Dòng người di tản về quê đã bùng phát sau khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Dòng người di tản sau mấy tháng nhọc nhằn ứng phó tình trạng giãn cách nghiêm ngặt chống dịch, đã không còn đủ tài chính và tinh thần để cầm cự ở đô thị. Dòng người di tản đã gom góp tất cả tài sản cuối cùng của họ, để hồi hương trong mệt mỏi và xót xa.
Trước tình cảnh ấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định người dân về quê là nhu cầu chính đáng và yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa đón dòng người di tản.
Dòng người di tản có gì trong hành trang của họ? Nỗi nhớ nhung nơi chôn nhau cắt rốn và nỗi hoang mang số phận lênh đênh. Dòng người di tản trên những chiếc xe máy cũ kỹ và dòng người di tản trên những đôi chân lam lũ, thực sự khiến những ai còn ân nghĩa đồng bào phải nghẹn ngào day dứt.
Không hẹn mà gặp, hai nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Thiều đã cùng cảm tác về dòng người di tản. Nhà thơ Nguyễn Duy sinh năm 1948 và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1958, là hai gương mắt tiêu biểu của hai thế hệ cầm bút nổi trội trên văn đàn Việt Nam. Cả hai ông đều đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Bài thơ “Lắng nghe nước mắt” của nhà thơ Nguyễn Duy và bài thơ “Dấu chân người tha hương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng được viết ngày 9/10/2021. Mỗi người một phong cách, mỗi người một góc độ, nhưng điểm chung của họ là sự sẻ chia ngậm ngùi dành cho dòng người di tản “nước mắt thay giấy đi đường” vì đại dịch Covid-19 “cơn mơ vùi xuống một màu cỏ quê”.
Lắng nghe nước mắt
1.
Về
về
về
về quê!
từng đoàn người lao đi
mưu sinh
từng đoàn người lao về
tị nạn
tị nạn nơi quê hương mình.
2.
Những phận người trôi trên đường xa
gỗ
củi
rều rác
trôi theo dòng lũ quét
ngoái lại mà coi cuộc trôi định mệnh
một dân tộc
trôi
tới Mũi Cà Mau
hết đất
đường thiên lý đầm đìa
máu
mồ hôi
nước mắt.
3.
Những cuộc chạy marathon truyền đời
thời xa lắc gọi chung là chạy loạn
tản cư
di cư
sơ tán
di tản
ngôn ngữ mỗi thời cải tiến cải lui
nôm na vẫn là… chạy
chạy giặc ngoại xâm
chạy anh em ruột thịt.
4.
Đại dịch này chạy Trời
thiên binh siêu hình
không nhìn thấy
không cảm thấy
ai xe máy rồ máy
ai xe đạp cọc cạch đạp
ai không xe lê bàn chân Giao Chỉ
lê dân = dân lê
tháo chạy phiêu lưu ký
nước mắt thay cho giấy đi đường.
5.
Nước mắt
chập trùng tuôn
nước mắt
người kiệt sức xin ăn
nước mắt
dấu chân in máu
nước mắt
trẻ sơ sinh đùm trong bọc áo
nước mắt
mẹ khóc con lưu thai
nước mắt
ngôi mộ ai đắp điếm sơ sài
nước mắt
lá lành thương lá rách
nước mắt
xăng không đồng cơm miễn phí
lê thê ngàn dặm về quê
nước mắt trơn như dầu nhớt.
6.
Nước mắt với hậu kỳ nước mắt
động trời cuộc chỉnh đốn lương tri?
nước mắt mưa tắm gội tâm hồn?
nước mắt cuốn trôi mặt nạ?
hỡi ai kinh niên chai lì cảm xúc
mãn tính dửng dưng mặc kệ sự đời
hỡi kẻ hành nghề hút máu uống mồ hôi
phút tử sinh vẫn mưu mánh ăn người
hãy yên lặng lắng nghe
nước mắt
hãy cúi đầu lắng nghe
nước mắt
hãy nghiêm cẩn lắng nghe
nước mắt!
Dấu chân người tha hương
(Gửi những người đi bộ về quê)
Đêm qua gió tự chân trời
Mang theo tiếng khóc bời bời cố hương
Bước chân đau mọi ngả đường
Tha phương rồi lại tha phương kiếp người
Đêm qua mộng mị khóc cười
Nhân gian gặt một vụ Mười buồn đau
Người đi bóng đổ nát nhàu
Cơn mơ vùi xuống dưới màu cỏ quê
Đêm qua tiếng trẻ trong mê
Gọi tên cha mẹ đã về... cổ xưa
Bỗng trời đổ một cơn mưa
Con đò Tây Trúc cũng vừa sang sông
Và tôi thức đến rạng đông
Lòng như trẻ lạc mênh mông con đường
Dấu chân cầu thực tha phương
In trên cả bốn bức tường phòng tôi.