Các tỉnh chạy đua với thời gian sơ tán dân trước khi bão Noru đổ bộ. Ngăn chặn xuất khẩu thịt lợn mảnh, lợn xẻ qua đường tiểu ngạch. Cẩn trọng khi mở rộng diện tích sầu riêng. Campuchia vẫn là thị trường nhập khẩu phân bón chính của Việt Nam.
CÁC TỈNH CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN SƠ TÁN DÂN TRƯỚC KHI BÃO NORU ĐỔ BỘ
Ngày 27/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại tỉnh Thừa Thiên Huế.Đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru của chính quyền và người dân địa phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung ưu tiên rà soát các phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu ven biển, đầm phá và những vùng có nguy cơ sạt lở cao; tuyệt đối không để người dân chủ quan.Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh bắt đầu sơ tán dân từ 9 giờ đến 12 giờ trưa nay. Hơn 45 ngàn người được sơ tán xen ghép và hơn 2000 người sẽ được sơ tán tập trung đến những địa điểm an toàn.Tỉnh Thừa Thiên Huế tạm dừng mua bán ở các chợ từ 14 giờ chiều nay, công nhân được nghỉ việc từ 13 giờ chiều đến 21 giờ tối nay, cấm đường hoàn toàn, trừ những lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt mới được ra đường bão Noru.
NGĂN CHẶN XUẤT KHẨU THỊT LỢN MẢNH, LỢN XẺ QUA ĐƯỜNG TIỂU NGẠCH
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT đang tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tái đàn trong nước và sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, phối hợp với các Bộ liên quan ngăn chặn việc xuất khẩu thịt lợn mảnh, lợn xẻ qua đường tiểu ngạch.Theo Cục Trồng trọt, trong tháng 9 năm nay, các địa phương chủ yếu tập trung thu hoạch lúa mùa, hoa màu vụ Hè Thu. Tính đến thời điểm này, cả nước đã thu hoạch khoảng 6 triệu ha lúa, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt hơn 40 triệu tấn.Trong khi đó, Cục Chăn nuôi nhận định, ngành chăn nuôi đang có nhiều yếu tố thuận lợi do giá thịt lợn hơi ổn định trong khoảng 62.000 - 71.000 đồng/kg. Hiện tại, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng cường nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới.
CẨN TRỌNG KHI MỞ RỘNG DIỆN TÍCH SẦU RIÊNG
Thời gian gần đây, khi Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều hộ dân tại Đắk Nông đã mở rộng thêm diện tích, thậm chí phá bỏ cây trồng khác để canh tác sầu riêng.Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, người dân còn thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, nên dễ dẫn đến cung vượt cầu.Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có gần 5.000 ha sầu riêng, trong đó có trên 1.800 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 11 tấn/ha, sản lượng xấp xỉ 19.000 tấn.
CAMPUCHIA VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU PHÂN BÓN CHÍNH CỦA VIỆT NAM
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu trên 1,23 triệu tấn phân bón các loại, giá trị gần 792 triệu USD.Riêng tháng 8, cả nước xuất khẩu gần 118.000 tấn phân bón các loại, giá trị đạt 70,5 triệu USD.Thị trường xuất khẩu chính của phân bón Việt Nam vẫn là Campuchia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thị trường Campuchia chiếm 27,5% trong tổng khối lượng và chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước với 337.500 tấn, tương đương 180 triệu USD.