| Hotline: 0983.970.780

Tại sao bão số 4 duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền

Thứ Hai 26/09/2022 , 14:15 (GMT+7)

Khi vào Biển Đông, bão số 4 bị tác động bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố này đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam.

Bão Noru vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Ảnh: NCHMF.

Bão Noru vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Ảnh: NCHMF.

Bão số 4 sẽ không giảm cường độ khi tiến gần đất liền Việt Nam

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối và đêm qua (25/9), khi đổ bộ vào đất liền Philippines, cường độ của bão Noru đã giảm. Rạng sáng nay (26/9), bão Noru vào Biển Đông trở thành cơn bão số 4 năm 2022 và lại có xu thế mạnh hơn.

"Tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế cập nhật đến sáng nay đều nhận định cường độ cơn bão này là mạnh. Về dự báo quỹ đạo bão khá ổn định, nhưng về cường độ lại rất tiếc không có dự báo nào cho thấy bão giảm cường độ khi tiến gần đất liền Việt Nam", ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Cũng theo ông Khiêm, khi vào Biển Đông, đã có các yếu tố tác động đến cơn bão, trong đó có yếu tố năng lượng là nhiệt lực và động lực. Về nhiệt lực, hiện nay bề mặt nước biển đang rất cao, độ ẩm lớn. Về động lực tạo ra xoáy, hiện nay có gió Tây Nam phía dưới và gió Đông Bắc phía trên. Các yếu tố này đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam.

"Hiện tại chúng tôi đánh giá, bão số 4 có cường độ lớn, đặc biệt khi bão đi qua khu vực Quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt cấp 13-14. Cường độ bão này duy trì khi đi vào vùng biển Quảng Bình đến Ninh Thuận", ông Khiêm nói.

Ông Mai Văn Khiêm phân tích, khi vào Biển Đông, đã có các yếu tố tác động đến cơn bão, trong đó có yếu tố năng lượng là nhiệt lực và động lực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Mai Văn Khiêm phân tích, khi vào Biển Đông, đã có các yếu tố tác động đến cơn bão, trong đó có yếu tố năng lượng là nhiệt lực và động lực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơ quan khí tượng nhận định, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Đây là khu vực vùng biển thoáng, do đó, gió mạnh do bão trên đất liền ven biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 14-15. 

"Chúng ta vẫn còn thời gian đến sáng mai cập nhật các số liệu dự báo để điều chỉnh đưa ra con số cảnh báo sát nhất. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đưa ra con số cảnh báo như vậy là cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng của Mỹ, của Trung Quốc tính toán theo thang cấp độ gió 1 phút thì họ còn đánh giá, bão đang mạnh ở cấp 15-16, cao hơn số liệu của chúng ta 1-2 cấp", ông Khiêm nói thêm.

Mưa dồn dập trong thời gian ngắn

Do ảnh hưởng của bão, từ nay đến ngày 27/9, bắt đầu có gió mạnh trên vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông và khu vực giữa Biển Đông. Đối với vùng biển ven bờ, dự báo chiều đến đêm 27/9, khu vực từ Đà Nẵng - Bình Định sẽ bắt đầu có gió mạnh. Đến rạng sáng và trong sáng ngày 28/9, là thời điểm trên đất liền khu vực trên chịu tác động gió mạnh nhất.

Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 đang được triển khai hết sức khẩn trương. Ảnh: Đồn Biên phòng Đảo Cồn Cỏ.

Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 đang được triển khai hết sức khẩn trương. Ảnh: Đồn Biên phòng Đảo Cồn Cỏ.

Về nhận định mưa, ông Mai Văn Khiêm đưa ra dự báo, tổng lượng mưa cả đợt tương đối lớn, mưa trải dài từ Bắc Trung bộ đến Trung Trung bộ tuy nhiên thời gian mưa khác nhau.

Cụ thể từ chiều 27/9 đến hết 28/9, mưa tập trung tại khu vực bão đổ bộ là từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Phú Yên. Mưa cũng xuất hiện ở phía Bắc của Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai.

Còn khu vực từ Quảng Trị trở ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, mưa sẽ xuất hiện từ khoảng ngày 28-30/9.

Tổng lượng mưa ở các khu vực trên dao động khoảng từ 150 - 300mm, cục bộ có nơi lượng mưa còn cao hơn.

"Bão số 4 đi nhanh, cuộn vào trong, mặc dù lượng mưa chỉ trên 100mm, nhưng do mưa tập trung trong thời gian ngắn nên có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất", ông Khiêm lưu ý.

Bằng mọi biện pháp phải thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn. Ảnh: LK.

Bằng mọi biện pháp phải thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn. Ảnh: LK.

Với lượng mưa dồn dập như vậy, chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo lũ lớn trên các sông tại khu vực trên. Cụ thể, nếu mưa lên tới 200-300mm, thì một số sông ở khu vực trên lũ có thể lên mức báo động 2; nếu mưa lên tới 400mm, thì lũ có thể lên tới báo động 2-3.

Từ các số liệu phân tích ở trên, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lưu lý, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định, cấp độ rủi ro thiên tai vẫn duy trì ở cấp 4; còn các khu vực khác cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn, ở cấp 3.

Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Đồng thời, cần báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai trước 6h30 và 17h00 hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.