| Hotline: 0983.970.780

Được tặng bồn nước, bà con vùng hạn mặn Bến Tre 'mừng dữ lắm'

Thứ Năm 25/05/2023 , 18:27 (GMT+7)

Chiều 25/5, chương trình tặng bồn chứa cho bà con vùng hạn mặn vùng ĐBSCL tiếp tục hành trình đến xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Trao bảng tượng trưng tặng 30 bồn chứa nước san sẻ khó khăn với bà con xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách. Ảnh: Minh Đảm.

Trao bảng tượng trưng tặng 30 bồn chứa nước san sẻ khó khăn với bà con xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách. Ảnh: Minh Đảm.

Vĩnh Hòa là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đợt hạn mặn khốc liệt 2019 - 2020 nước máy cũng nhiễm mặn, hàng nghìn hộ dân vùng Chợ Lách phải rất vất vả “cõng” về từng can nhựa nước ngọt mua từ các sà lan chở về từ thượng nguồn. Năm nay, tuy tình hình xâm nhập mặn có giảm so với mấy năm trước nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho một bộ phận bà con ở vùng sâu, nhất là vấn đề nước sinh hoạt do một số đoạn kênh rạch bị nhiễm mặn.

30 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã rất vui mừng khi được nhận món quà rất ý nghĩa từ chương trình. Mỗi hộ dân được tặng một bồn nhựa HDPE Plasman Đại Thành, sản xuất trên dây chuyền tự động đúc nguyên khối, bảo hành 20 năm, dung tích 500 lít, trị giá 2.500.000 đồng do Tập đoàn Tân Á Đại Thành tài trợ, góp phần giúp bà con có thêm phương tiện trữ nước ngọt sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Sau khi nhận bồn nước, bà con còn được nhận phiếu bảo hành sản phẩm và một chiếc bình giữ nhiệt dùng để mang nước uống trong lúc làm việc.

Trao giấy bảo hành 20 năm cho bà con. Ảnh: Minh Đảm.

Trao giấy bảo hành 20 năm cho bà con. Ảnh: Minh Đảm.

Đi bộ 2 giờ để nhận bồn nước

Bà Lê Thị Ne (57 tuổi) ở xã Vĩnh Hòa là một trong những hoàn cảnh rất khó khăn được chương trình hỗ trợ bồn nước. Bà cho hay gia đình không có đất sản xuất. Chồng bà Ne là thương binh và đã mất sớm. Một mình bà phải tần tảo chăm lo cho 3 người con. Trong đó, có một người con mắc bệnh tim không thể lao động và một người con đã có gia đình riêng. Người con còn lại cũng làm thuê cho các vựa bưởi, thu nhập chỉ hơn 120.000 đồng/ngày, là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Tuổi cao, lại mang trong người căn bệnh phổi nên bà không thể có việc làm ổn định. Những ngày rỗi bà thường đi tát vũng, tát mương mò hến, bắt cá dưới kênh rạch kiếm sống. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn nên gia đình bà Ne được UBND xã xếp vào diện hộ nghèo.

Hiện gia đình bà Ne cũng chưa có nước máy để sinh hoạt, một phần do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, phần khác do nhà xa, đường ống kéo không tới. Nước sinh hoạt thường ngày của gia đình bà chủ yếu lấy từ con rạch sau nhà, sau đó đánh phèn xử lý cho trong lại để dùng. Nghe tin nhận được chiếc bồn nước từ chương trình, bà Ne rất vui mừng. Hôm nay, bà gác lại việc mò hến dưới rạch, đi bộ gần 2 tiếng đồng để đến được UBND xã nhận quà.

“Thấy bến nước mất vệ sinh nên ấp giúp đỡ. Nhà có mấy khạp nhỏ, lóng phèn nước sông để xài. Năm nào ở đây cũng mặn. Năm nào mặn quá thì lấy bình 40 lít ra xã xin nước rồi quá giang xe về nhà. Thấy bến nước mất vệ sinh nên ấp đề xuất cho gia đình tôi được nhận chiếc bồn này. Gia đình tôi mừng dữ lắm”, bà Ne vui mừng chia sẻ.

Ngoài bồn chứa nước, bà con còn được tặng bình giữ nhiệt. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài bồn chứa nước, bà con còn được tặng bình giữ nhiệt. Ảnh: Minh Đảm.

Cùng niềm vui đó, cụ ông Nguyễn Văn Nghĩa (80 tuổi) hiện đang sinh sống một mình và được một người thân sống cạnh nhà thăm nom cho biết, gia đình ông là hộ nghèo rất khó khăn, không có thu nhập. Lớn tuổi lại thường xuyên đau ốm nên có những năm nước mặn xâm nhập sâu ông cũng không thể giống như nhiều người đạp xe đi chở nước về sử dụng. “Mấy năm trước nước mặn, bà con chòm xóm xách mang nước tới nhà cho. Bây giờ có được cái bồn này mừng dữ lắm”, cụ Nghĩa phấn khởi.

Ông Võ Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hoà chia sẻ, Vĩnh Hòa hiện nay còn nhiều gia đình khó khăn. Dù địa phương có nhiều nỗ lực thực hiện các mô hình giảm nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 4%, cận nghèo hơn 6%, cao hơn so với mặt bằng chung của huyện. Do đó, vấn đề nước sinh hoạt rất khó khăn đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhận được sự quan tâm từ chương trình, ông Võ Thế Hưng cho biết đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân địa phương. Thay mặt 30 hộ dân nhận được sự hỗ trợ của chương trình, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cảm ơn sự quan tâm của nhà tài trợ và Báo Nông nghiệp Việt Nam - cầu nối của chương trình. Ông cũng hi vọng bà con xem đây vừa là món quà, cũng là lời động viên vươn lên trong cuộc sống.

Người dân cho biết rất vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa từ chương trình. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân cho biết rất vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa từ chương trình. Ảnh: Minh Đảm.

Mong lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCLchia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động và cảm ơn bà con đã đến sớm để đón nhận món quà này. Nếu quy ra tiền 2.500.000 đồng/bồn không lớn đối với những gia đình có điều kiện, nhưng nó rất lớn đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Mong bà con sử dụng bồn chứa nước này thật tiện lợi trong gia đình. Mấy ngày qua trời đã có mưa, sắp tới bà con tranh thủ hứng nước mưa vào bồn này để dùng dần”.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng cũng cảm ơn Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã rất tích cực về tận vùng nông thôn để trực tiếp trao bồn nước cho bà con. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến bà con có hoàn cảnh khó khăn, nhất là bà con vùng hạn mặn như ở tỉnh Bến Tre. Những ngày qua, chương trình trao bồn nước cho bà con vùng bị ảnh hưởng của hạn mặn đã đến được các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

Những ngày tới, chương trình tiếp tục trao tặng bồn nước cho bà con các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Long An. 

UBND xã Vĩnh Hòa trao thư cảm ơn đến nhà tài trợ. Ảnh: Minh Đảm.

UBND xã Vĩnh Hòa trao thư cảm ơn đến nhà tài trợ. Ảnh: Minh Đảm.

Chia sẻ tại buổi trao tặng, ông Lê Văn Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây dựng HUD Kiên Giang (Tập đoàn Tân Á Đại Thành) cho biết: Cách đây 30 năm, Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập, từ một doanh nghiệp nhỏ, đến nay Tân Á Đại Thành đã vinh dự lọt vào Top 100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước. Để tri ân bà con đã đồng hành, hàng năm, Tập đoàn Tân Á Đại Thành trích ra hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ bà con nông dân vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi nhận thấy món quà tuy giá trị không lớn nhưng hi vọng san sẻ được phần nào khó khăn để bà con có dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn tinh thần này được lan tỏa, sắp tới có nhiều mạnh thường quân quan tâm, ủng hộ bà con nông dân vùng ĐBSCL hơn nữa”, ông Sơn chia sẻ và chúc bà con sớm ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình “Tặng bồn nước cho người dân vùng hạn mặn ĐBSCL” do Tập đoàn Tân Á Đại Thành phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện. Chương trình trao tặng 240 bồn nước nhựa HDPE Plasman Đại Thành được sản xuất trên dây chuyền tự động, đúc nguyên khối với tổng giá trị 600 triệu đồng cho 8 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Một số hình ảnh bà con xã Vĩnh Hoà mang bồn nước về nhà:

Một hộ dân ở gần địa điểm nhận hỗ trợ dùng xe kéo bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Một hộ dân ở gần địa điểm nhận hỗ trợ dùng xe kéo bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Hai hộ dân tự chế chiếc xe kéo mang bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Hai hộ dân tự chế chiếc xe kéo mang bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Một hộ dân thuê xe ba gác chở bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Một hộ dân thuê xe ba gác chở bồn nước về nhà. Ảnh: Minh Đảm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.