| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Yên Thế thất thế

Thứ Sáu 21/11/2014 , 08:25 (GMT+7)

Cuối năm 2012, tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội bắt tay thực hiện chương trình cung cấp, bao tiêu 5 triệu con gà đồi Yên Thế. Sau gần 2 năm triển khai, nay dự án gần như phá sản.

PV NNVN vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của mối “nhân duyên” được kỳ vọng rất lớn này.

LÉP VẾ TOÀN DIỆN 

Theo chương trình ký kết giữa Hà Nội và Bắc Giang, một loạt các siêu thị tầm cỡ tại Thủ đô được phân công nhiệm vụ tiêu thụ gà đồi Yên Thế như hệ thống siêu thị Hapro của Tổng Cty Thương mại Hà Nội, Co.opmart, Hiway, Fivimart…

Chúng tôi đến một loạt siêu thị Hapro trên phố Lương Định Của, Thái Thịnh và C12 Thanh Xuân để tìm mua sản phẩm gà đồi Yên Thế thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trên kệ hàng. Hỏi nhân viên, được biết, do bán chậm nên đã khá lâu rồi siêu thị tạm dừng nhập sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Tiếp tục vào khu gian hàng thực phẩm của hệ thống siêu thị Hiway tại Hà Đông và phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, chúng tôi thấy có bán sản phẩm gà đồi Yên Thế. Nhưng cán bộ phụ trách nhập hàng của siêu thị này chia sẻ, lượng gà đồi Yên Thế tiêu thụ mỗi ngày rất nhỏ, chỉ vài chục con, không đáng là bao so với các sản phẩm tươi sống khác.


Gà đồi Yên Thế xuất hiện khiêm tốn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.

Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, nơi tiêu thụ gà đồi Yên Thế tốt nhất nhưng trên gian hàng thực phẩm, gà Yên Thế đóng túi hút chân không nguyên con gần như mất hút trước bạt ngàn thịt gà công nghiệp của Tập đoàn CP (Thái Lan).

Chị Trần Thị Huyền - Tổ trưởng Marketing, siêu thị Co.opmart Hà Đông, cho biết: Bình quân mỗi ngày siêu thị tiêu thụ hết một vài trăm con gà đồi Yên Thế, doanh số chưa bằng 50% mặt hàng gà công nghiệp của CP. Theo chị Huyền, nguyên nhân khiến gà đồi Yên Thế bán chậm vì người tiêu dùng phải mua nguyên con, trong khi gà của CP có bán từng bộ phận như đùi, cánh, lườn… nên đánh trúng sở thích người tiêu dùng hơn.

Được biết, việc cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội ban đầu do 2 DN tại Yên Thế đảm nhiệm là Cty CP Chăn nuôi chế biến gia cầm Trường Anh và Cty CP Giang Sơn. Tuy nhiên, sau thời gian đầu khai trương rầm rộ giờ chỉ Cty CP Giang Sơn còn hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Cty CP Giang Sơn chia sẻ: Bình quân mỗi tháng, Cty Giang Sơn tiêu thụ khoảng 100 tấn gà đồi Yên Thế. Tuy nhiên, trên 90% lượng gà lại được tiêu thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Số lượng gà đã sơ chế bán tại Hà Nội chỉ được vài trăm con/ngày. Theo bà Tâm, trong khi các tỉnh phía Bắc chủ yếu tiêu thụ gà mía lai thì người tiêu dùng Thủ đô chỉ ăn gà ri lai được nuôi dài ngày.

TẠI CẢ ĐÔI BÊN

Quay trở lại câu chuyện thất bại của gà đồi Yên Thế tại Hà Nội. Sau khi cất công điều tra, tìm hiểu thói quen chăn nuôi gà đồi của người dân Yên Thế và văn hóa tiêu dùng thịt gà của người dân Thủ đô, chúng tôi phần nào tìm ra được nguyên nhân.

10-57-40_2
Gà mía lai tại Yên Thế có nhược điểm màu lông xấu, chất lượng thịt trung bình

Nghề nuôi gà mía lai tại Bắc Giang nói chung và Yên Thế nói riêng sẽ vẫn tồn tại vì giống gà này vẫn có nơi tiêu thụ nhất định. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường khó tính như Thủ đô Hà Nội, giống gà mía lai không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về mẫu mã, cân nặng cũng như chất lượng thịt.

Về phía người nuôi gà tại Bắc Giang, phần lớn lượng gà giống tại đây là giống gà mía lai do các lò ấp thủ công cung cấp. Gà mía lai được lai tạo trên nền tảng giữa giống gà mía Sơn Tây và gà Lương Phượng nên có nhược điểm lông rất xấu (màu đen của gà mía), trọng lượng lớn và tích mỡ (gà Lương Phượng).

Trong khi đó, thói quen của người nuôi gà tại Bắc Giang chỉ nuôi khoảng 3 tháng trở lại là bán vì khi đó hiệu quả kinh tế sẽ lớn nhất. Bởi từ tháng thứ 3 trở đi, gà mía lai không tăng trọng lượng mà chuyển sang tích mỡ, chắc thịt, nhưng lại là giai đoạn gà ăn khỏe nhất (đàn gà 1.000 còn bình quân mỗi ngày ăn hết 1 triệu tiền cám).

Anh Đinh Văn Thông, ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên xác nhận, bản thân anh và người nuôi gà tại Bắc Giang chỉ nuôi gà tầm 2,5 - 3 tháng, bởi khi đó dù bán với giá 50.000 đồng/kg người nuôi gà vẫn có lãi. Nhưng nếu nuôi thêm 20 - 30 ngày chất lượng thịt gà có ngon hơn, nhưng chi phí TĂCN lên tới 20 - 30 triệu đồng, trong khi giá gà chỉ tăng thêm khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế không bằng bán lúc non.

Chính vì lí do này mà sản phẩm gà đồi Yên Thế thuộc phẩm cấp trung bình, chỉ phù hợp với việc tiêu thụ tại các bếp ăn công nghiệp hoặc một số tỉnh miền núi như chia sẻ của bà Giám đốc Cty CP Giang Sơn.

Về phía thị trường Hà Nội, phải thừa nhận người tiêu dùng Thủ đô rất khó tính trong ăn thịt gà. Mặc dù ở nơi văn minh, nhưng người dân Thủ đô bấy lâu nay vẫn giữ một thói quen là mua gà lông rồi thuê thịt tại chỗ. Dạo quanh các chợ truyền thống ở Hà Nội từ ngoại cho đến nội thành, thậm chí cả phố cổ không khó để bắt gặp hình ảnh những sọt gà, lồng gà còn sống tại một góc chợ.

10-57-40_3
Bán gà lông tại chợ Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

Và với thói quen mua gà lông thì gà đồi Yên Thế gần như không có cửa cạnh tranh với các giống gà ri lai có mẫu mã, màu lông bắt mắt, mào cờ, chân vàng, nhỏ, khô xuất hiện rất nhiều trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, gà mía lai còn có một nhược điểm là trọng lượng lớn (2,5 - 3 kg/con), trong khi các hộ gia đình tại Thủ đô ít khẩu nên thường chỉ mua gà trên dưới 1,5 kg. Đó là những lí do khiến gà đồi Yên Thế thất thế tại thị trường Hà Nội.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm