Mới đây, tại Long An, một người đàn ông 44 tuổi đã gặp nguy hiểm tính mạng do bị viêm tụy cấp biến chứng suy thận, bão cytokine sau khi uống khoảng một lít rượu trong buổi liên hoan cùng đồng nghiệp. Ông may mắn đã được bệnh viện tại địa phương xử trí, điều trị kịp thời và thoát khỏi “cửa tử” sau 48 giờ lọc máu liên tục và điều trị nội khoa.
BS.CKI. Phạm Công Doanh, Trưởng Đơn vị Lọc máu – Thay huyết tương, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, viêm tụy cấp là một trong nhóm các bệnh lý thường gặp khiến người bệnh phải nhập viện mỗi dịp lễ tết.
Bệnh viện Gia An 115 từng tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm tụy cấp tương tự, trong đó có cả những trường hợp viêm tụy cấp thể nặng, phải tiến hành lọc máu thay huyết tương để bảo vệ tính mạng người bệnh.
Đơn cử như một trường hợp người bệnh bị viêm tụy cấp thể nặng do tăng triglycerid máu, nồng độ triglyceride máu lên đến 15,52 mmol/L, cao gấp gần 10 lần so với ngưỡng bình thường và hạ natri máu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, quanh rốn, cơn đau kéo dài và tăng dần, đã khởi phát đau bụng từ trước đó 4 ngày. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu thay huyết tương nhằm hạ nhanh triglyceride, ngăn ngừa diễn tiến các biến chứng nặng. Sau đó, người bệnh được kết hợp điều trị kháng sinh, ức chế tiết acid dịch vị, ổn định mỡ máu… và dần ổn định.
Rượu bia, sỏi mật và tăng triglycerid máu là ba nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy cấp. Điều đó lý giải vì sao các ca bệnh nhập viện do viêm tụy cấp lại thường tăng lên vào các dịp lễ tết, sau những bữa tiệc với rượu bia và các món ăn thịnh soạn, nhiều dầu mỡ…
Ngoài viêm tụy cấp thì đột quỵ, viêm dạ dày cấp, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu… cũng là các bệnh lý cấp tính nguy hiểm thường gặp trong dịp lễ tết và phần nhiều do chế độ ăn uống, sinh hoạt. Nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh sẽ gặp nhiều rủi ro, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Theo BS.CKI. Phạm Công Doanh, để có một kỳ nghỉ lễ 2/9 trọn vẹn, mỗi người nên cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt, không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác, không tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.
Đặc biệt, những người đang mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, viêm gan… càng cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt trong những ngày lễ cũng như tuân thủ đúng việc điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ.
Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia, dị ứng thực phẩm cũng là các bệnh lý thường gặp trong dịp lễ, do đó các gia đình nên chú ý vấn đề an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm, hạn chế ăn các thực phẩm lạ khi đi du lịch.
“Trong những ngày lễ, cổng cấp cứu của tất cả bệnh viện vẫn mở 24/7 và luôn đảm bảo trực cấp cứu. Do vậy, nếu có các biểu hiện sức khỏe cảnh báo cần trợ giúp y tế ngay, người bệnh không nên chần chừ để tránh diễn tiến nặng và bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị, nhất là trong các trường hợp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim”, BS.CKI. Phạm Công Doanh, Trưởng Đơn vị Lọc máu – Thay huyết tương, khuyến cáo.
Theo bác sĩ Doanh, người bệnh cần đi cấp cứu nếu có các biểu hiện như đau đột ngột hoặc trầm trọng; đau ở ngực hoặc vùng bụng trên, cảm giác ép chặt hoặc bóp nghẹt; đau bụng bất thường, tiêu chảy hoặc nôn nhiều hay kéo dài; thở nông hoặc khó thở; lú lẫn hoặc tri giác bị thay đổi; yếu liệt, chóng mặt đột ngột hoặc ngất; giảm thị lực đột ngột; nói khó, nhức đầu dữ dội; nôn hoặc ho ra máu; chảy máu không cầm được; sốt cao ở trẻ nhỏ hoặc người trên 65 tuổi.