| Hotline: 0983.970.780

Đọc sách có ích gì cho mỗi người? [Bài 2]: Thị trường xuất bản đang lãng quên ai?

Thứ Tư 19/04/2023 , 14:01 (GMT+7)

Thị trường xuất bản Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, với sự nhộn nhịp của các hội sách ở đô thị, nhưng độc giả nông thôn dường như bị lãng quên.

Thành tựu công nghệ in mang lại những ấn phẩm hoàn mỹ về hình thức.

Thành tựu công nghệ in mang lại những ấn phẩm hoàn mỹ về hình thức.

Thị trường xuất bản nước ta sau khi được xã hội hóa bằng quy chế cho phép các công ty tư nhân tham gia vào quá trình làm sách, thì có thêm một cú hích là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường xuất bản nước ta vẫn khá khiêm tốn, nếu nhìn vào con số doanh thu.

Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiết lộ, với nhiều nỗ lực kích hoạt từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ đọc của người Việt tăng khoảng 12%. Cụ thể, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ loanh quanh 4,1 đầu sách/ người/ năm.

Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản nước ta tung ra trên dưới 400 triệu bản sách, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã chiếm hơn 300 triệu bản sách. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 100 triệu dân, thì mỗi người chỉ đọc tròm trèm 1 cuốn sách/ năm. Dù muốn dù không, vẫn phải thừa nhận sức đọc của người Việt rất thấp.

Cho nên, không có gì khó hiểu, khi Malaysia có dân số bằng 1/3 nhưng doanh thu ngành sách gấp 4 lần Việt Nam, khi Thái Lan có dân số bằng 1/2 nhưng doanh thu ngành sách gấp 5 lần Việt Nam. Đáng nể hơn, Hàn Quốc có dân số cỡ phân nửa Việt Nam nhưng doanh thu ngành sách của Hàn Quốc gấp 52 lần Việt Nam.

Những dữ liệu không có gì mang tính bí mật thương mại ấy, khiến những ai thiết tha đời sống tinh thần người Việt đều cảm thấy hỗ thẹn. Sự ra đời của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một thái độ đúng đắn và cần thiết. Năm nay, quy mô Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở TP.HCM mở rộng đến 15 quận, huyện để khuyến khích mọi người cùng đọc sách, cùng tham gia truyền tải những giá trị của sách.

Khu vực trung tâm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, được TP.HCM triển khai tại Công trường Công xã Paris và Đường sách Nguyễn Văn Bình với 80 hoạt động giao lưu của 30 đơn vị xuất bản, đồng thời giới thiệu 30 ngàn tựa sách mới kèm theo chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Chưa thể so sánh với một đô thị có công chúng hăng hái góp mặt trong các sự kiện cộng đồng như TP.HCM, các địa phương khác cũng đầu tư cho Ngày Sách và Văn hóa học Việt Nam tương đối bài bản như Hải Phòng, Đắk Lắk, Phú Yên, Tiền Giang...

Hòa vào không khí chung Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, lực lượng quân đội có thông điệp “Sách - Tri thức, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ người chiến sĩ”, còn lực lượng công an có thông điệp “Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo, xây dựng Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Có lẽ không thừa để khẳng định thêm một lần nữa, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ làm đòn bẩy hiệu quả cho tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất bản nước ta. Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của ngành sách, chỉ là dấu hiệu khởi đầu, chứ chưa phải yếu tố quyết định để xây dựng văn hóa đọc. Khái niệm văn hóa đọc không căn cứ vào ý nguyện một lĩnh vực hoặc một nhóm người, mà được xét trên bình diện quốc gia. Văn hóa đọc phải được hình thành ở từng cá nhân theo các tiêu chí cơ bản, bao gồm thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách.

Hiện nay, văn hóa đọc đã được sự quan tâm từ những cấp lãnh đạo, thể hiện qua luật hoặc văn bản dưới luật và các chính sách bổ trợ khác. Để phát triển văn hóa đọc thì trách nhiệm trực tiếp của những người làm sách và những người bán sách như thế nào?

Với tư cách giám đốc Đường sách TP.HCM, ông Lê Hoàng bày tỏ: “Tôi luôn đau đáu chuyện kinh doanh xuất bản phẩm. Chúng ta phải thay đổi sao cho từ chú giữ xe, chị tiếp tân đến đội ngũ biên tập viên đều chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Chúng ta chưa phát huy phương châm cao nhất là bán cái người ta cần mua chứ không phải cái chúng ta muốn. Phương châm này ai cũng biết nhưng phát huy đến mức cao nhất thì chưa”.

Sách được xác định là một loại hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào top sách bán chạy sẽ ít nhiều nhận diện được thực trạng của văn hóa đọc. Ở vài hội sách tại TP.HCM, ngoài tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm dành cho tuổi mới lớn, thì có những cuốn sách bán chạy gần đây như “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”. “Có một ai đó đã đổi thay”, “Hôm nay người ta nói chia tay”...

Khi thị trường xuất bản chạy theo thị hiếu thì sách ngôn tình thống lĩnh diện mạo văn hóa đọc, giống như gameshow tung hoành màn ảnh truyền hình. Cái nào trẻ trung dễ nhớ, dễ thuộc thì cái đó thắng. Và tâm lý độc giả thích tương tác với tác giả như những hotboy, hotgirl chứ không cần tư tưởng cốt lõi trong trang sách.

Khuynh hướng bạn đọc chú trọng tương tác vui vẻ trên mạng và ngoài đời, hơn là tìm thấy giá trị tốt đẹp trên từng trang sách, cho thấy lỗi không phải ở người trẻ hoặc ở tác giả, mà lỗi cũng nằm ở người làm sách. Họ chỉ làm sách vì lợi nhuận, thậm chí hùa theo trào lưu để mưu cầu lợi nhuận. Phải nói thẳng, hiện nay chúng ta khan hiếm trầm trọng diễn đàn đích thực về văn hóa nghệ thuật.

Độc giả muốn tìm hiểu về cuốn sách hay cũng không biết phải gõ cửa chốn nào. Những trang báo bị thu hẹp lại không còn mảng điểm sách, nhường chỗ cho showbiz thì dẫn đến thảm cảnh đó là điều đương nhiên. Ngoài ra, thị trường xuất bản cũng thiếu vắng những người dám nhận định rạch ròi về chất lượng của từng cuốn sách, mà chỉ thấy những lời rao bay bổng của các nhân viên tiếp thị trình độ thường thường bậc trung.

Những cuốn sách thiếu nhi được in ấn trang nhã vẫn còn xa tầm tay trẻ em nông thôn.

Những cuốn sách thiếu nhi được in ấn trang nhã vẫn còn xa tầm tay trẻ em nông thôn.

Đánh giá một cách sòng phẳng, mẫu mã các loại sách càng ngày càng đẹp. Thành tựu công nghệ in mang lại những ấn phẩm hoàn mỹ về hình thức. Số người mua sách để trang trí không hề thua kém số người mua sách để thưởng thức. Nếu chơi sách là một thú vui tao nhã đối với một bộ phận người dân đô thị, thì đọc sách lại là một nhu cầu xa xỉ đối với phần lớn người dân nông thôn.

Ngắm nhìn hàng ngàn tựa sách hay hàng vạn bản sách đua nhau khoe sắc ở hội sách nơi đô thị, càng thấy băn khoăn cho văn hóa đọc. Bao giờ những người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, mới có hội sách dành cho họ, giống như hội chợ hàng tiêu dùng mà các doanh nghiệp nô nức đăng cai? Kênh phân phối sách cho nông thôn đang tắc nghẽn ở đâu? Vì sao những cuốn sách không về đến từng xóm từng ấp, thuận tiện và dễ dàng như những gói mì tôm, những chai nước ngọt?

Đành rằng, dăm người dân nông thôn bây giờ có thể lên mạng để liên hệ các nhà sách online, nhưng chi phí vận chuyển và giá sách vẫn quá cao so với túi tiền của bà con lam lũ quanh năm trông chờ vào sự thu hoạch quả cà, cân thóc từ mảnh ruộng góc vườn.

Muốn xây dựng văn hóa đọc, tại sao không có những đợt khuyến mãi lớn hoặc những đợt quyên góp sách cho nông thôn? Thị trường xuất bản đang lãng quên khách hàng sau lũy tre làng, dù ai cũng thấu hiểu rằng, những người đang thua thiệt về điều kiện sinh hoạt cũng chính là những người đang khao khát đọc sách để hướng tới ánh sáng tri thức và cơ hội tương lai.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.