Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn và đoàn công tác Trung ương vào chiều nay (30/5), đại diện lãnh đạo 2 Cty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn (huyện Hương Sơn), Chúc A (Hương Khê) đều cho rằng “định mức khoán quản lý, bảo vệ rừng lâu nay quá thấp, chưa đảm bảo được đời sống cơ bản cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng”.
Hiện nay các Cty Lâm nghiệp Hương Sơn và Chúc A cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. |
Ông Lê Tiến Cát, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Hương Sơn, phân tích, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp (DN) như hiện nay đã và đang đi đúng hướng, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, ổn định hơn.
Tuy nhiên, sau khi Nhà nước đóng cửa rừng, đời sống của lực lượng bảo vệ rừng 100% nhờ vào “bầu sữa mẹ”; hoạt động sản xuất (SX), kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không có.
“Mặc dù chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư SX gạch tuynel, chăn nuôi lợn giống... tuy nhiên, do giá lợn bấp bênh nên có những năm thua lỗ đến 3 tỷ đồng; sản phẩm gạch tuynel đầu ra không ổn định nên nguồn thu của Cty càng ngày càng bế tắc”, ông Cát nhấn mạnh.
Trong khi định mức khoán bảo vệ rừng thấp nên việc đảm bảo đời sống cho người lao động gặp nhiều khó khăn |
Ông Dương Văn Thắng, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Chúc A, khẳng định, sau sắp xếp, đổi mới, rừng Hà Tĩnh “yên” hơn, nhưng xét về mặt tăng trưởng doanh số thì chưa đạt.
“Để đảm bảo đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, đề nghị UBND tỉnh tăng định mức khoán từ 200.000đ/ha lên 300.000đ/ha, bằng định mức tối thiểu quy định của Nhà nước; đồng thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật để DN rà soát vùng rừng cần bảo vệ, đảm bảo hiệu quả bền vững hơn”, ông Thắng nói.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, trước khi thực hiện sắp xếp, đổi mới, tổng doanh thu hàng năm của 2 Cty Lâm nghiệp Hương Sơn và Chúc A đạt hơn 22,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 243 triệu đồng; nộp ngân sách hơn 1,8 tỷ; lương bình quân lao động 4,1 - 4,45 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, sau chuyển đổi, tổng doanh thu hàng năm 2 Cty giảm xuống còn hơn 19,1 tỷ; nộp ngân sách hơn 776 triệu đồng; lương bình quân 4,55 - 5,2 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi nghiên cứu hiệu quả của các đơn vị sau 3 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp, đại diện các bộ ngành Trung ương cho rằng, Hà Tĩnh cần đánh giá lại mô hình hoạt động hiện nay. Nếu chỉ đơn thuần quản lý, bảo vệ rừng, không tổ chức SX, kinh doanh thì nên đề xuất chuyển về nhà nước quản lý. Còn lên phương án đầu tư SX thì cũng phải cân nhắc nếu không sẽ rơi vào vòng xoáy càng làm càng lỗ.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao Hà Tĩnh trong việc thực hiện sớm các bước để thực hiện sắp xếp, đổi mới các Cty nông, lâm nghiệp theo các Nghị định của Chính phủ.
Về kết quả bước đầu, sau sắp xếp các Cty đã tổ chức hoạt động ổn định, bảo tồn nguồn vốn chủ sở hữu; bảo vệ rừng tốt. Đất đai cơ bản sạch, không có tranh chấp.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu các Cty phải có phương án tái cơ cấu cụ thể; xây dựng kế hoạch SX, kinh doanh đa ngành nghề hơn.