| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp gỗ đói nguyên liệu, khát nhân công

Thứ Tư 08/09/2021 , 08:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hiện đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ ở Bình Định rất lớn, nhưng lao động lại thiếu nghiêm trọng, nguyên liệu cũng thiếu trước hụt sau do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tắt ngấm kỳ vọng

Năm 2021, ngành chế biến gỗ ở Bình Định đặt mục tiêu thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu USD, tăng hơn 10% so với năm 2020.

Theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã đề ra một số kế hoạch, giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu đồ gỗ Bình Định cho nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất, nỗ lực tăng thị phần tại các thị trường truyền thống có nền kinh tế đã hồi phục trong đại dịch Covid-19.

Nửa đầu năm 2021, bức tranh ngành gỗ sáng bao nhiêu thì bỗng vụt tắt do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VĐT.

Nửa đầu năm 2021, bức tranh ngành gỗ sáng bao nhiêu thì bỗng vụt tắt do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VĐT.

Trong năm 2021, ngành gỗ Bình Định nỗ lực phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí cho thị trường Mỹ, Anh; tăng cường đầu tư các sản phẩm chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm, ván sợi, viên nén. Đặc biệt, FPA Bình Định khuyến khích các doanh nghiệp thành viên triển khai đầu tư trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quốc tế để xâm nhập vào các thị trường khó tính.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, từ đầu năm 2021 đến nay, nhờ các thị trường Mỹ, EU, Anh, Úc nhập khẩu mạnh đồ gỗ nội thất, nên trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định xuất khẩu mạnh các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đồ gỗ ngoài trời; mặt hàng nhựa đan (hàng giả mây) và mặt hàng đồ gỗ bán qua kênh online.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Bình Định trong 6 tháng đầu năm đạt 453,2 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đồ gỗ nội thất, ngoại thất và sân vườn đạt 239,7 triệu USD, tăng 49% so cùng kỳ năm 2020; các loại sản phẩm gỗ khác như dăm mảnh, viên nén đạt 110,3 triệu USD, tăng 2%; các sản phẩm từ nhựa đan (hàng giả mây) đạt 103,2 triệu USD, tăng 68%.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, 1 số địa phương trên địa bàn Bình Định phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19. Việc hạn chế đi lại của người dân đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn phải dừng hoạt động do thiếu lao động làm việc.

Hiện giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng rất cao và nhập khẩu chậm do ách tắc vận chuyển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng rất cao và nhập khẩu chậm do ách tắc vận chuyển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện ở huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn có 4 - 5 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, dừng sản xuất hoàn toàn vì không có lao động, và có trên 10 nhà máy đang hoạt động dưới 50% công suất. Còn các nhà máy khác nằm trên địa bàn TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 đang duy trì sản xuất đạt 70 - 80% công suất”, ông Lê Minh Thiện cho biết.

Cũng theo ông Thiện, trước tình hình trên, trong tháng 7, xuất khẩu đồ gỗ ở Bình Định đã bắt đầu có chiều hướng giảm. Tiếp đến tháng 8, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát và một số xã ở huyện Tuy Phước thực hiện Chỉ thị 16 nên các nhà máy chế biến gỗ nằm trên địa bàn các địa phương nói trên bị mất phần lớn lực lượng lao động nên xuất khẩu đồ gỗ tiếp tục giảm thêm 15% so với tháng 7. Nếu tình hình này kéo dài, theo nhận định của ông Thiện, trong tháng 9 này xuất khẩu đồ gỗ ở Bình Định sẽ tiếp tục giảm 30 - 40% so với tháng 7, và trong tháng 10 sẽ còn giảm nghiêm trọng hơn.

"Dịch bệnh Covid-19 đã phá vỡ kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là giai đoạn từ nay đến cuối năm. Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nếu bị đứt gãy chuỗi sản xuất, sẽ không giao hàng đúng hạn cho khách hàng, đồng nghĩa sẽ phải bồi thường hợp đồng.

Do đó, hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực tập trung công tác phòng chống dịch và giữ lực lượng lao động để duy trì sản xuất, đồng thời xây dựng nhiều kịch bản để xoay xở tùy theo tình hình thực tiễn. Dù sản xuất hiện đang bị đình trệ, nhưng các doanh nghiệp hiện cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi tình hình dịch bệnh được khống chế", ông Lê Minh Thiện cho hay.

Hơn 250 triệu đồng/tháng cho mỗi việc test nhanh Covid

Theo FPA Bình Định, thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định đã thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, đối với phương án sản xuất “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp chỉ có thể trụ được trong thời gian ngắn chứ không thể kéo dài.

Hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định đang thiếu lao động nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định đang thiếu lao động nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bởi, chi phí phát sinh khi tổ chức chức sản xuất “3 tại chỗ” quá lớn, gồm các khoản chi phí về ăn uống, bồi dưỡng, điện nước. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” là khoản chi phí test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cho lực lượng công nhân trong thời gian làm việc.

Nếu doanh nghiệp có 500 công nhân làm việc “3 tại chỗ” thì mỗi lần test nhanh phải mất chi phí khoảng gần 70 triệu đồng. Trong 1 tháng, 500 công nhân test nhanh 4 lần thì doanh nghiệp phải mất đến gần trên 250 triệu đồng. Do đó, hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ đều thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến”.

Với phương án trên, sau khi sản xuất tại nhà máy, người lao động về nhà với cam kết không dừng đỗ dọc đường, ghi lại lịch trình di chuyển theo tuyến cố định, về phần doanh nghiệp cũng có cam kết với chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, với phương án này, người lao động gặp khó khăn khi qua những chốt kiểm dịch. Bởi, thực tế có nhiều địa phương quá lo lắng nên áp dụng các biện pháp cứng để người dân không đi làm nhằm quản lý tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Mặc dù công nhân các doanh nghiệp chế biến gỗ có giấy giới thiệu của công ty với đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 theo quy trình “1 cung đường 2 điểm đến”, nhưng một số địa phương vẫn không cho công nhân qua chốt để đi làm, sau khi FPA Bình Định có ý kiến, các địa phương mới nới lỏng để công nhân đi làm.

"Nếu các địa phương siết quản lý một cách cứng nhắc như vậy, công nhân thất nghiệp 2 - 3 tháng liền thì lấy đâu tiền họ nuôi sống gia đình? Trong tình hình này, chính quyền các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người dân đi làm để vừa đảm bảo an sinh trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất”, ông Thiện nêu ý kiến.

Nguyên liệu thiếu trước hụt sau

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định đang phải đối mặt là nguồn cung nguyên vật liệu từ các “thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương và Đồng Nai hiện đã tê liệt, nên chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ở Bình Định bị đứt gãy, dẫn tới thiếu trước hụt sau trong sản xuất.

Đặc biệt, giá gỗ nguyên liệu hiện đang tăng cao và nhập khẩu rất chậm, nguyên nhân được ông Lê Minh Thiện giải thích là do phía các thị trường cung ứng gỗ nguyên liệu hiện cũng đang thiếu lao động, nên việc khai thác, chế biến cũng bị đình trệ.

Nếu không có giải pháp khơi thông chuỗi cung ứng nguyên liệu, ngành gỗ Bình Định sẽ còn những khó khăn tới đầu năm 2022 . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nếu không có giải pháp khơi thông chuỗi cung ứng nguyên liệu, ngành gỗ Bình Định sẽ còn những khó khăn tới đầu năm 2022 . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế nhưng khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định hiện nay là tình trạng thiếu container rỗng đã ảnh hưởng tới việc ký đơn hàng, giao hàng theo hợp đồng đã ký. Tình trạng trên đã dẫn tới tồn đọng sản phẩm, đây là nỗi đau đầu của các doanh nghiệp thiếu mặt bằng kho để dự trữ hàng. Thêm vào đó, giá thuê container rỗng và cước vận chuyển tăng gấp 3 - 4 lần so với trước khiến các đơn vị nhập khẩu ép giá các doanh nghiệp xuất khẩu. Các đối tác nhập khẩu đồ gỗ yêu cầu các doanh nghiệp xuất hàng phải chia sẻ chi phí, chọn lựa đơn vị vận chuyển, thuê container.

Để giải phóng hàng lưu kho, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định phải chấp nhận phương án tốn thêm chi phí thuê container, đặt chỗ trên tàu, dẫn tới chi phí đầu vào tăng cao.

“Các doanh nghiệp thường phải chuẩn bị gỗ nguyên liệu và nguyên vật liệu phục vụ chế biến gỗ như phụ kiện kim loại, hóa chất, dầu màu, nệm, bao bì trước 3 tháng để sản xuất gối đầu. Thế nhưng hiện nay giá nguyên vật liệu tăng cao từ 10 - 30%, chuỗi cung ứng kể cả từ nước ngoài lẫn trong nước đều bị đứt gãy do ách tắc vận chuyển, chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến sản xuất của ngành gỗ trong những tháng đầu năm 2022.

Điều chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là lực lượng công nhân ngành gỗ được ưu tiên tiêm vacxin để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất trong đại dịch Covid-19”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm