| Hotline: 0983.970.780

Dự kiến đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng

Thứ Ba 19/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Quốc hội xem xét về sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, dự kiến đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Ảnh: Phan Hoàng Nam.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Ảnh: Phan Hoàng Nam.

Dự kiến áp thuế VAT 5% với phân bón

Ngày 18/12, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó Chính phủ đề xuất sửa đổi 4 nhóm chính sách lớn là thu hẹp đối tượng không chịu thuế, chịu thuế 5%; sửa đổi các quy định để ngăn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, trốn thuế...

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam.

Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn.

Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm.

Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.

Từ thực trạng này, theo các chuyên gia, quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tới đây, cần đưa phân bón vào diện chịu thuế với thuế VAT với thuế suất 5%.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc áp thuế VAT 5% với phân bón  vừa không làm tăng giá thành sản phẩm, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón trong nước.

Khi đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với thuế suất 5%, cần sửa đổi các quy định về hoàn thuế cho đồng bộ để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp. Thực tế đã có doanh nghiệp nộp thuế “âm” qua nhiều năm (do thuế VAT đầu vào là 5%, thuế VAT đầu ra là 10%) nhưng không được hoàn thuế do không thuộc diện được hoàn thuế.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý về thuế VAT với phân bón

Phát biểu tại phiên họp, về Luật Thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói ông băn khoăn nhất về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với nông sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này.

Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế giá trị gia tăng; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này.

Vấn đề nữa cũng cần quan tâm ở lần sửa đổi này, theo ông Vương Đình Huệ là về thuế giá trị gia tăng của thủy điện, nếu phân bổ thuế là không đúng bản chất. Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cần được rà soát để sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế.

Mặt khác, quy định về thuế giá trị gia tăng nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhất là đối với luật về thuế. Hoàn thuế giá trị gia tăng cũng là vấn đề cần được quan tâm, thuế giá trị gia tăng là nội dung phức tạp vô cùng, cần nhìn thẳng vào các vấn đề để rà soát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Theo Tổng cục Thuế, các hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích là bán hóa đơn giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khác, tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.