Kiểm soát dịch bệnh trên người và bệnh truyền nhiễm trên động vật
Ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 43 (AMAF 43). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia ông Syahrul Yasin Limpo.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng nông nghiệp là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó hội nghị đã đi đến nhất trí trong việc nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực đầy đủ và liên tục cũng như hoạt động của các hoạt động kinh doanh và dịch vụ cho hệ thống lương thực thực phẩm và nông nghiệp.
Cụ thể, trong thời gian tới các quốc gia cần tiếp tục thực hiện Tuyên bố năm 2020 của các Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN về Ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh Coronavirus (Covid-19) để đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong ASEAN. Thúc đẩy sự hỗ trợ của Chính phủ về Đối tác công tư để phát triển các Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp như HACCP cho các doanh nghiệp nông nghiệp với tất cả các quy mô.
Đồng thời, các nước cần tăng cường kiểm soát bệnh động vật và bệnh truyền nhiễm từ động vật bằng cách ứng dụng kiến thức chuyên môn của các thành viên trong Trung tâm Điều phối ASEAN về Thú y và Bệnh động vật (ACCAHZ). Đề cập đến vấn đề nay, Hội nghị đánh giá cao sự hỗ trợ của Úc và FAO giúp đỡ hoạt động của ACCAHZ thông qua dự án Tăng cường các cơ chế trong lĩnh vực thú y cho một ASEAN có khả năng phục hồi (SMART ASEAN).
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chuỗi cung ứng và lưu thông thương mại bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, lao động, việc làm… bị đình trệ.
Theo đó, tăng cường phát triển lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Củng cố Hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN
Đưa ra ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký ASEAN trong việc đảm bảo phát triển bền vững trong khu vực ASEAN thông qua ngành lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp.
Hội nghị đã thông qua Hướng dẫn của ASEAN để thúc đẩy sử dụng công nghệ số cho ngành lương thực thực phẩm và nông nghiệp ASEAN. Hướng dẫn sẽ trang bị cho ASEAN các khuyến nghị và xem xét thực hiện các quyết định định hình truyển đổi số trong nông nghiệp tại khu vực.
Hướng dẫn cũng sẽ phác thảo điều kiện và hành động cần thiết để sử dụng công nghệ số để cải thiện Hệ thống lương thực thực phẩm và nông nghiệp, bao gồm các can thiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực thực phẩm.
Các đại biểu tại hội nghị đều thống nhất việc tăng cường khả năng phục hồi của Hệ thống lương thực thực phẩm để chống lại tác động của đại dịch là vô cùng cấp thiết.
Đối với Chiến lược ASEAN về Năng lượng sinh khối cho các Cộng đồng nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực giai đoạn 2020-2030, Hội nghị khuyến khích tất cả các đối tác ASEAN và các bên liên quan phối hợp với ASEAN để thực hiện các Kế hoạch hành động liên quan nhằm đóng góp vào việc cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng cho các cộng đồng nông thôn bằng cách tạo ra năng lượng sinh khối hiện đại thông qua quản lý chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp và rừng trồng lấy gỗ làm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, hội nghị đã thông qua các khuyến nghị đối với Nghiên cứu khả thi về Chính sách thủy sản chung của ASEAN tập trung nỗ lực vào việc thực hiện đầy đủ 12 Khung chính sách nghề cá khu vực bao gồm cả rác thải biển.
Các đại biểu cũng nhắc lại tầm quan trọng của Hướng dẫn ASEAN về Thúc đẩy đầu tư vào lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp (ASEAN-RAI), đồng thời khuyến khích các đối tác ASEAN hỗ trợ thực hiện Hướng dẫn ở cấp quốc gia và khu vực để thúc đẩy đầu tư trong lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp ở ASEAN.
Những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa các ngành về nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và các sáng kiến quản lý đất bền vững nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông nghiệp sinh thái trong khu vực cũng được ghi nhận.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đưa ra 5 định hướng để có thể phục hồi và tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong trạng thái bình thường mới.
Thứ nhất, cần tăng cường hợp tác nội khối ASEANvà hợp tác ASEAN với các đối tác để kết nối các chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ nông hộ nhỏ; doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vượt qua các tác động tiêu cực của Covid-19.
Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng nông nghiệp xanh và bảo tồn tài nguyên. Hợp tác xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số trong nông nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu, bao gồm cả chuyển đổi số trong công tác quản lý, ban hành chính sách và giải pháp phát triển nông nghiệp, như: dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Thứ tư, khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đối tác/hợp tác công - tư (PPP) trong phục hồi và tăng trưởng xanh.
Thứ năm, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của các đối tượng dễ chịu tổn thương trước các cú sốc, đồng thời hỗ trợ các đối tượng này trong việc khai thác hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.
Kịch bản sẵn cho chu kỳ sản xuất mới
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Việt Nam đã có những giải pháp để phục hồi và các ưu tiên đối với sản xuất nông nghiệp trong và hậu Covid-19.
Theo đó, để ứng phó với việc gián đoạn chuỗi cung ứng, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt ở miền Bắc và miền Nam để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau giãn cách.
Từ kết quả đạt được của các Tổ công tác, Bộ NN-PTNT đã ra mắt Diễn đàn kết nối cung - cầu cho thị trường nông sản với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước. Qua đó, tạo mối liên kết hợp tác chặt chẽ, đa chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.
Ngoài ra, Việt Nam cũng ban hành một số chính sách thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 và thúc đẩy phục hồi sau Covid-19. Trong đó, có rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương và người dân.
Nhờ đó, trong bối cảnh dịch bệnh, 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng, ước đạt 2,74%. Năng suất, sản lượng nhiều nông sản chủ lực ổn định và tăng. Ngoài đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho gần 100 triệu dân, 9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp và nông thôn trong bối cảnh bình thường mới, đồng thời tham gia các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ quá trình phục hồi, tăng trưởng xanh.