| Hotline: 0983.970.780

Bàn giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

Thứ Tư 08/08/2018 , 08:41 (GMT+7)

8 giờ sáng ngày 8/8/2018, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

12h00': Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 

11h20': Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Những kết quả vừa qua của ngành chế biến gỗ và lâm sản là hết sức tốt đẹp. Tôi đánh giá cao, biểu dương nông dân trồng rừng, doanh nhân và người lao động trong ngành chế biến gỗ đã đóng góp công sức cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ và lâm sản phải khắc phục những hạn chế sau: Quy mô DN còn nhỏ; chất lượng gỗ nguyên liệu còn thấp, gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao; sản phẩm XK thô, giá trị thấp như dăm gỗ còn nhiều; liên kết chuỗi còn hạn chế.

Từ những thành quả đã đạt được, tôi giao Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản sao cho trong 10 năm tới ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK của nền kinh tế đất nước. Phấn đấu để VN trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, XK đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.

Năm 2018 phải phấn đấu đạt kim ngạch XK gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỷ USD 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-23 tỷ USD; 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị

11h15': Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu:

 

Bộ Công thương cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.

Ngành gỗ Việt Nam cần kiên trì, kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, vì thị trường chính là các nước phát triển, nơi người tiêu dùng quan tâm nhiều tới bảo vệ môi trường. Phối hợp với Chính phủ để thực thi các giải pháp truy xuất nguồn gốc gỗ bất cứ lúc nào. Ngành chế biến gỗ cần tuân thủ quy tắc xuất xứ để đảm bảo rằng gỗ XK của ta hoàn toàn là sản phẩm  thực sự của Việt Nam …

11h00': Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, tham luận về sử dụng gỗ hợp pháp.

Đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Tôi rất vui mừng rằng cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định VPA, hy vọng là trong năm nay.
Việc thực thi Hiệp định VPA sẽ thúc đẩy thương mại gỗ vào EU. Hãy nhìn vào Indonesia. Indonesia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được bước cấp giấy phép FLEGT vào tháng 11/2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT với giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được xuất khẩu sang EU nói riêng.

10h45': Hội nghị trở lại với phần thảo luận

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TP HCM:

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Chế biến gỗ và lâm sản không phải là ngành công nghiệp chủ lực của TP HCM, nhưng vẫn đạt kim ngạch 1 tỷ USD năm 2017.

TP hiện có 894 DN chế biến gỗ và lâm sản (288 DN tham gia XK), nhưng phần lớn là DN vừa và nhỏ. DN nhỏ vốn ít, thiếu kinh nghiệm … nên khó cạnh tranh ngay cả trên sân nhà.

Vì vậy, trong thời gian tới, TP tập trung các nhóm giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản như: liên kết DN với người dân và chính quyền; giải quyết các hạn chế của thị trường bán lẻ; khuyến khích các DN đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, bền vững …

10h17': Hội nghị giải lao

10h10': Ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội Hồi Lạng Sơn tham luận về giải pháp thúc đẩy XK quế, hồi nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội Hồi Lạng Sơn

Ông Nguyễn Quế Anh cho biết, theo thống kê của Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng hồi. Quế hồi được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm.

Ở các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, quế, hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm, đặc biệt, axít shikimi trong hoa hồi đã và đang được các công ty dược phẩm trên thế giới sử dụng để sản xuất Tamiflu - thuốc chống cúm gia cầm.

Trích phát biểu của ông Nguyễn Quế Anh

10h00':

Ông Huỳnh Văn Hạnh, PCT Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM tham luận về tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ thế giới, cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển.

Ông Hạnh cho rằng năng lực sản xuất toàn ngành tuy có gia tăng liên tục nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017 là 428 tỷ USD, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. Và so sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Từ 2 con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. Nếu có chính sách đột phá, ngành gỗ sẽ bứt phá ngoạn mục.

Các đại biểu tán thưởng bài phát biểu của ông Huỳnh Văn Hạnh

9h50':

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty AA nêu ý kiến về việc phát triển thương hiệu quốc gia cho đồ gỗ Việt Nam

Theo ông Khanh, với những đóng góp của ngành về mặt dân sinh lẫn kinh tế, chế biến gỗ rõ ràng là ngành kinh tế tiêu biểu của quốc gia. Chọn xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ, chúng ta dễ dàng gây dựng niềm tự hào toàn dân: “Việt Nam là trung tâm sản phẩm gỗ và trang trí nội thất chất lượng cao của Thế giới”.

9h35':

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty Scansia Pacific chia sẻ kinh nghiệm về liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững.

Từ tháng 6/2015, Scansia Pacific chính thức triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với việc hình thành nhóm hỗ trợ kỹ thuật của Công ty ngay trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc tiếp xúc với các hộ dân có rừng trồng, Công ty đã đưa ra được các chính sách thỏa mãn tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân tham gia liên kết.

 

Cụ thể: Công ty hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; Cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC có đường kính trên 13cm cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC …

Ông Thắng khẳng định, chỉ có con đường liên kết tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn FSC là con đường phát triển bền vững đúng đắn nhất của ngành.

Trích phát biểu của ông Thắng

9h15': Bắt đầu phần tham luận

Ông Nguyễn Xuân Hoài, PCT Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng năng suất lao động ngành gỗ. Đặc biệt cần hạn chế tối đa XK dăm gỗ. Bởi XK dăm gỗ tốn rất nhiều gỗ nguyên liệu nhưng giá trị Xk lại thấp (năm 2017 chế biến dăm gỗ đã dùng tới gần 11 triệu m3 gỗ quy tròn, chiếm 30% lượng gỗ nguyên liệu dành cho XK nhưng giá trị XK chỉ đạt hơn 1 tỷ USD).

Ông Nguyễn Xuân Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam phát biểu

8h45': Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về những thành tựu của ngành gỗ trong 10 năm qua. Năm 2008, cả nước có khoảng 2.500 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản.

 

Trong vòng 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.

Bên cạnh đó là những tồn tại, thách thức như: Chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp; Chi phí của nền kinh tế còn cao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nguồn nhân công lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp, hiện đang thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao cho nhu cầu sản xuất; Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát …

Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc phát triển chế biế gỗ và lâm sản trong những năm tới như sau: Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên khoảng 10% vào năm 2025.

8h15': Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới.

 

Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước thì ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến  và cho hàng triệu lao động trồng ở  khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

 

Xem thêm
Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.