Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vũng Tàu (Baria Chocolate) là một trong những doanh nghiệp đang quan tâm, đẩy mạnh xây dựng vùng ca cao nguyên liệu. Hiện Baria Chocolate đã đầu tư xây dựng một trang trại trồng ca cao với diện tích 10ha ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), trong đó có một phần diện tích đang được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Chim Lang, CEO của Baria Chocolate cho biết, bà rất quan tâm xây dựng nguồn nguyên liệu ca cao dù biết đầu tư vào công việc này rất tốn kém, vất vả. Bà chia sẻ: “Tôi có tham vọng xây dựng thương hiệu cho ca cao Việt Nam. Ca cao Việt Nam ngon như thế nhưng vì sao mình lại không xây dựng thương hiệu?”.
Để xây dựng được thương hiệu, Baria Chocolate phải có nguồn nguyên liệu chủ động nhằm kiểm soát được chất lượng, được khách hàng chấp nhận. Nếu chỉ đi thu mua nguyên liệu, khách hàng cũng có thể chấp nhận nhưng ca cao của doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được những yêu cầu cao hơn của khách hàng, chẳng hạn yêu cầu về ca cao hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Chim Lang nhấn mạnh, để có ca cao hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp càng không thể không xây dựng vùng nguyên liệu. Vì có vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp mới có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài 10ha ca cao hiện tại, Baria Chocolate đang hi vọng có thể mở rộng diện tích trồng ca cao của Công ty trong thời gian tới khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có chủ trương chuyển đổi những diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nhất là những cây trồng có thế mạnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có cây ca cao.
Hợp tác xã Ca cao Châu Đức hiện cũng đang tiến hành liên kết với doanh nghiệp và nông dân để từng bước xây dựng vùng ca cao nguyên liệu trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã Ca cao Châu Đức cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân, qua đó giúp nông dân có kiến thức, kỹ năng cần thiết về bón phân, tưới nước, tỉa cành, tạo tán … để tăng năng suất, sản lượng ca cao.
Theo ông Đức, trước đây, nhiều nông hộ chỉ mong bán được trái ca cao tươi với giá 8.000 đồng/kg. Để nông dân yên tâm gắn bó với cây ca cao, Hợp tác xã Ca cao Châu Đức không chỉ mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác ca cao cho nông dân mà còn tiến hành thu mua trái ca cao tươi với giá cao hơn thị trường.
Hiện nay, Hợp tác xã đang mua trái ca cao tươi với giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Hợp tác xã còn cam kết thu mua hết sản lượng ca cao tươi của nông dân, không để nông dân phải tự tiêu thụ sản phẩm với giá cả không ổn định.
Để tạo đầu ra ổn định cho ca cao ở Châu Đức, Hợp tác xã Ca cao Châu Đức đã liên kết với các công ty như Marou, Puratos… với mục tiêu giúp nông dân tiêu thụ hết sản lượng ca cao với giá tốt. Từ khi có sự liên kết với doanh nghiệp, có đầu ra và giá bán ổn định, nhiều nông dân ở Châu Đức đã yên tâm đầu tư cho cây ca cao để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.