của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, trách nhiệm. Việt Nam đang hiện thực hóa sáng kiến này ở một chuỗi ngành hàng gồm cà phê, gạo, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp.

Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn nhấn mạnh đến định hướng xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững hơn và tăng cường nỗ lực cả về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện trong một số lượng lớn các chiến lược, kế hoạch, nghị quyết và văn bản sửa đổi.

Tất cảTổng thuật

11h40

Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội

x4

"Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Kết luận cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu hình ảnh gót chân Asin: “Mẹ của Asin nhúng cả người mà quên nhúng gót chân. Đây là hình ảnh mà chúng ta cần thức tỉnh”.

Bộ trưởng cảm ơn đại diện WB và nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng với những câu hỏi sinh động. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng mỗi câu hỏi mở ra một vấn đề, mở ra một cánh cửa tri thức.

“Những vấn đề chúng ta nêu ra hôm nay vừa lạ vừa quen. Tôi rất ấn tượng với câu nói của bà Carolyn Turk về việc 'cái giá phải trả khi chúng ta không làm gì'. Tôi cũng nghĩ đến việc chúng ta cứ cân nhắc về cái giá phải trả, mà không lo nghĩ đến việc chúng ta nên làm gì. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nói 'không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá'. Chúng ta cần hành động ngay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. “Phải có những 'passport' trong ngành nông nghiệp để giúp chúng ta mở ra thêm nhiều cánh cửa. 'Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội', cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân”, vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết đã trao đổi với nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần bắt đầu bằng những công việc cụ thể. Bộ sẽ giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ quan trong Bộ để thực hiện từng bước. “Từng cơ quan trong Bộ như Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản... những cơ quan liên quan đến nông nghiệp xanh cần có những bước đi cụ thể, những gạch đầu dòng để bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay”.

11h30

WB mong muốn hỗ trợ nông nghiệp chuyển mình ở quy mô lớn

Kết thúc buổi đối thoại, bà Carolyn Turk, Trưởng đại diện WB tại Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng về các cam kết cá nhân cũng như ghi nhận các câu hỏi về vai trò của WB và sự hỗ trợ của tổ chức trong các dự án.

Phía WB kỳ vọng về quan hệ đối tác mạnh mẽ với khu vực tư nhân, quan hệ đối tác chặt chẽ đển nâng cao kỹ năng, thúc đẩy đầu tư mà khu vực tư nhân có thể đóng góp vào chuyển đổi nông nghiệp có giá trị cao hơn, năng suất cao hơn và phát thải thấp hơn.

“Chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ về việc khu vực tư nhân có thể làm gì và khu vực công sẽ hỗ trợ thế nào trong quá trình tăng trưởng do khu vực tư nhân làm chủ đạo, dẫn dắt. Chúng ta cần có sự đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu phát triển, đổi mới tạo, áp dụng công nghệ và phân phối”, bà Turk nói.

WB bày tỏ mong muốn hỗ trợ nông nghiệp chuyển mình ở quy mô lớn. Như vậy, cần có giải pháp để tập hợp nhiều tỉnh cùng nhau và có những dự án hỗ trợ đầu tư cho nhiều tỉnh cùng một lúc với sự dẫn dắt chỉ đạo mạnh mẽ ở cấp quốc gia.

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở quy mô lớn, không chỉ dừng lại mức độ thí điểm. WB sẽ cùng Bộ NN-PTNT nghiên cứu các công cụ mà WB có thể sử dụng để tài trợ cho những thay đổi ở cấp độ tổng thể", bà Turk cho biết.

Dù chưa có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này, song bà Turk tin tưởng rằng đổi mới sáng tạo, công nghệ sẽ là yếu tố thúc đẩy ngành kinh tế Việt Nam.

11h20

Đồng Tháp: Mơ tiếp giấc mơ sản xuất nông nghiệp "thuận thiên"

dong-thap-10

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp của tỉnh đã được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỉ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thời gian qua, với sự tài trợ của các đối tác quốc tế, tỉnh Đồng Tháp đã tham gia nhiều dự án xây dựng những mô hình nông nghiệp và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người nông dân; phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng trong đất; tạo ra nông sản sạch, giá trị cao.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp xanh, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển bền vững gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; sử dụng bền vững nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo phương châm thuận theo tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống; sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động linh hoạt thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu như một nguồn tài nguyên để phát triển.

Đồng thời, Đồng Tháp cũng xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp xanh và hiện đại. Điều đó được cụ thể hóa thông qua việc phát triển thích ứng đa ngành; điều phối liên kết vùng, liên kết ngành phù hợp với năng lực và sự mong muốn của người dân; nâng cao năng lực hoạt động của HTX, tổ hợp tác, các hội quán để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp “thuận thiên”.

“Đồng Tháp đề xuất Ngân hàng Thế giới và Bộ NN-PTNT hỗ trợ địa phương để có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ sản xuất nông nghiệp ‘thuận thiên’, nông nghiệp xanh trong thời gian tới”, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.

11h00

Ngành nông nghiệp Việt Nam rất cần sự chung tay của người nông dân

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Steven Jaffee, Chuyên gia cao cấp WB, cho rằng Việt Nam cần có nền tảng kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy sự tham gia của người nông dân vào công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại diện WB đề xuất: “Để làm được điều đó, thứ nhất, Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu…

Thứ hai, cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự hấp dẫn trong đầu tư. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng nhiều hơn những mô hình bền vững, chuyển đổi xanh để người nông dân thấy được những lợi ích.

Thứ ba, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia, khu vực khác”

GS. Ji Huan nhất trí với nội dung của các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ về mặt chính trị, lồng ghép, thể hiện ở trong các chương trình xanh hóa. Các cam kết cần phân bố được nguồn lực, nguồn tài chính để triển khai được chương trình.

"Cơ chế khuyến khích đối với ưu đãi người nông dân vô cùng quan trọng, đây là chỉ số quan trọng để đảm bảo thúc đẩy sự tham gia, áp dụng đổi mới", GS Huan phân tích. "Sau đó là các hoạt động theo dõi, giám sát để xem xét về hiệu quả áp dụng và giá trị đạt được. Ngoài ra, cũng cần xem xét việc chuyển dịch xanh hóa đã mang lại lợi ích gì và đóng góp gì vào GDP".

10h50

Cam kết của Việt Nam trong báo cáo NDC là rất quan trọng

lua

Đối với Việt Nam, chỉ riêng trong ngành lúa gạo, mỗi 1 tấn lúa nước sản xuất cho phát thải 0,8 tấn CO2 tương đương (Ảnh minh họa).

Ông Benoit Bosquet, Giám đốc Cao cấp WB chia sẻ thông tin tại diễn đàn: Hơn một nửa dân số trên thế giới tiêu thụ lúa gạo, ngũ cốc và việc sản xuất những sản phẩm này lại gắn liền với phát thải nhà kính. Sản xuất lúa gạo chịu trách nhiệm 10% trong tổng lượng phát thải metan cũng như đóng góp cho lượng phát thải CO2, NO2 trên toàn cầu. Cam kết giảm khí CO2 toàn cầu tại COP26 cũng là một cam kết quan trọng.

Metan được giải phóng, nhiều trong ruộng lúa ngập nước và phát thải nhiều hơn khi phân bón vô cơ bị sử dụng quá mức. Việc giảm lượng khí phát thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi mỗi quốc gia đang thực hiện cam kết của mình trong báo cáo NDC theo Công ước Khung của LHQ.

Đối với Việt Nam, chỉ riêng trong ngành lúa gạo, mỗi 1 tấn lúa nước sản xuất cho phát thải 0,8 tấn CO2 tương đương. Phát thải nhà kính từ các chất thải, phụ phẩm từ quá trình phơi sấy, xay xát lúa còn lớn hơn nữa. Với việc nâng cao hiệu suất quá trình này có thể giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính trong đó có khí metan.

"Như vậy, từ mối tương quan giữa phát thải khí nhà kính và nông nghiệp, chúng ta có thể thấy cam kết của Việt Nam trong NDC là rất quan trọng", ông Bosquet nói. "Trong nhóm WB, chúng tôi có kế hoạch hành động mới, trong đó có bước chuyển dịch quan trọng liên quan đến nông nghiệp, đất, lâm nghiệp".

Theo đó, "WB sẽ hỗ trợ các quốc gia sản xuất lúa gạo có thể giảm phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất lúa gạo. Đối với Việt Nam việc này rất quan trọng, đặc biệt là những cam kết gần đây lại Glassgow (Scotland, Anh) về giảm khí nhà kính đến năm 2050", ông Bosquet nhấn mạnh.

10h45

Lâm Đồng đẩy mạnh canh tác nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Lâm Đồng chú trọng và đẩy mạnh. Ảnh minh họa: VOV.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Lâm Đồng chú trọng và đẩy mạnh. Ảnh minh họa: VOV.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng và trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh canh tác nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông minh và chuyển đổi số vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm được cả khách hàng quốc tế và trong nước quan tâm.

Để tăng cường hiệu quả kinh tế, Lâm Đồng xây dựng nhiều hợp tác xã nông nghiệp và các chuỗi liên kết, trong đó có nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua địa phương đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, qua đó thuyết phục được người dân chuyển đổi sang hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh.

10h40

Quảng Nam: Mong được hỗ trợ về chuyển đổi số

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan Trung ương hỗ trợ vốn trong đề án phát triển rừng và đa dạng sinh học. Tỉnh cũng đề xuất thí điểm chuyển đổi số, đề án phát triển rừng và đa dạng sinh học.

Bày tỏ đồng tình với tầm nhìn về Nông nghiệp xanh, tỉnh Quảng Nam mong các cơ quan chức năng lưu ý đến đa dạng sinh học rừng nhưng vẫn đảm bảo sinh kế người dân.

10h30

Khai thác năng lực của khu vực tư nhân để khử carbon trong nông nghiệp

Ông Ernest E. Bethe III, Cán bộ điều hành cao cấp của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), cho biết  Việt Nam là một ví dụ điển hình tuyệt vời trong các địa điểm đầu tư của IFC khi các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm tới 80% giá trị thương mại, phần lớn là giao dịch giữa các chính phủ.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai, nhà xuất khẩu tôm lớn nhất, quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư, và là quốc gia phát triển tiêu đen lớn nhất. Đồng thời Việt Nam đã phát triển xuất khẩu rất nhiều loại rau, quả sang Trung Quốc, bao gồm cả trái cây nhiệt đới.

Việt Nam thật sự đã có những bước chuyển mình quan trọng về xuất khẩu trong 10 năm qua, và quá trình này phải kể đến vai trò quan trọng của người tiêu dùng toàn cầu, các thương hiệu và doanh nghiệp hàng tiêu dùng.

Song hành cùng những bước chuyển mình trên thế giới, thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có thu nhập cao và dân số đô thị ngày càng đông, và họ mong đợi những sản phẩm an toàn, chất lượng cao hơn khi mua hàng ngày và đang phát triển niềm yêu thích với các sản phẩm cao cấp. Thị trường đang chuyển đổi từ gạo chiếm ưu thế sang những loại thực phẩm có giá trị cao hơn.

Ông Ernest E. Bethe III cho rằng tất cả những điều trên có ý nghĩa to lớn đối với khu vực tư nhân - vốn đang ngày càng quan tâm đến vấn đề khử carbon trong nông nghiệp. Trong 10 năm tới các doanh nghiệp cần đầu tư ngày càng nhiều vào các hệ thống sản xuất, phân phối hỗ trợ quá trình khử carbon.

Đây là cơ hội và thách thức để có thể tạo ra các sản phẩm bền vững hơn, phát thải carbon thấp hơn tại Việt Nam. Đối với nông dân, đây là cơ hội áp dụng các phương pháp làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tiếp cận thị trường mạnh.

Khu vực tư nhân cần đầu tư khi có cơ hội; tăng cường các tổ chức nông dân; cải thiện cơ sở hạ tầng (kỹ thuật số) để cung cấp dịch vụ khuyến nông và nâng cao năng lực nông dân; hỗ trợ nông dân và hợp tác xã tiếp cận nguồn lực tài chính; cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn/hậu cần để vận chuyển sản phẩm.

9h45

Những bài học kinh nghiệm đắt giá từ ngành nông nghiệp của đất nước 1,4 tỷ dân

nn tq

Trung Quốc có nhiều bài học quý giá trong chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tại Diễn đàn, GS. Jikun Huan, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải.

Trong 4 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc có mức tăng trưởng nông nghiệp và dân số hàng năm khá ngoạn mục trong mức tăng trưởng chung toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến thu nhập của người nông dân tại khu vực nông thôn. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nông thôn tăng trung bình 7,3%/năm kể từ năm 1978 nhưng chênh lệch về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn ở mức cao. Đặc biệt trong giai đoạn 2003 - 2013 mức chênh lệch là gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn lương thực thực phẩm từ đầu những năm 2000.

Ngoài ra, Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng sản lượng trong những năm trước bằng sự suy thoái tài nguyên và môi trường đe dọa tới phát triển bền vững.

Theo đó, Trung Quốc đã có nhiều chính sách và chiến lược quốc gia để đảm bảo thu nhập khu vực nông thôn. Cụ thể, từ năm 2004, Trung Quốc chuyển dịch chính sách từ đánh thuế sang trợ cấp cho nông nghiệp.

Những trợ cấp này được chuyển sang hỗ trợ thu nhập vừa học vừa làm cho người dân ở nông thôn từ năm 2016.

Giai đoạn 2004 - 2014, Trung Quốc có sự can thiệp mạnh mẽ vào thị trường nông sản để nâng cao thu nhập và sản xuất của nông dân. Tuy nhiên việc can thiệp vào thị trường đã dẫn đến những vấn đề về quan hệ cung cầu và vấn đề cơ cấu ngành nông nghiệp Trung Quốc.

“Đó là bài học kinh nghiệm đắt giá. Từ năm 2014 - 2015, Trung Quốc bắt đầu loại bỏ dần việc can thiệp thị trường đối với tất cả mặt hàng ngoại trừ ngũ cốc (gạo, lúa mì) và bông ở Tân Cương. Chúng tôi cũng chuyển dịch chính sách sang trợ cấp thu nhập không gắn với và sản lượng từ năm 2016”, GS. Jikun Huan chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra những chiến lược phát triển tích hợp đô thị - nông thôn từ năm 2018.

Trong lĩnh vực an ninh lương thực, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ từ năm 2015. Điểm nổi bật trong chiến lược là việc nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số. Trung Quốc đã chi ngân sách 4,1 tỷ USD vào năm 2015 cho nghiên cứu, phát triển nông nghiệp.

Chiến lược Dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc đã đặt ra giới hạn về canh tác đất (120 triệu ha) và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, từ năm 1999, Trung Quốc đã triển khai Chương trình ngũ cốc xanh, qua đó chuyển đổi đất dốc nông nghiệp sang đất rừng hoặc đất trồng cỏ để cải thiện môi trường sinh thái và nông nghiệp bền vững.

Từ năm 1999, Trung Quốc cũng triển khai Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên bằng cách ngừng hoàn toàn việc khai thác gỗ thương mại. Từ năm 2011, Chương trình đền bù sinh thái đồng cỏ nhằm giảm cường độ chăn thả thông qua đền bù được triển khai tại tất cả các tỉnh có diện tích đồng cỏ lớn.

Năm 2015, Trung Quốc thực hiện kế hoạch hướng tới tỷ lệ tăng trưởng của hóa chất được sử dụng bằng 0 vào năm 2020. Theo đó, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã giảm thiểu những năm gần đây.

“Từ những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, để nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam rất cần những cam kết chính trị trong cải cách thể chế, hỗ trợ chính sách và đầu tư vào nông nghiệp”, GS. Jikun Huan nhấn mạnh.

9h30

Mỹ: Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là ứng phó với biến đổi khí hậu

TS. William Hohenstein, Giám đốc Phòng Chính sách Năng lượng và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Mỹ chia sẻ về kinh nghiệm của Mỹ và thúc đẩy hợp tác các bên trong phải triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải.

Theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức.

Ngày 27/1/2021, Tổng thống Biden đã ký Sắc lệnh hành pháp 14008 về Giải quyết Khủng hoảng Khí hậu ở trong nước và nước ngoài. Nội dung chính tập trung vào điều phối cách tiếp cận toàn chính phủ để giải quyết khủng hoảng khí hậu, xây dựng các kế hoạch toàn diện để nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với khí hậu, lồng ghép các mối quan tâm về khí hậu trong hoạt động quốc tế của các cơ quan.

Sắc lệnh này coi các mối quan tâm về khí hậu như một nội dung thiết yếu trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.

Ông Hohestein cũng cho biết thêm về kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp Mỹ để nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với khí hậu, cam kết giảm khí metan toàn cầu, lộ trình phát thải ròng bằng 0 trong ngành sữa….

Đại diện phía Bộ Nông nghiệp Mỹ bày tỏ vui mừng với sự tham dự của Việt Nam vào các cam kết và sáng kiến chung nhằm tăng cường và đẩy nhanh đổi mới, sáng tạo trong ngành nông nghiệp, hỗ trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp như COP26 và Liên minh SPG. Sự tham gia của các quốc gia có thể giúp xác định lĩnh vực để tiến hành hợp tác trong nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư, phát triển công nghệ thực hành tiên tiến…

9h00

Bốn trụ cột để Việt Nam xây dựng môi trường nông nghiệp

x10

Để đi sâu và đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu (Ảnh minh họa).

Ông Steven Jaffee, Cựu Trưởng Chuyên gia Kinh tế tại Khu vực EAP, WB chia sẻ về hiện trạng chuyển đổi nông nghiệp xanh và lộ trình chính sách khả thi để thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Theo đó, nông nghiệp Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn về nhiều phương diện bao gồm an ninh lương thực, giảm nghèo, đẩy mạnh thương mại, nhạy bén đáp ứng nhu cầu như sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, tăng trưởng nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị mang tính bao trùm cao…

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoảng trống hay tồn tại cần phải được khắc phục trong thời gian tới như chênh lệch về thu nhập, năng lực lao động giữa nông thôn và thành thị; bất cập về hiệu quả sản xuất dựa trên thâm canh nhiều hơn là chú trọng đến đảm bảo hiệu suất, thúc đẩy giá trị gia tăng; an toàn sinh học sức khỏe động vật, sức khỏe công cộng vẫn còn hạn chế.

Việt Nam hiện đã đi được một nửa trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp, có sự dịch chuyển từ định hướng sản xuất sơ cấp sang định hướng thị trường và có sự phối hợp với các ngành khác, dịch chuyển cách thức sản xuất và thể chế... song quá trình chuyển đổi đang đối mặt với những thách thức và cơ hội lớn khi các mục tiêu về kỳ vọng của xã hội vẫn đang thay đổi.

Theo Chỉ số Hiệu quả môi trường của Đại học Yale nhằm đo sức khỏe môi trường và sức sống hệ sinh thái của 180 quốc gia, Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về sức khỏe môi trường nhưng đứng gần cuối về sức sống của hệ sinh thái so với các nước trong cùng khu vực. Vị trí địa lý, nhân khẩu học và khí hậu khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước biến đổi khí hậu.

Tác động lớn đến môi trường của ngành nông nghiệp Việt Nam là do nhiều nguyên nhân, bao gồm sử dụng vật tư đầu vào quá mức, quản lý chất thải kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên...

Việt Nam đã có nhiều cam kết đáng kể trong thúc đẩy bền vững thông qua giảm thiểu phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các chiến lược nghị quyết, quy định, nhưng chưa mang lại tiến bộ đáng kể trên thực tế.

Như vậy, theo ông Jaffee, để đi sâu và đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu được xây dựng dựa trên bốn trụ cột bao gồm chính sách khuyến nghị, đổi mới sáng tạo, thể chế và chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng là cần xem xét các giải pháp ở nhiều cấp độ, từ cấp độ nông hộ cho đến cấp quốc gia.

8h50

Hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng thích ứng, hướng tới tương lai

x7

Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB) cho biết WB sẽ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời hướng tới an ninh lương thực toàn cầu như một ưu tiên cấp bách (Ảnh minh họa).

Ông Martien Van Nieuwkoop, Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB), chia sẻ thông điệp quan trọng đầu tiên: Hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đi cùng với những cơ hội còn lớn hơn.

Các quốc gia đều đã có cam kết về mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cần tiếp tục duy trì trong chương trình nghị sự hết sức tham vọng này để giảm phát thải khí nhà kính và giảm lượng khí carbon tương đương trong nông nghiệp.

Từ đó, xây dựng một thị trường đảm bảo khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, đem lại giá trị thiết thực, vượt qua thách thức, chớp lấy cơ hội, hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu sẽ phải thực hiện những chuyển dịch mang tính căn bản.

Chúng ta cần xem xét các lựa chọn khác nhau để có thể có những chuyển đổi mang tính lý tưởng, ưu tiên an toàn thực phẩm và các giá trị đóng góp về chất lượng chứ không chỉ cân nhắc về giá cả.

Cần sắp xếp đầu tư vào quá trình thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu của toàn hệ thống nông nghiệp, giảm phát thải để Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong Chương trình Nghị sự Toàn cầu.

Về các chiến lược cần thực hiện tại Việt Nam, ông Martien Van Nieuwkoop cho rằng cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp.

Hơn nữa, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, lí giải tại sao giá trị gia tăng thấp. Theo đó, để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp.

Có một điều rõ ràng rằng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn dọc theo chuỗi giá trị. Cần thực hiện các quy trình và giải pháp một cách khôn ngoan để đảm bảo sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng.

Đề cập đến những hỗ trợ của WB, ông Martien Van Nieuwkoop chia sẻ rằng WB sẽ hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời hướng tới an ninh lương thực toàn cầu như một ưu tiên cấp bách.

WB rất khuyến khích chính phủ Việt Nam hướng tới đầu tư công vào hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải. WB và Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành phố đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai. Cụ thể: cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị; tìm hiểu các cơ chế tiếp cận tài chính carbon...

8h40

Việt Nam có thể dễ dàng hưởng lợi nhuận từ nhu cầu bù trừ phát thải

rung xanh

Nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác hiện là lĩnh vực duy nhất có tiềm năng đáng kể để cung cấp phát thải âm (Ảnh minh họa).

Tiến sỹ Channing Arndt, Trưởng ban Môi trường và công nghệ sản xuất, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế đưa ra 3 vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các động lực đối với ngành Nông nghiệp trên toàn cầu.

Thứ nhất là "Năng suất, giá cả và dòng tài nguyên trong nông nghiệp", vấn đề thứ hai là "Các sự kiện không chắc chắn và cực đoan" và vấn đề thứ ba là "Phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác (AFOLU)".

Theo Tiến sỹ Arndt, đối với mỗi vấn đề này, trước tiên cần xem xét tác động toàn cầu, và sau đó xem xét các tác động đối với Việt Nam. Đại diện của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất của nông nghiệp, từ đó làm gia tăng áp lực lên giá cả của lương thực và các sản phẩm nông nghiệp.

Trong khi đó, dẫn chứng về “Các sự kiện không chắc chắn và cực đoan”, ông Channing Arndt cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu làm nhiệt độ gia tăng ở gần như mọi nơi trên thế giới, đi kèm với đó là tổng lượng mưa trên toàn cầu tăng mạnh nhưng vị trí xảy ra mưa lại rất khó dự đoán.

Về "Phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác (AFOLU)”, Tiến sỹ Arndt khẳng định 21% lượng phát thải toàn cầu là từ AFOLU và đây cũng là nguồn phát thải khí metan chính, một loại khí nhà kính mạnh dù tồn tại trong thời gian ngắn.

“AFOLU hiện là lĩnh vực duy nhất có tiềm năng đáng kể để cung cấp phát thải âm và mục tiêu hàng đầu của COP26: Đảm bảo phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này”, Tiến sỹ Channing Arndt chia sẻ thêm.

Đại diện Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế đánh giá rằng, trên toàn cầu, lượng phát thải khí metan đang gia tăng đáng kể và điều này có thể sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với một quốc gia được tổ chức tốt, chẳng hạn như Việt Nam, có thể dễ dàng hưởng lợi nhuận từ nhu cầu bù trừ phát thải của khu vực tư nhân trong tương lai gần và phát thải âm toàn cầu về dài hạn.

8h30

Ông Cao Đức Phát: Cần nhiều hơn các doanh nghiệp dẫn dắt nông hộ

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Cao Đức Phát (ảnh), nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 1989, Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại là nước xuất khẩu gạo. Tuy vậy, sản xuất lương thực còn bấp bênh, nhiều vùng vẫn thiếu lương thực, nhất là gạo. Do vậy, nhiều nỗ lực vẫn cần được bỏ ra để gia tăng sản xuất lương thực, thực phẩm.

Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ. Đồng thời đã bước đầu triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và nông sản lớn trên thế giới.

Hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen. Nền nông nghiệp có nhiệm vụ mới do vậy cũng cần phải có những chủ trương và chính sách mới.

Đại hội XII của Đảng đã đưa ra chủ trương: Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc tháng 9/2021: Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2050. Tới năm 2030 và nhiều năm sau đó nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải các nông hộ tự cung tự cấp mà phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn.

Tuy vậy, đa số các nông hộ vẫn quá nhỏ để tự tham gia thị trường cạnh tranh quốc tế. Họ cần liên kết lại, trực tiếp hay trực tuyến. Cần có nhiều hơn các doanh nghiệp để dẫn dắt họ tham gia các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các hộ nông dân nhỏ cũng cần được hỗ trợ để làm điều đó trên các cánh đồng ở Việt Nam nhưng vì lợi ích chung của toàn thế giới.

8h15

Nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu

Bà Carolyn Turk (ảnh), Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, tọa đàm Chuyển đổi sang hệ thống lượng thực thực phẩm xanh, phát thải thấp tập trung vào hai điểm chính đó là chuyển đổi xanh là việc làm cấp thiết và “lời nói đi đôi với hành động”. Có thể thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu.

Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ các sự kiện khí hậu đáng kể cũng như suy thoái trong lâu dài về biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi ước tính, giải quyết mà không có hành động cụ thể có thể gây thiệt hại khoảng 3-5 tỷ mỗi năm hoặc lên tới 10 tỷ nếu biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan", Giám đốc WB tại Việt Nam thông tin. "Một số vùng ở Việt Nam như ĐBSCL dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới".

Thế giới đang ngày càng quan ngại đến dấu chân carbon (Carbon footprint) từ các sản phẩm của quốc gia. Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.

Dấu chân carbon (tiếng Anh: Carbon footprint) là lượng khí nhà kính chủ yếu là cacbon dioxide, được thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người.

Ngoài thách thức về biến đổi khí hậu, chúng ta còn đang đối mặt với những thách thức nội tại như giảm năng suất trong ngành, áp lực gia tăng sản lượng, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. WB tin rằng Việt Nam rất cần duy trì vị thế đáng mong muốn là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới.

Việc sản xuất sản phẩm, tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn trong khi tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu. Việt Nam cũng cần nhạy bén hơn những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường.

Trong tọa đàm chính sách này, chúng tôi mong mạng lại bài học từ các quốc gia phát triển như như châu Âu, Trung Quốc trong chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp. Phía WB sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư cùng Bộ NN-PTNT để xác định và hướng tới 1 tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

8h05

Đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái

xanh 1

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn "Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp" sáng 30/11.

Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, "trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dù tiếp tục là 'trụ đỡ' của nền kinh tế, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan".

Do đó, "để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết", Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 cũng đã giao Bộ NN-PTNT phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.

Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.

Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu.

Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

"Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực.

Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm.

Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng.

x9

Việt Nam có thể trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực (Ảnh minh họa).

Tuy vậy, cũng theo lời Bộ trưởng, để chuyển mình thay đổi, ngành Nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

"Với 'Tư duy đổi mới' và 'Cùng hành động', tôi tin rằng khát vọng của ngành Nông nghiệp sẽ trở thành hiện thực. Để không chỉ là 'trụ đỡ' của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành 'thước đo mức độ bền vững của quốc gia'", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

    Tags:
Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.