| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/07/2017 , 08:29 (GMT+7)

08:29 - 27/07/2017

Đủng đỉnh trong cấp giấy chứng tử cho dân và ‘thần tốc’ khi PCT quận đi ăn bún

Rất khập khiễng để “nối dây” giữa việc tang gia năn nỉ nửa ngày vẫn chưa có giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa Hà Nội) với vụ Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân đi ăn bún gặp sự cố chỉ 10 phút sau lãnh đạo phường đã có mặt. Tuy nhiên, thái độ của quan chức với dân chúng trong hai vụ này thể hiện khá rõ ràng.

Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân đậu xe sai chỗ còn gọi Chủ tịch và Trưởng Công an phường ra trông xe để bà ăn bún.
 
Dù cho bà Chủ tịch P. Văn Miếu (Q. Đống Đa Hà Nội) biện minh rằng cấp dưới làm đúng quy trình hay bà Phó Chủ tịch Q. Thanh Xuân và những người liên quan nói chỉ là tình cờ nhưng cực khó để thuyết phục người dân và dư luận.

Quy trình nào để người chết phải chờ, tang gia phải đợi và bức xúc khi một viên chức “bé tí” lại có thái độ như quan lại cả trăm năm về trước? Không thể đem thời hạn tối đa 1 ngày ra để lấp liếm cho thái độ vô cảm trước cái chết đang gây đau xót từng giờ.

Tôi tin họ hoàn toàn có thể cấp ngay giấy chứng tử khi Chủ tịch phường có mặt ở đó cả ngày như lời bà thú nhận và cấp phó cũng chẳng vắng quá lâu để người chết phải chờ thêm 1 ngày.

Chẳng lẽ người dân lại phải lo nếu thân nhân họ chẳng may qua đời đúng ngày nghĩ, lễ thì cũng phải đúng quy trình 1 ngày làm việc hay sao? Có lẽ các vị nên đặt mình vào vị trí của tang chủ, mang nỗi đau của gia quyến và bức bách của những bức xúc, bực bội bị dồn nén trước sự việc mà họ nên được đem giấy chứng tử đến tận nhà thì mới thấu vì sao dân họ lại oán thán như thế?

Chế độ “một cửa” của phường Văn Miếu, nhừng cửa đóng quá chặt.

Đừng trách dư luận vì sao “bùng nổ” trước sự việc các vị cứ nghĩ không đáng ầm ĩ, ồn ào như thế này? Lấy cái gì để ngăn họ bình tĩnh khi một bà Phó Chủ tich quận đi ăn bún, đậu xe sai lè còn hống hách với dân và a-lô cho cấp dưới, và chỉ 10 phút sau đó cả Chủ tịch lẫn Trưởng công an phường sở tại đến ngay và “có vẻ” như trông xe?

Chưa hết, lời tố của người dám cãi bà Phó Chủ tịch quận rằng mình bị bắt phải xin lỗi bà ta đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Không khó để người ta liên hệ giữa hai sự việc và chẳng thế ngăn họ đặt câu hỏi: Tại sao dân cần quan rất chậm mà quan lớn cần quan bé lại có mặt ngay? Không khó để thấy, trong hai trường hợp trên, nhiều người đã có câu trả lời nhưng họ vẫn chờ đợi để nơi có trách nhiệm lên tiếng thấu đáo để những suy diễn không đáng lan nhanh.

Buồn thay, hai câu chuyện phản cảm trên lại xảy ra ngay tại trung tâm hành chính của cả nước, nơi mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung luôn căn dặn cán bộ, công chức phải lấy tiêu chí hài lòng của người dân làm mục tiêu hàng đầu.

Dường như bằng cấp, các khóa bồi dưỡng và những lời hứa hẹn chưa đủ để nhiều quan chức nhớ rõ vị trí của mình và cách hành xử với người dân. Không thể phủ nhận cải cách hành chính đã mang lại bộ mặt mới, tích cực hơn ở nhiều nơi công quyền và trường hợp của P. Văn Miếu hay Q. Thanh Xuân chỉ là giọt nước tràn ly.

Tuy nhiên đã hơi muộn khi phải nói rằng một bộ phận không nhỏ quan chức vẫn nghĩ mình là “ông chủ” và mang nặng tư tưởng ban phát. Dưới thời Chính phủ kiến tạo và chính quyền phục vụ, quan cách lạc lõng và lỗi thời ấy càng dẹp bỏ nhanh càng có lợi. Sự việc ở P. Văn Miếu khó có thể nói nhỏ, thái độ của Phó Chủ tịch Thanh Xuân cũng chẳng nên cho rằng không đáng. Những lỗ hổng đó đôi khi rất khó vá nếu cứ giữ thái độ “chữa hơn phòng” và cho rằng chỉ cần gỡ vài bài viết trên face là xong.