Ngày 2/4 (rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng với 180 nền kinh tế. Mục đích là nhằm giải quyết thâm hụt thương mại lớn, bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia, đồng thời tái thiết ngành sản xuất trong nước.
Một mức thuế 10% sẽ được áp dụng chung cho tất cả quốc gia từ ngày 5/4. Các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.
Việt Nam, do thâm hụt thương mại lớn với Mỹ và mức thuế tối huệ quốc (MFN) cao hơn, sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 46% vào Mỹ theo chính sách thuế quan tương hỗ mới của Tổng thống Trump.

Việt Nam chịu mức thuế 46%, cao hơn nhiều nước xuất khẩu thủy sản cạnh tranh khác như: Thái Lan (36%), Ấn Độ (26%), Indonesia (32%), Ecuador (10%)… Ảnh: Hồng Thắm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, một số hàng hóa sẽ không phải chịu mức thuế đối ứng. Đó là các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép, nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232.
Ngoài ra còn có các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ; và tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai. Bên cạnh đó còn có vàng thỏi, năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.
Các nhóm hàng chịu tác động bao gồm: Thủy sản, nhựa, cao su, giấy, bột giấy, dệt may, giầy dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, máy móc thiết bị, điện tử…
Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, sắc lệnh thuế lần này phản ánh quan điểm nhất quán của chính quyền Mỹ khi coi thâm hụt thương mại không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là tình trạng khẩn cấp quốc gia, đe dọa an ninh và đời sống người dân. Các mức thuế sẽ duy trì đến khi Tổng thống Trump đánh giá mối đe dọa này đã được giải quyết hoặc giảm thiểu.
Chia sẻ về các giải pháp ứng phó trong bối cảnh này, ông Hưng cho rằng, chúng ta cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như: Các hiệp định TIFA (Hiệp định khung về thương mại và đầu tư), BTA (Hiệp định thương mại song phương)...
Bên cạnh đó, theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cần cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược phía Mỹ có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu cũng như thị trường Mỹ có nhu cầu, tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm.
Đồng thời, kiểm soát chiến lược kinh doanh khi xuất khẩu sang Mỹ để tránh tăng đột biến. Khai thác hiệu quả và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tận dụng các FTA Việt Nam đã ký kết với các nước, tạo đà và động lực tăng trưởng xuất khẩu.