| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành chế biến gỗ trong bối cảnh dịch Covid-19

Thứ Tư 15/04/2020 , 08:02 (GMT+7)

Đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19, tuy nhiên đây cũng là thời cơ để ngành gỗ Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu theo chuỗi giá trị.

Dăm gỗ chiếm tới trên 60% nguyên liệu nhưng chỉ đóng góp 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ của nước ta. Đồ họa: Lê Bền.

Dăm gỗ chiếm tới trên 60% nguyên liệu nhưng chỉ đóng góp 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ của nước ta. Đồ họa: Lê Bền.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Ngay trong năm 2020, nếu dịch Covid-19 ở nước ta không kéo dài, cũng như các thị trường xuất khẩu dịch Covid-19 sớm được khống chế, việc đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 12 - 13 tỉ USD vẫn là khả thi.

Thời cơ để đầu tư sản xuất, chủ động phụ liệu ngành gỗ

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành gỗ, Bộ NN-PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp trong chế biến, xuất khẩu gỗ cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động nhằm sẵn sàng sớm ổn định trở lại sản xuất khi có điều kiện, nhất là không để ảnh hưởng đến đời sống công nhân, người lao động của các doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm cơ hội, điều kiện nhằm tái cơ cấu lại ngành gỗ ngay trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19.

Theo đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, đây đang là giai đoạn tốt để xúc tiến đầu tư, thúc đẩy nhanh việc tiến tới chủ động sản xuất nguồn phụ liệu, phụ kiện phục vụ cho ngành gỗ trong nước.

Bởi hiện nay, tới 80% phụ liệu phục vụ cho chế biến gỗ chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là các phụ liệu mà các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn có thể sản xuất được, tuy nhiên chi phí sản xuất lại còn cao, nếu đưa giá thành xuống tương đương với hàng nhập khẩu thì chất lượng lại kém hơn.

Đến nay, quy mô của ngành chế biến gỗ của nước ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đây, khiến nhu cầu phụ liệu rất lớn, điều này có thể giúp việc đầu tư vào sản xuất chế biến phụ liệu đủ quy mô và có lãi.

Những khó khăn, ách tắc trong việc nhập khẩu nguồn phụ liệu phục vụ cho chế biến gỗ trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng cho thấy nhu cầu bức xúc của việc cần phải chủ động nguồn phụ liệu trong nước.

Cơ cấu lại toàn chuỗi của ngành gỗ

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, hiện nay chúng ta vẫn đang phải dùng từ 25 - 26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để cho ra khoảng 13 triệu tấn dăm gỗ xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 1,5 - 1,6 tỉ USD.

Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ khoảng trên 11 tỉ USD (năm 2019), thì đây là con số chiếm tỉ trọng rất thấp, chỉ chiếm hơn 10%. Trong khi đó, lượng nguyên liệu gỗ sử dụng để xuất khẩu dăm gỗ lại đang chiếm tới trên 60%. Đây là điều rất nghịch lý trong ngành chế biến gỗ.

Nhóm mặt hàng đồ gỗ có giá trị xuất khẩu cao, dung lượng lớn như đồ gỗ ngoại thất, văn phòng hiện chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn. Ảnh: Lê Bền.

Nhóm mặt hàng đồ gỗ có giá trị xuất khẩu cao, dung lượng lớn như đồ gỗ ngoại thất, văn phòng hiện chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam cũng cần phải thay đổi. Hiện chúng ta xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ và EU chủ yếu mới chỉ là các nhóm sản phẩm gia dụng như phòng bếp và phòng tắm, chiếm tới trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

Trong khi đó, nhóm sản phẩm đồ gỗ có khối lượng và giá trị lớn như đồ ngoại thất và đồ dùng văn phòng chỉ chiếm khoảng 40%. Đây là dư địa mà ngành gỗ Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác trong những năm tới.

Trong chế biến, sẽ cần phải tiến tới các sản phẩm mới đa dạng hơn, không chỉ là các mặt hàng gỗ truyền thống đơn thuần, mà còn là các mặt hàng gỗ phối trộn với các vật liệu khác như gỗ với đá, gỗ với kim loại, với các mẫu mã đẹp, gắn với nắm bắt thông tin, nhu cầu và sự thay đổi nhu cầu của thị trường...

Song song với các quá trình này, cần phải đi đôi với tái cơ cấu theo toàn bộ chuỗi, với nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước theo hướng trồng rừng gỗ lớn, gắn với cơ cấu lại về giống lâm nghiệp; thâm canh rừng; đẩy nhanh phương thức quản lí rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, nhất là thực thi các cam kết về Hiệp định đối tác tự nguyện với EU và Chương trình quản lí rừng và thương mại gỗ bền vững...

Chúng ta muốn giữ được các thị trường xuất khẩu đồ gỗ bền vững, thì nhất quyết phải thực thi được các quy định về kiểm soát gỗ hợp pháp cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Điều đó mới giúp giữ được uy tín, niềm tin của thị trường... Đây là vấn đề mà ngành gỗ Việt Nam đã rất thấm thía.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn

Bên cạnh đó, cần dứt khoát triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết theo chuỗi trong nước, tiến tới giảm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ nước ngoài.

Trước đây, chúng ta phải sử dụng tới 80% nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài thì tới nay, về tổng thể nguồn gỗ nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được cho khoảng 80% nhu cầu chế biến, chỉ còn khoảng 20% nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu.

Mặc dù vậy, cơ cấu gỗ nguyên liệu nhập khẩu phục vụ trong nhóm chế biến đồ mộc hiện vẫn chiếm tỉ trọng còn cao do nguồn cung nguyên liệu gỗ lớn trong nước hạn chế.

Cần một “nhạc trưởng” cho ngành gỗ

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cũng cho rằng, vai trò của các hiệp hội cũng như tính liên kết của các hiệp hội trong ngành gỗ là rất quan trọng.

Nước ta hiện đã có rất nhiều hiệp hội trong ngành gỗ, như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các hiệp hội về chế biến gỗ tại nhiều tỉnh, nhiều vùng như TP.HCM, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Hiệp hội Trồng rừng, Hiệp hội gỗ dán...

Mặc dù một số hiệp hội hiện đã hoạt động rất tích cực. Tuy nhiên về tổng thể giữa các hiệp hội trong ngành gỗ vẫn còn rời rạc, mạnh ai nấy đi, thiếu sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau.

Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có những định hướng xúc tiến nhằm tạo ra mối liên kết, cần phải có một “nhạc trưởng” cho các hiệp hội trong ngành gỗ trên cơ sở các quy định của pháp luật cũng như tính tự nguyện của các hiệp hội.

Tình trạng phải khai thác rừng non đang khiến ngành gỗ Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ lớn từ các thị trường khác. Ảnh: TL.

Tình trạng phải khai thác rừng non đang khiến ngành gỗ Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ lớn từ các thị trường khác. Ảnh: TL.

Một vấn đề cần phải cương quyết thực hiện ngay từ bây giờ cũng như về lâu dài, đó là thiết lập hệ thống chính sách pháp luật và thực thi pháp luật nhằm chống bằng được tình trạng gian lận thương mại trong ngành gỗ của Việt Nam, mà trước hết là gian lận về xuất xứ, chống hành vi chuyển giá trong ngành chế biến xuất khẩu gỗ.

Trước mắt, cần phải giải quyết cho được vấn đề minh bạch về nguồn gốc của mặt hàng ván dán của Việt Nam sản xuất. Đây là nhóm sản phẩm những năm qua năng lực sản xuất của chúng ta tăng rất lớn, nhưng dứt khoát không thể để có những doanh nghiệp làm ăn gian dối, trục lợi, “con sâu làm rầu nồi canh”.

Về thị trường nội địa, hiện vẫn đang đóng vai trò quan trọng và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với ngành gỗ Việt Nam. Theo tính toán chưa kỹ lưỡng, tiêu dùng mặt hàng đồ gỗ tại thị trường trong nước hàng năm đã đóng góp khoảng 3 tỉ USD và sẽ tiếp tục tăng cao.

Vì vậy, ngành gỗ sẽ cần những chiến lược, đầu tư, chính sách cho việc đẩy mạnh bán hàng tại thị trường nội địa, nhất là hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu sản phẩm, các trung tâm hội chợ triển lãm của ngành gỗ...

Theo Bộ NN-PTNT, quý I/2020, giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước ước đạt 2,73 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I/2020 ước đạt 533 triệu USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2019.

Về khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 đạt 6,025 triệu m3, trong đó khai thác từ rừng trồng tập trung 50.300 ha, sản lượng đạt 4,6 triệu m3, tương đương với cùng kỳ 2019.

Về trồng rừng, lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 cả nước đã trồng 30.929 ha rừng, bằng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất