
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN.
Chiều 28/3 tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Tại chương trình gặp mặt, các đại biểu đánh giá cao các chế độ chính sách rất thiết thực, nhân văn của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Với các vấn đề thời sự gần đây, các đại biểu đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời dành sự ủng hộ lớn với các quyết sách lớn gần đây liên quan đến chuyển đổi số, đầu tư cho khoa học công nghệ, phong trào "học tập suốt đời"... nhằm đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu tại chương trình gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cống hiến, hy sinh của các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu cho sự nghiệp chung của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 18 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng, không cầu toàn nhưng không nóng vội, không được để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ.
Các bước đi, lộ trình được thực hiện bài bản, bảo đảm đúng nguyên tắc, điều lệ của Đảng, quy định, định hướng theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc sắp xếp bộ máy, hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học và nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, cụ thể thế nào tới đây Trung ương, Quốc hội sẽ quyết theo thẩm quyền. Nhưng dự kiến chúng ta sẽ cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh thành phố và xã, phường.
Dự kiến ban đầu sẽ có 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Không tổ chức cấp huyện và sẽ có khoảng 5.000 cấp xã, phường.
Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu cán bộ phải gần, sát với dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tới đây chúng ta cũng phải nghiên cứu để quy định rõ Trung ương làm gì, chính quyền cấp tỉnh, thành phố làm gì, cấp xã, phường làm gì.
Theo Tổng Bí thư, với mô hình chính quyền 3 cấp thì cấp xã là cấp quan trọng nhất, rất khác so với hiện nay. Theo Tổng Bí thư, với mô hình 4 cấp như hiện nay thì cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, mà những việc này giao cho huyện, tỉnh lo.