| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông nghiệp, đòn bẩy phát triển nông thôn Bình Định

Thứ Năm 19/10/2023 , 08:56 (GMT+7)

Những năm gần đây, ngành du lịch ở Bình Định phát triển mạnh. Nương theo đó, Bình Định xác định phát triển du lịch nông nghiệp là đòn bẩy trong phát triển nông thôn mới.

Du lịch là đòn bẩy

Bình Định phát triển du lịch nông nghiệp dựa vào tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm, mô hình, tour, tuyến du lịch nông nghiệp, nhất là đối với các địa phương phía Bắc và phía Tây của tỉnh. Ví như vùng chè Gò Loi, bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân; rừng dừa Tam Quan ở thị xã Hoài Nhơn; làng bí đao khổng lồ ở huyện Phù Mỹ; làng đồng bào, thung lũng ruộng bậc thang, đồi sim ở huyện An Lão; vườn rau sạch, vườn đào ở huyện Vĩnh Thạnh; vùng rau an toàn ven sông Kôn ở huyện Tây Sơn…

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với hình thành chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đó là động lực tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, liên kết ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả với khu vực đô thị.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bình Định gắn với đặc trưng văn hóa các vùng miền. Ảnh: V.Đ.T.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bình Định gắn với đặc trưng văn hóa các vùng miền. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện đồng bộ ở Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề truyền thống, nông trại, khu sinh thái. Du lịch nông nghiệp được Bình Định xác định là động lực thúc đẩy cho tiến độ xây dựng nông thôn mới bền vững. Du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm, mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Bình Định trong thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, chưa có chiều sâu và thiếu cách làm bài bản; thiếu quy hoạch kết nối; các sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính độc đáo chưa nhiều. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp. Sự phối hợp của các ngành, các cấp trong phát triển du lịch nông nghiệp chưa đồng bộ.

Phát triển du lịch cộng đồng

Từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Bao gồm đề án phát triển du lịch cộng đồng thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng) ở thành phố Quy Nhơn đến năm 2025; đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đây là cơ sở, là nền tảng để các ngành phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng đến phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch cộng đồng ở Bình Định đã bước đầu phát triển ở các xã, phường khu vực ven biển thành phố Quy Nhơn như Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng. Đồng thời, hình thành được chương trình du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp tham quan làng nghề...

Du lịch cộng đồng ở Bình Định bước đầu phát triển ở các xã, phường khu vực ven biển. Ảnh: V.Đ.T.

Du lịch cộng đồng ở Bình Định bước đầu phát triển ở các xã, phường khu vực ven biển. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều người dân làng chài Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) chia sẻ: Phát triển du lịch ở xã Nhơn Lý đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi tham gia các dịch vụ phục vụ. Phát triển du lịch đã tạo động lực cho người dân làng chài mạnh dạn đầu tư nhà hàng, phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch biển để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, trong thời gian qua đã quan tâm khai thác thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn. Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT thị xã An Nhơn, trong thời gian tới, địa phương này tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống như làng rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc), làng bánh bún An Thái (xã Nhơn Phúc), làng gỗ mỹ nghệ (xã Nhơn Hậu), làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá), làng nghề mai cảnh (xã Nhơn An).

“Thị xã An Nhơn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nơi trưng bày sản phẩm gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề và sản xuất các mặt hàng lưu niệm, quà tặng đặc trưng địa phương giới thiệu đến với khách du lịch”, ông Tô Hồng Phương chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.