Bà Nguyễn Thị Bảy, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cho biết, gia đình bà có 3 con bò đang thời kỳ cho sữa, mỗi ngày thu được 60 lít sữa tươi.
Do không ký kết được hợp đồng bán sữa cho các công ty nên hằng ngày bà Bảy buộc phải đem sửa đi bán dạo với giá chỉ 5.000đ/lít.
Tuy nhiên, số lượng sữa bán ra rất hạn chế, đã nhiều hôm gia đình bà Bảy chở sữa quay trở về nhà đem cho người quen, đem cho bê con uống hoặc đổ bỏ vì không có thiết bị bảo quản sữa.
Tương tự, gia đình ông Lê Văn Tân, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cũng lâm phải cảnh “phá sản vì bỏ sữa”. Hồi cuối năm 2013, gia đình ông Tân đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm cố, vay được hơn 300 triệu đồng đầu tư chuồng trại, mua được 2 con bò đang cho sữa.
Vào thời gian này, theo tính toán chỉ cần 2 năm là gia đình ông Tân có thể thu về số tiền vốn đã bỏ ra, từ năm thứ 3 thì có lãi. Dù vậy, do không ký được hợp đồng tiêu thụ sữa với các DN trên địa bàn nến đến nay gia đình ông Tân đang lâm vào lỗ nặng. Ông Tân đã rao bán bò sữa nhưng vẫn chưa có ai mua.
Theo phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, hiện nay, toàn huyện có hơn 8.600 con bò sữa, trong đó nhân dân nuôi hơn 5.600 con, còn lại gần 3.000 con thuộc các DN trên địa bàn. Năng suất sữa bình quân đạt 6 tấn/con/chu kỳ, tính trung bình mỗi con bò cho thu 20 lít sữa mỗi ngày.
Do đàn bò sữa tăng lên quá nhanh, vượt xa kế hoạch, trong khi đó các DN thu mua sữa trên địa bàn lại chưa có nhu cầu ký thêm hợp đồng thu mua sữa mới, đã đẩy các hộ chăn nuôi mới phát sinh sau lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Những gia đình ký được hợp đồng cung cấp sữa cho các DN hiện đang bán được giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, những hộ chưa ký được hợp đồng phải bán sữa dạo với giá chỉ 500.000 – 600.000đ/tạ.