| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư ở Thanh Hóa hiệu quả nhưng vẫn nhiều khó khăn

Thứ Tư 09/04/2025 , 09:31 (GMT+7)

Các dự án tái định cư đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều dự án tại Thanh Hóa vẫn vướng mắc vì thiếu quỹ đất.

n định nơi  cho đồng bào

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sắp xếp, ổn định cho 2.255 hộ dân, trong đó có 1.326 hộ tái định cư (TĐC) xen ghép, 599 hộ TĐC liền kề và 300 hộ TĐC tập trung. Đến nay đã tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, ổn định cho 333 hộ theo các hình thức tái định cư xen ghép và tái định cư tập trung.

Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư sau khi được triển khai thực hiện đã ổn định, nâng cao đời sống dân cư, phát triển sản xuất bền vững, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai gây ra. Kinh tế - xã hội các xã miền núi ngày càng phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đầu tư dự án: Khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát với nguồn vốn hơn 15 tỉ đồng, trên diện tích hơn 3 hecta. Mục tiêu giúp người dân đồng bào dân tộc Mông xuống những vị trí thuận lợi để ổn định cuộc sống. Khu tái định cư mới được đầu tư quy mô, đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt tập trung…Mỗi hộ dân được cấp 150m2 đất ở, hỗ trợ tiền dựng nhà và phát triển kinh tế.

Người dân bản Ón chuyển về nơi ở mới, không còn lo nguy cơ sạt lở. Ảnh: Thanh Tâm

Người dân bản Ón chuyển về nơi ở mới, không còn lo nguy cơ sạt lở. Ảnh: Thanh Tâm

Bản Ón, xã Tam Chung có 95% hộ nghèo và cận nghèo, cao nhất của huyện Mường Lát. Nhiều hộ dân ở trên rẻo núi cao, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Sau khi được nhà nước quan tâm đầu tư khu tái định cư tập trung, 42 hộ dân đồng bào dân tộc Mông phấn khởi chuyển nhà về nơi ở mới, ổn định cuộc sống tập trung phát triển kinh tế.

Khu TĐC bản Ón bố trí nơi ở ổn định cho 42 hộ dân. Ảnh: Thanh Tâm

Khu TĐC bản Ón bố trí nơi ở ổn định cho 42 hộ dân. Ảnh: Thanh Tâm

Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Ón, Giàng A Chống cho hay: Phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc Mông thường thích ở trên núi cao hoặc những nơi biệt lập. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao. Việc giao thương với bên ngoài của đồng bào thường rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền đã rà soát, lên phương án di dời 42 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở bằng phẳng, tập trung. Bà con rất phấn khởi, vừa an toàn về tính mạng và thuận lợi trong việc đi lại.

Thời điểm tháng 10/2021 để vào Khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn chỉ có một con đường độc đạo bám theo sườn núi, nhiều đoạn hai chiếc xe máy phải dừng mới tránh nhau được, khi mưa lớn người dân sẽ bị cô lập. Thời điểm đó, có 24 hộ, 122 nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, phập phồng lo âu khi nguy hiểm luôn chực chờ. Nhà của nhiều hộ dân, chỉ cách suối Khà chừng 20 mét, mỗi khi mưa lớn, suối Khà trở nên hung dữ.

Năm 2022 dự án khu tái định cư Co Hương thực hiện đã bố trí đất ở cho 36 hộ, trong đó chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng là 300 triệu đồng/1 hộ dân. Chính sách hỗ trợ dân là 50 triệu đồng/1 hộ. Con đường đất vòng vèo quanh sườn núi nay đã được thay thế bằng con đường bê tông khang trang. Về nơi ở mới, có điện, đường, nhà văn hóa, nước về tận từng nhà. Xe thu mua lâm sản vào tận nơi, nan nứa được giá hơn, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.

Gia đình anh Lò Văn Hiệp có nơi ở mới ổn định, không còn lo mỗi khi mùa mưa bão tới. Ảnh: Thanh Tâm

Gia đình anh Lò Văn Hiệp có nơi ở mới ổn định, không còn lo mỗi khi mùa mưa bão tới. Ảnh: Thanh Tâm

Anh Lò Văn Hiệp, sinh năm 1984 phấn khởi nói: Trước đây ở bên cạnh suối Khà, mỗi lần mưa lớn là phải gửi con về nhà ông bà, lúa ngô trong nhà cũng phải chuyển đi nơi khác. Nếu mưa lớn nhiều ngày cả khu sẽ bị cô lập.  Gia đình tôi vừa chuyển đi được hai tháng, thì nhà cũ cũng bị đất đá tràn vào. May mắn được Nhà nước quan tâm, giờ đây gia đình tôi và các hộ khác nữa có mặt bằng đẹp để ở, đầy đủ hạ tầng. Mưa lớn hay bão lũ đã có thể ngủ yên.

Khu TĐC Co Hương có hạ tầng khang trang. Ảnh: Thanh Tâm

Khu TĐC Co Hương có hạ tầng khang trang. Ảnh: Thanh Tâm

Việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các địa phương. Đời sống của các hộ dân dần được ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Khó khăn vì địa hình và quỹ đất hẹp

Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án tái định cư ở các huyện miền núi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu do đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí tái định cư đảm bảo an toàn càng khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế. Nhiều vị trí dự kiến bố trí tái định cư cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư lớn.

Đa số các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai đang sinh sống trong khu vực vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, quỹ đất ở rất ít, chủ yếu là đất lâm nghiệp, trong khi đời sống kinh tế còn nghèo nên khó khăn khi tự mua đất ở tái định cư, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Ông Lê Bá Lương, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Về bố trí tái định cư xen ghép đa số các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự tìm kiếm quỹ đất để thực hiện di chuyển còn khó khăn.

Về thực hiện các Dự án tái định cư tập trung, liền kề quá trình triển khai thực hiện, một số dự án đã gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ thực hiện, như: Địa hình các huyện miền núi bị chia cắt mạnh, có độ dốc lớn; quỹ đất ở hạn chế; khối lượng san lấp lớn; chi phí xây dựng cao; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chưa đủ để đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư.

Cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương; các cơ chế chính sách, chương trình, dự án của tỉnh cũng đã được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức về phát triển sản xuất, ổn định đời sống dân cư đối với đồng bào dân tộc miền núi.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Hòa Phong về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu

PHÚ YÊN Sau nhiều năm nỗ lực, xã Hòa Phong đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tôn vinh 100 HTX tiêu biểu và trao giải ngôi sao HTX 'Coop Star Awards'

100 HTX tiêu biểu sẽ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tôn vinh vào 19h30 ngày 11/4 tại Nhà hát Quân đội, quận Cầu Giấy, Hà Nội.