| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nhãn chín muộn Hà Nội

Thứ Năm 04/09/2014 , 08:10 (GMT+7)

So với các giống nhãn chính vụ, nhãn  chín muộn có nhiều ưu điểm như cây ra hoa muộn hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dễ đậu trái, trái to hơn, chất lượng cao hơn.

Từ phát hiện của một số người dân các xã Đại Thành, huyện Quốc Oai và Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) về một số cây nhãn đột biến tự nhiên cho quả chín muộn, Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn, tạo ra một số giống nhãn chín muộn.

Các giống nhãn muộn HTM1, HTM2 được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia, cho phép phát triển trên diện rộng. So với các giống nhãn chính vụ, nhãn  chín muộn có nhiều ưu điểm như cây ra hoa muộn hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dễ đậu trái, trái to hơn, chất lượng cao hơn, thời gian thu hoạch chậm hơn từ 1 - 1,5 tháng, dễ tiêu thụ với giá bán cao.

Chúng tôi về thăm vùng nhãn chín muộn nổi tiếng của huyện Hoài Đức. Dọc các xã ven đê sông Đáy như An Thượng, Đông La, Vân Côn... những vườn nhãn muộn đang vào mùa thu hoạch. Nào xe sọt, xe thồ của dân buôn vào tận vườn để cắt; các xe ô tô chờ "ăn hàng" tạo nên không khí náo nhiệt.

Ông Trần Văn Bảy ở thôn Ba Lương, xã Song Phương cho biết, trước đây vườn của ông trồng cam Canh nhưng hiệu quả thấp do bị sâu bệnh nhiều. Từ khi cán bộ khuyến nông phổ biến trồng nhãn chín muộn, ông mạnh dạn phá bỏ cam chuyển sang trồng 2.000 gốc (lấy giống từ xã Đại Thành), hiện mới thu hoạch vụ thứ 2, mỗi cây cũng cho 7 - 8 kg quả, bán được 35 -40 ngàn đồng/kg, lãi gấp 2 - 3 lần trồng cam.

Ông Cao Minh Tuyến, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, nhờ trồng nhãn chín muộn mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện. Hiệu quả kinh tế khi tham gia mô hình thâm canh nhãn chín muộn tăng từ 20 đến 25%. Thu nhập bình quân ước đạt 700 triệu đồng/ha.

Để giúp bà con trong khâu phát triển SX và tiêu thụ sản phẩm, năm 2011 huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Huyện hội SX và kinh doanh nhãn chín muộn” trên diện tích 125 ha với 57 hội viên tham gia, đồng thời đăng ký thương hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức”. Đến nay toàn huyện ước có trên 200 ha nhãn chín muộn, sản lượng dự kiến 2.000 tấn sẽ có nguồn thu hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành là chủ nhân cây nhãn tổ (HTM1) hơn 120 năm tuổi cho biết, gia đình ông còn có vườn nhãn 7.000 m2, trồng 120 gốc, mỗi năm cho thu hoạch từ 30 - 35 tấn quả, với giá bán trung bình 30 - 35 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng. Mùa thu hoạch nhãn Đại Thành muộn hơn nhãn chính vụ khoảng 1 tháng, vào khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới cuối tháng 9, khi các loại nhãn khác đã hết mùa.

Về chất lượng, quả nhãn ở đây ngon không kém nhãn lồng Hưng Yên, thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn, chất lượng không hề bị giảm nên người nông dân có thể chủ động trong thu hái.

HTM1 là giống nhãn chín muộn được chọn tạo từ cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi ở xã Đại Thành. Cây sinh trưởng khỏe, tán hình bán cầu, lá xanh đậm, ít bóng, mép lá lượn sóng. Quả to (90 quả/kg), màu vàng sáng, mỏng vỏ, hay bị vẹo, tỷ lệ phần ăn được đạt 67,5%, độ Brix 21,9%, đường tổng số 16,5%, axit tổng số 0,12%, chất khô đạt 20,3%.

Cùi dày có màu trắng trong, ăn giòn, nhiều nước, thơm, được nhiều người ưa chuộng. Năng suất trung bình đạt 300 kg/cây ở độ tuổi 8 năm. Đây là giống chín muộn nhất trong các giống nhãn miền Bắc, thời gian cho thu hoạch từ 1 - 20/9.

HTM2 được tuyển chọn từ cây nhãn biến dị đột biến 16 tuổi (năm 2001) của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, thôn Phương Viên, xã Song Phương. Cây phân cành nhiều, lá xanh đậm hơn giống HTM1, lá dài, hẹp, đầu lá nhọn. Quả to và thưa, sẫm màu, cùi dày, ăn giòn, dai và tương đối khô. Thời gian cho thu hoạch từ đầu tháng 9. Năng suất bình quân đạt 43 - 47 kg/cây ở độ tuổi 5 năm.

 

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.