| Hotline: 0983.970.780

Đua nhau mua, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone rất nguy hiểm

Thứ Năm 03/06/2021 , 18:32 (GMT+7)

Việc triển khai áp dụng drone phun thuốc BVTV cần có nghiên cứu, hướng dẫn khoa học, áp dụng từng bước. Để người dân đua nhau mua, đua nhau phun sẽ rất nguy hiểm.

Nói drone giúp tiết kiệm thuốc BVTV là không chính xác

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV đang được nông sử dụng ngày càng nở rộ, bởi nông dân thấy cái lợi là công suất phun lớn, giảm chi phí công lao động, giảm tiếp xúc với thuốc BVTV…

Việc sử dụng drone phun thuốc BVTV mới chỉ chú trọng vào công suất phun, hiệu quả kinh tế mà chưa có nghiên cứu yếu tố kỹ thuật. Ảnh: TL.

Việc sử dụng drone phun thuốc BVTV mới chỉ chú trọng vào công suất phun, hiệu quả kinh tế mà chưa có nghiên cứu yếu tố kỹ thuật. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV cần phải có những căn cứ, hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trên cơ sở khoa học, chứ không vì những cái lợi nhìn thấy trước mắt mà khuyến khích mở rộng ồ ạt.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, từ năm 1995, Viện Bảo vệ thực vật đã từng thử nghiệm sử dụng thiết bị phun thuốc BVTV của Nhật Bản đưa sang. Thiết bị này dù chưa phải là thiết bị tự động như drone, nhưng cũng khá tương đồng về nguyên tắc sử dụng, đó là nguyên tắc nén, tạo sóng áp lực cao để xé nhỏ thuốc BVTV.

Phương pháp này chỉ sử dụng duy nhất thuốc BVTV mà không cần phải pha loãng thêm nước. 1 kg thuốc BVTV dạng bột hoặc 1 lít thuốc BVTV dạng SC (huyền phù đậm đặc) có thể phun cho 1ha.

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm, Viện Bảo vệ thực vật đã kết luận không thể sử dụng phương pháp phun thuốc BVTV bằng thiết bị này.

Thời gian qua, một số đơn vị cũng đã có những thử nghiệm, đánh giá ban đầu đối với việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV, và cũng đã có một số báo cáo về phương pháp này.

Tuy nhiên, các báo cáo mới chỉ chủ yếu tập trung vào đánh giá về công suất phun, thuốc phun, hiệu quả kinh tế khi áp dụng drone mà chưa có báo cáo nào đề cập tới yếu tố kỹ thuật khi sử dụng drone.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định không có cơ sở khoa học để nói rằng sử dụng drone giúp tiết kiệm được thuốc BVTV. Ảnh: TL.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định không có cơ sở khoa học để nói rằng sử dụng drone giúp tiết kiệm được thuốc BVTV. Ảnh: TL.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng khẳng định, một số thông tin quảng cáo về việc sử dụng drone có thể tiết kiệm được thuốc BVTV cũng không có cơ sở và không chính xác. Ví dụ có thông tin nói trước đây phun thuốc BVTV bằng phương pháp truyền thống, pha loãng, trong khoảng thời gian 35 phút chỉ phun được 30 lít, bây giờ sử dụng drone, trong 35 phút mà phun được những 50 lít thì suy ra lượng thuốc BVTV giảm được 1/3!?

Cách nói này là không hề có cơ sở. Bởi dù phun bằng phương tiện gì, tốc độ nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là cần một lượng thuốc bao nhiêu thì mới có thể tiêu diệt được quần thể sinh vật gây hại, đây là con số cần thiết không thể thay đổi.

Việc sử dụng drone với lượng nước pha ít, đậm đặc hơn có thể giảm được lượng nước phun, đồng thời nó có thể vẫn đảm bảo được việc tiếp xúc với sinh vật gây hại để tiêu diệt chúng, nhưng lượng thuốc BVTV cần thiết để tiêu diệt được quần thể sinh vật gây hại/diện tích cây trồng thì không thể thay đổi. Vì vậy nói rằng sử dụng drone có thể tiết kiệm được thuốc BVTV là hoàn toàn không chính xác.

"Hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp lớn, tổ dịch vụ phun thuốc BVTV, mà rất nhiều hộ nông dân cũng đang đầu tư mua drone để sử dụng.

Việc triển khai áp dụng drone trong phun thuốc BVTV cần đi từng bước, chứ để khi người dân đua nhau mua, đua nhau phun, bỏ tiền đầu tư rất tốn kém rồi thì sẽ rất nguy hiểm”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn khuyến cáo.

Cần thêm những nghiên cứu để áp dụng drone cho các loại cây trồng khác nhau. Ảnh: TL. 

Cần thêm những nghiên cứu để áp dụng drone cho các loại cây trồng khác nhau. Ảnh: TL. 

Cần nghiên cứu kỹ tác động tới môi trường

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, hiện nay, các loại drone rất đa dạng, với nhiều hãng sản xuất, cấu hình khác nhau. Vì vậy, cần phải có những khảo nghiệm, đánh giá có cơ sở khoa học về phương pháp sử dụng, quy trình phun trừ đối với từng dạng thuốc, loại thuốc, trên từng đối tượng sinh vật gây hại, từng đối tượng cây trồng, từng điều kiện thời tiết, địa hình… để có hướng dẫn.

Các loại drone trên thị trường hiện nay có bép phun, công suất phun, thông số kỹ thuật, cấu hình khác nhau. Chẳng hạn sử dụng drone để phun cho rầy trên lúa ẩn sâu dưới gốc lúa thì sẽ khác với phun đối với các loại sâu trên lá; phun cho cây ăn quả thì khác hoàn toàn với phun cho lúa; hay như một số bệnh, bào tử ẩn nấp rất kín, rất khó phun trừ thì quy trình sử dụng sẽ khác hoàn toàn so với phun cho sâu trên lá…

Thứ nữa, cần có những đánh giá về rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường khi sử dụng drone để phun thuốc BVTV. Ví dụ khi phun ở độ cao nào, ở điều kiện thời tiết, nhiệt độ, gió, đặc điểm địa hình… thế nào thì thuốc BVTV sẽ phát tán ra bao xa, để có cơ sở cảnh báo, phòng ngừa, lựa chọn các khu vực được phép sử dụng drone, tránh được các rủi ro ảnh hưởng tới con người và môi trường.

Drone phun thuốc BVTV có thể phù hợp với những khu sản xuất nông nghiệp xa khu dân cư, hoặc trên các đối tượng cây trồng khó phun trừ bằng phương pháp truyền thống như cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, các loại cây ăn quả thân cao trồng tập trung quy mô lớn…

Drone đã bước đầu cho thấy những hiệu quả, thuận lợi khi phun thuốc BVTV trên một số cây trồng, trong đó có cây lúa. Ảnh: TL.

Drone đã bước đầu cho thấy những hiệu quả, thuận lợi khi phun thuốc BVTV trên một số cây trồng, trong đó có cây lúa. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, nó có thể gây ra những rủi ro, ảnh hưởng nếu sử dụng trong các khu vực sản xuất nông nghiệp gần khu dân cư, xen kẽ khu dân cư, hoặc khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Những khu sản xuất nông nghiệp xen kẽ với khu dân cư thì thậm chí cần phải cấm, không được sử dụng drone phun thuốc BVTV.

Điều này cần những nghiên cứu, khảo nghiệm rất khoa học, đưa ra những quy trình, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo, với những con số cụ thể, chứ không thể chung chung, phun cho hết lượng thuốc, hết lượng nước là được.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: Điều 60, khoản 3 của Luật Trồng trọt năm 2018 cũng đã quy định các trang thiết bị phục vụ cho nông nghiệp phải được quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở đây đối với việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV, nó không chỉ đơn giản là phun hết chừng nào thuốc trong bao nhiêu giờ, mà còn bao gồm rất nhiều yếu tố để đảm bảo về mặt kỹ thuật, hiệu lực, hiệu quả trong việc tiêu diệt, phòng trừ được dịch hại, sử dụng theo yêu cầu, khuyến cáo, hướng dẫn, cảnh báo thế nào để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, an toàn cho con người và môi trường…

Giao Cục BVTV sớm triển khai khảo nghiệm

Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ngày 3/6 về công tác quản lý thiết bị bay trong phun thuốc BVTV, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Thời gian qua, Cục BVTV đã nhận được văn bản của nhiều địa phương liên quan tới các quy định, hướng dẫn đối với việc áp dụng sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong trong phun thuốc BVTV . Tuy nhiên, do chưa có những nghiên cứu sâu đủ cơ sở khoa học, nên Cục BVTV chưa có cơ sở để trả lời các địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đồng ý với quan điểm của Cục BVTV và các nhà khoa học về việc cần thiết thời gian tới, giao Cục BVTV sớm triển khai các khảo nghiệm chính quy, tập trung nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng drone trong phun thuốc BVTV, trong đó xác định những cây trồng cần ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu đánh giá sử dụng drone đối với từng loại thiết bị, từng cầu hình máy khi sử dụng cho từng loại thuốc, từng đối tượng cây trồng, trên từng đối tượng sinh vật gây hại nhằm có quy trình phòng trừ thống nhất một cách hiệu quả, an toàn, có cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật để thống nhất hướng dẫn cho các địa phương.

Trên cơ sở đó, Cục BVTV sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT tiến tới ban hành các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo cho các địa phương.

Xem thêm
Phân Bón Cà Mau được vinh danh 'Quản trị vượt lên trên mức tuân thủ'

Ngày 16/11, tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, Phân Bón Cà Mau được vinh danh ở hạng mục Quản trị Công ty và Báo cáo phát triển bền vững.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?