| Hotline: 0983.970.780

Gần 2 ha lúa chết ở Thanh Hóa: Cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân

Thứ Ba 09/07/2019 , 17:16 (GMT+7)

Gần 2 ha lúa của 9 hộ dân xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã bị chết sau khi người dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc Halo Super 250WP và Sifata 36WP để phun trừ cỏ. 

Héo rũ rồi chết dần

Ông Nguyễn Tất Viện, thôn Đại Đồng 2, xã Đồng Thắng cho biết, ông mua 8 gói thuốc Halo Super 250 WP (khối lượng tịnh 7,5gr/gói) và 8 gói Sifata 36WP (khối lượng tịnh 10gr/gói) tại đại lý thuốc BVTV Thoa Hùng, đóng tại thôn Nhạ Lộc (Đồng Thắng) về phun cho 8 sào lúa (4.000 m2) gieo sạ từ 10-15 ngày tuổi.

Hai loại thuốc trừ cỏ ông Viện mua và sử dụng khiến lúa chết.

Chỉ sau 1 ngày, không những cỏ mà cả lúa cũng có hiện tượng úa vàng, vài ngày sau thì chết dần. Chủ đại lý Thoa Hùng có đem đến cho ông một ít thuốc kích thích ra rễ, giải độc nhưng sau khi phun chỉ cứu vãn được 2/8 sào lúa.

“Đại lý hướng dẫn phun hỗn hợp 2 loại thuốc, 1 gói Halo Super 250 WP và 1 gói Sifata 36WP pha với 16-20 lít nước phun cho 1 sào (500m2- PV), phun ở thời điểm trên mặt ruộng có đủ độ ẩm và giữ nước ít nhất 3 ngày sau khi phun. Không hiểu sao, phun xong được 1 ngày thì lúa bắt đầu ngả màu vàng rồi chết dần.

Đến nay thì 6 sào lúa đã chết không thể khắc phục được; 2 sào còn lại, dù tích cực phun kích thích ra rễ nhưng cây vẫn kém phát triển hơn những thửa ruộng khác trên cùng cánh đồng”, ông Viện cho biết.

6/8 sào lúa chết sau khi sử dụng thuốc trừ cỏ.

Theo quan sát, trên các thửa ruộng gia đình ông Viện, khoảng 10 ngày sau khi phun thuốc trừ cỏ, gần như toàn bộ diện tích lúa đã chết, rễ thâm đen. Có những thửa không còn màu xanh, cây lúa chết khô, rũ xuống, không còn khả năng phục hồi.

Không chỉ hộ ông Viện, mà ông Nguyễn Tất Trí (bố ông Viện) có 500/1.200 m2; ông Nguyễn Tất Kiểm (em ông Trí) cũng có 600m2/1.200 m2 lúa bị chết sau khi phun 2 loại thuốc trừ cỏ trên.

“Trong số 13 gói thuốc hiệu Halo Super 250 WP mà tôi mua về và phát cho bố và em trai phun thì có 4 gói sản xuất vào tháng 12/2018, còn lại sản xuất tháng 6/2018. Một số hộ mua Halo Super 250 WP ở các đại lý khác về phun, thời gian sản xuất là tháng 12/2018 lúa lại không bị chết. Vì vậy, tôi cho rằng trong số này có thể 1 số thuốc đã hết hạn sử dụng, gây chết lúa”, ông Viện hồ nghi.

Rễ lúa thâm đen.

Ông Lê Đình Toán, Trưởng thôn Đại Đồng 2 cho hay, cả thôn có 3 hộ mua thuốc tại đại lý Thoa Hùng về phun với tổng diện tích 0,65 ha. Toàn bộ diện tích này đều có hiện tượng héo rũ chết dần.

Tuy nhiên, sau khi được phun kích thích siêu ra rễ thì người dân cứu vãn được khoảng 0,25 ha. Bản thân ông Toán cũng đã từng dùng Halo Super 250 WP và thuốc Sifata 36WP để phun trừ cỏ từ vài vụ nay (mua ở đại lý khác) nhưng không gây chết lúa.

Chưa xác định được nguyên nhân

Theo thông tin ghi trên nhãn mác thuốc Halo Super 250 WP do Công ty An Nông, đơn vị đăng ký gia công, đóng gói và phân phối tại Việt Nam; thời hạn sử dụng là 2 năm kể từ ngày sản xuất in trên bao bì. Có nghĩa là, toàn bộ thuốc trừ cỏ ông Viện mua về vẫn còn hạn sử dụng.

Còn Sifata 36WP có xuất xứ từ Trung Quốc, do Công ty TNHH Việt Thắng đóng gói và phân phối tại Việt Nam, hạn sử dụng 2 năm. Cả hai loại thuốc này chúng tôi không thu thập được mẫu gói có thời gian đóng túi và lô sản xuất.

Ông Nguyễn Tất Cầu, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết, tại xã có 9 hộ dân sử dụng thuốc Halo Super 250 WP để phun trừ cỏ khiến lúa chết với tổng diện diện tích gần 2 ha.

Sau khi nhận được thông tin, Phòng NN&PTNT huyện Triệu Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh. Đoàn ghi nhận, tại xã Đồng Thắng có 9 hộ mua và sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc Halo Super 250WP và Sifata 36WP để phun diệt cỏ, gây chết lúa với tổng diện tích gần 2 ha.

Ông Lương Ngọc Ánh, chuyên viên Phòng NN &PTNT huyện Triệu Sơn cho hay, hiện chưa thể đưa ra kết luận chính xác: “Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã lấy mẫu thuốc, bao bì, nhãn mác gửi đi giám định nhưng chưa có kết luận. Đây là 2 loại thuốc nằm trong danh mục được phép kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam và theo kết quả thu thập mẫu bao bì thì thuốc vẫn còn thời hạn sử dụng”.

Ông Ánh cũng cho biết thêm, tại huyện Triệu Sơn, người dân sử dụng 2 loại thuốc trừ cỏ này rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên ghi nhận sự cố gây chết lúa.

Đến nay, ngành chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân lúa chết.

Được biết, ngay sau khi được báo về tình trạng lúa chết, đại lý Thoa Hùng và đại diện công ty đã tích cực khắc phục và hứa sẽ hỗ trợ thiệt hại cho người dân. 

Hỗ trợ để bà con nông dân không thiệt thòi

Trao đổi với Báo NNVN, đại diện Cty An Nông cho biết, đơn vị đã nghe nhà phân phối báo về việc này. Nhà phân phối đang làm việc với Chi cục Trồng Trọt và BVTV Thanh Hoá tìm nguyên nhân để xử lý. Trước mắt là giải quyết hỗ trợ không để bà con nông dân thiệt thòi.

Hàng Halosuper đã được nhà phân phối cung ứng sử dụng rất tốt trong suốt thời gian qua. Lô hàng đang phân phối Đông Xuân sử dụng rất tốt, đến vụ này nhà phân phối bán hàng tồn, và chỗ bị ảnh hưởng lúa chỗ không bị.

Có thể do khi sử dụng bà con nông dân đã hỗn hợp với thuốc khác không phù hợp và cũng có phần do thời tiết, nhiệt độ quá nóng trên dưới 40 độ C ở vụ này. Cty và nhà phân phối miền Bắc sẽ phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Thanh Hoá xác định nguyên nhân.

"Vụ tới Cty sẽ nhờ Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp làm các điểm trình diễn sản phẩm ở Thanh Hoá", đại diện Công ty An Nông cho biết.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.