Ngay từ sáng ngày 26/9, những người dân ở tỉnh Bình Định đang ở trong những căn nhà cấp 4, mái lợp tôn cấp tập đổ về các cửa hàng tạp hóa mua những bao nilon to, loại đựng được 50 lít nước, mang về đổ nước vào dằn mái nhà để bão khỏi thốc làm bay tôn.
Những ngày này, hầu như nam nữ thanh niên đã “quên hẳn” cà phê, mới sáng sớm mà chúng tôi thấy trên những mái nhà đã lô nhô những mái tóc ngắn, dài tất bật với công việc cho nước vào bao nilon để dằn mái tôn. Nữ thì vạch miệng bao, nam thì kéo ống dây từ dưới đất lên xả nước vào những chiếc bao nilon.
Nước đầy, phụ nữ chăm chú cột miệng bao, cột xong, nam thanh niên ôm bao nước đi đặt lên những mí tôn trên mái nhà. Có người sợ nước nặng làm bao bể, bọc 2 bao làm 1 mới cho nước vào.
Hoạt động nói trên không chỉ có ở những nhà dân, mà cả Cảng cá Quy Nhơn cũng thực hiện. Sáng 26/9, trên những mái tôn các khu nhà lồng trong cảng cá xuất hiện những thanh niên đang làm công việc kéo ống nước lên cho vào những bao nilon để dằn mái tôn.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, mỗi bao nilon loại đựng 50 lít nước mua 6.000 đồng. Trước đây, đến mùa mưa bão, nhân viên các cảng cá thường dùng bao tải hoặc bao đựng xi măng cho cát vào rồi đưa lên mái nhà dằn cho tôn khỏi bị bão thổi bay. Thế nhưng bao đầy cát mà đưa lên mái nhà rất nặng nhọc, thanh niên trai tráng còn “đứt hơi” nói gì phụ nữ. Nay dùng bao nilon đổ đầy nước dằn mái tôn rất tiện, chỉ cần kéo ống nhựa lên mái nhà, xả vào bao, thế là dằn. Bao nước 50kg nặng chẳng kém những bao cát.
“Trước đây dùn bao cát dằn mái tôn, sau khi bão tan, nhiều người lười biếng không mang xuống cứ để im trên mái tôn. Mỗi khi có mưa nước lại thấm vào bao cát, nước thầm dần xuống mái nhà khiến tôn chỗ ấy lâu ngày sẽ bị mục. Nay dùng bao nilon đổ nước vào dằn, bão qua, leo lên xả hết nước ra, giũ bao nilon sạch sẽ rồi xếp cất, mùa bão năm sau có thể dùng lại”, ông Đào Xuân Thiện chia sẻ.