UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã công khai đường dây nóng hỗ trợ ứng cứu bão số 4 (Noru).
Tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong 5 tỉnh gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên – Huế mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa vào vùng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (cấp rủi ro rất lớn).
Thời điểm 21h ngày 27/9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có mưa vừa, một số nơi mưa rất to kèm gió mạnh như vùng ven biển Thuận An. Nhiều tuyến phố tại trung tâm thành phố Huế và vùng ngoại ô vắng người và phương tiện qua lại.
Hệ thống loa truyền thông công cộng liên tục phát đi các bản tin thời tiết và thông báo của chính quyền địa phương về các yêu cầu phòng tránh bão Noru.
Theo số liệu do Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cập nhật lúc 16h ngày 27/9, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh này phổ biến từ 30-80mm. Tốc độ gió đo được tại Thuận An cấp 6, tốc độ 13m/s. Hiện mưa ngày một to hơn và gió mạnh.
Để chủ động ứng phó với bão Noru, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng chống bão và phải hoàn thành trước 15h ngày 27/9.
Đối tượng ưu tiên sơ tán gồm: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào.
Tại các khu vực ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão cao như huyện Phú Lộc, Phú Vang hoàn thành sớm hơn vào lúc 12h ngày 27/9. Với phương châm an toàn là trên hết, UBND tỉnh yêu cầu tiến hành cưỡng chế di dời đối với các hộ dân không chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Số liệu cập nhật đến 18h ngày 27/9 cho thấy, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã di dời 14.442 hộ với 45.051 nhân khẩu. Những hộ dân trên đã được di dời theo hình thức tại chỗ đến nhà hàng xóm có nhà cửa kiên cố, còn lại là di dời tập trung đến các trường học, công sở, nhà cộng đồng…
Bắt đầu từ 15h ngày 27/9 UBND tỉnh đề nghị các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán. Đối với các công ty hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn sản xuất trong đêm nay, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho công nhân khi có gió bão. Riêng công nhân đi làm ca chiều, tối ngày 27/9 phải ở lại tại nhà máy để đảm bảo an toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng lên phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.
Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo cho 7 ngày đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện cấm đường hoàn toàn từ 21h00 ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Trước đó, sáng 27/9, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai ứng phó với bão Noru tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải, huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Bộ trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng tránh thiên tai của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đồng thời Bộ trưởng cũng lưu ý không được lơ là, chủ quan trong bất cứ trường hợp nào, bằng mọi cách phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước ảnh hưởng của bão Noru.