Nhắc tới chuyện khởi nghiệp với ca cao, bà Nguyễn Thị Chim Lang, CEO của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vũng Tàu (Baria Chocolate) cho biết, bà nguyên là Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau khi về hưu, bà làm hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là cơ hội để bà tham gia các nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu về những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đây là cơ duyên để bà đến với cây ca cao.
Nhận thấy cây ca cao rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu tiêu thụ ca cao ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang có xu hướng tăng lên, ca cao Việt Nam lại được đánh giá cao về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, bà Chim Lang đã suy nghĩ và quyết tâm đầu tư trồng ca cao. Đến nay, Baria Chocolate đã có một trang trại trồng ca cao với diện tích 10ha ở huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong mười mấy năm qua, bà Chim Lang và các cộng sự đẩy mạnh nghiên cứu nhằm giúp cây ca cao không chỉ phát triển tốt hơn ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn phát triển trên quy mô cả nước, ở những vùng có thổ nhưỡng khác nhau, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng của hạt ca cao Việt Nam.
Không dừng ở đó, thời gian qua, Baria Chocolate còn đẩy mạnh nghiên cứu, chế biến hạt ca cao ra những sản phẩm cuối cùng như sô cô la thành phẩm, bột ca cao, trà ca cao.
Bà Chim Lang chia sẻ: “Giá trị gia tăng nằm ở những sản phẩm cuối. Tại sao mình có chất xám lại không làm các sản phẩm cuối thay vì chỉ bán hạt ca cao thô? Giá trị gia tăng không nằm ở hạt thô. Do đó, từ hàng chục năm qua, nông dân Việt Nam vất vả sản xuất ra hạt ca cao nhưng lại không được hưởng giá trị gia tăng. Vì vậy, tôi muốn xây dựng nhà máy để sản xuất các sản phẩm giá trị cao từ hạt ca cao, qua đó xây dựng thương hiệu và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ca cao Việt Nam”.
Bà Chim Lang cho biết, đến nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vũng Tàu đã bước đầu xây dựng thành công thương hiệu Baria Chocolate với các sản phẩm sô cô la thành phẩm, bột ca cao… Hiện nay, đã có đối tác từ Singapore làm việc với Công ty về bột ca cao, sô cô la các loại.
Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Chim Lang, để bán các sản phẩm cuối cùng từ hạt ca cao mang thương hiệu của doanh nghiệp cho các khách hàng nước ngoài không phải là chuyện dễ dàng. Khách hàng nước ngoài vẫn chỉ muốn doanh nghiệp Việt Nam cung ứng ca cao nguyên liệu, ca cao bán thành phẩm hoặc làm OEM (Original Equipment Manufacturer - cung ứng sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác) cho họ mà chưa sẵn sàng mua sản phẩm thành phẩm mang thương hiệu của Việt Nam.
Trước những yêu cầu đó của khách hàng, bà Chim Lang đã từ chối vì khi xây dựng thương hiệu, bà không hướng tới việc chỉ để bán hạt cao cao, mà phải là những sản phẩm cuối cùng.
Bà Chim Lang khẳng định, muốn xây dựng thương hiệu cho ca cao Việt Nam thì phải bán các sản phẩm cuối cùng, sản phẩm mang thương hiệu của chính Công ty.