
Có hàng vạn "ổ trâu", "ổ voi" trên hơn 10 km đường từ Văn Miếu vào Thượng Cửu. Ảnh: Dương Đình Tường.
Mua cái gì cũng đắt, bán cái gì cũng rẻ
Trong cuốn Tài nguyên khoáng sản tỉnh Phú Thọ do Bộ Tài nguyên và Môi trường – Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát hành năm 2005 có ghi chép về 3 thân quặng phóng xạ trên địa bàn xã Thượng Cửu với thân quặng 1 dài 2-3km, rộng 600m; thân quặng 2 dài 200-300m, rộng 1-10m, sâu 9m, thân quặng 3 dài 1.000m, rộng 100m, (các thân quặng này đều có chứa quặng urani – thori). Còn trên địa bàn xã Đông Cửu có các bia đá đánh dấu khu vực phóng xạ do Liên đoàn địa chất xạ hiếm lập.
Chỉ hơn 10 km đường từ xã Văn Miếu về đến xã Thượng Cửu tôi phải đi mất 1 giờ đồng hồ bởi hàng vạn “ổ trâu”, “ổ voi” khiến xe cứ dập dềnh như con thuyền nan trong cơn sóng dữ. Toàn thân tôi đau ê ẩm, còn ba đờ sốc của xe bị đá hộc va vào gây sứt mấy miếng lớn, cuối cùng thì Thượng Cửu cũng hiện ra trong làn bụi trắng bao bọc khắp những ngọn cây, mái nhà và mặt người.
Thấy bộ dạng của tôi, anh Đinh Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu tỏ ra thông cảm rồi giải thích: Con đường nhựa chạy từ xã Văn Miếu qua xã Khả Cửu về đến xã Thượng Cửu dài hơn 10 km được làm năm 2008 nhưng chỉ dùng tới năm 2015 đã nát vụn bởi các đoàn xe trọng tải lớn từ mỏ sắt của công ty Thăng Long. Từ đó đến nay không thấy được Nhà nước đầu tư, sửa chữa gì mà chỉ thỉnh thoảng công ty Thăng Long đổ ít đá thải ra san gạt qua loa những ổ trâu, ổ voi rồi xe đi lại khiến con đường nát vụn như cũ.

Anh Đinh Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu: "Con đường nát vụn từ năm 2015 tới giờ chưa được sửa". Ảnh: Dương Đình Tường.
Bởi thế ngày mưa như đi trên ao hồ, ngày nắng như đi trong bão bụi. Đã nhiều lần xã kiến nghị khi tiếp xúc Hội đồng Nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng cũng chưa thấy có sự chuyển biến gì. Chỉ cách thị trấn huyện 30 km mà người dân gọi taxi đi bệnh viện phải mất ít nhất 800.000đ vì lái xe chê đường xấu, có lúc phải ngủ lại dọc đường vì trời mưa các cầu tràn ngập không qua được. Đã có trường hợp sản phụ đẻ ở dọc đường hay người đột quỵ ra đến bệnh viện quá “giờ vàng” không thể cứu được.
Đường xấu còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân khi 1m3 gỗ bồ đề bán ở xã Võ Miếu cách đó hơn 10 km được 1,7 triệu đồng nhưng ở Thượng Cửu chỉ được 1,3-1,4 triệu đồng, còn mua 1 tạ xi măng ở Thượng Cửu là 150.000đ thì ở Võ Miếu là 130.000đ. Thượng Cửu có nhiều khu rừng tự nhiên rất đẹp, có thác Nghĩ cao 3 tầng mùa hè nước đổ trắng xóa cả một góc trời nhưng do con đường đau khổ trên mà không có một bóng dáng khách du lịch nào vào.
Anh Dũng cho biết thêm, địa phương có diện tích đất 7.200 ha nhưng dân số chỉ 3.558 người (tương đương 2 ha/người-PV) trong đó 95% là dân tộc Mường, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 16,6 %, tỷ lệ hộ cận nghèo 28 %. Năm nay xã có 114 hộ thuộc diện xóa nhà tạm nhưng một số trường hợp đã chuẩn bị tiền đối ứng rồi tuy nhiên do ốm đau lại không còn tiền nữa nên đành chịu.

Bà Hà Thị Tình bên người con trai bị bệnh ung thư giai đoạn cuối và đứa cháu. Ảnh: Dương Đình Tường.
“20 năm trở lại đây, trên địa bàn xã Nhà nước đã đầu tư xóa nhà tạm mỗi năm 15-20 căn; hơn 10 năm trở lại đây còn hỗ trợ máy bừa, cày, tuốt cỡ nhỏ cũng 15-20 cái/năm, hỗ trợ con giống lợn, bò…Năm 2023 xã được hỗ trợ 31 con bò. Năm 2024 xã được hỗ trợ trên 60 con lợn nhưng chẳng may bị dịch, còn lây cả sang lợn lành của dân, phải hủy hết nên năm 2025 dân lại đăng ký bò. Bên cạnh đó, mỗi năm Nhà nước cũng cấp giống cho xã đủ trồng từ 50 ha rừng sản xuất trở lên hay hỗ trợ để xây nhà văn hóa các khu.
Nhà nước đầu tư nhiều nhưng vẫn nghèo là do một số người còn ỷ lại. Thêm vào đó tập tục còn tốn kém, như việc lập tĩnh đặt tên cho con trai của người Dao ở Sinh Tàn tổ chức ăn uống 3-4 ngày, mất hơn 3 tạ lợn, 1 con trâu hoặc 1 bò, hàng trăm con gà, trung bình 60-70 triệu đồng, còn lớn hơn có thể tới 80-90 triệu đồng nên vẫn còn nghèo”, anh Dũng giải thích.
Một tối ngủ lại Mặc Chanh
Tối đó tôi ngủ lại Mặc Chanh nơi có 105 hộ người Mường sinh sống. Trưởng khu Hà Văn Giáp thống kê trên địa bàn có 20 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo, đợt này có 2 hộ đăng ký xóa nhà tạm bằng hình thức xây mới, 2 hộ đăng ký sửa chữa.
Tôi hỏi tại sao hộ nghèo, cận nghèo nhiều mà số lượng đăng ký xóa nhà tạm lại ít thì anh trả lời: Nguyên nhân chính là 80% dân ở đây không có sổ đỏ đất dù đã có gia đình tách hộ trên 10 năm, thủ tục làm rất rườm rà và lâu. Không có sổ đỏ nên dân cũng không thể đi vay vốn ngân hàng mà làm ăn nên nghèo lại càng nghèo…

Trước đây, ban đêm bà Hà Thị Tình vẫn dùng sống dao để gõ vào cột cho mọt khỏi kêu thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trước, mỗi đêm nghe tiếng mọt đục trong cái cột nhà bằng gỗ bà Hà Thị Tình lấy cái sống dao gõ vào mấy phát nhưng khi vừa lên giường thì tiếng cọt kẹt lại phát ra, phải dậy gõ tiếp. Giờ thì bà đã chán rồi, không buồn gõ nữa thì lại mất ngủ bởi tiếng lạch xạch của người con trai mắc ung thư giai đoạn cuối, mỗi đêm phải dậy 4-5 làn để đi vệ sinh. Hễ ăn xong là nó không thể hấp thụ được, bụng quặn thắt và sôi lên ùng ục. Tiếng bìm bịp kêu vọng từ ngoài đồi vào nhà càng làm cho lòng bà thêm rối bời.
Con gái bị bệnh não, liệt chết năm 9 tuổi; chồng bị ung thư gan chết năm 41 tuổi, con trai cả bị ung thư gan chết năm 29 tuổi, nay lại đến con trai út bị ung thư gan đang ở giai đoạn cuối. Bà phải bán đất, bán trâu bò để chữa bệnh cho chồng, khi kinh tế hơi hồi một tí lại phải bán tiếp đất, trâu bò để chữa bệnh cho con trai cả, nay đến đứa con trai út dính bệnh thì đành bất lực bởi nhà chỉ còn có 1 sào ruộng, phải bán nữa thì không có cái ăn.
“Nếu phải con vắt, con đỉa bám vào chân tay thì còn gỡ ra được, chứ bệnh của nó tôi không có tiền để gỡ, chỉ biết khóc thầm cả ngày lẫn đêm. Có đêm khóc thành tiếng, nó mới hỏi: “Mẹ làm sao đấy?” thì lại trả lời rằng: “Mẹ có làm sao đâu, con ngủ đi”, bà tâm sự.

Bữa tối của nhà bà Hà Thị Tình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Hà Văn Niềm năm nay 33 tuổi chính là đứa con trai út đang bị bệnh của bà. Bố mất sớm, vợ bỏ đi để lại 2 đứa con nhỏ cho anh nuôi. Đang từ một chàng thợ xây khỏe mạnh nặng trên 70 kg, cuối năm 2024 tự nhiên thấy sút cân nhanh như mực nước ở trong một cái bình bị rò đáy, anh mới đi khám thì phát hiện ra mắc ung thư gan ở giai đoạn cuối. Gia đình anh đợt này nằm trong diện đủ điều kiện xóa nhà tạm vì nghèo. Anh dự kiến số tiền 60 triệu Nhà nước hỗ trợ sẽ dành mua vật liệu, còn mình cùng nhóm thợ địa phương sẽ tự xây nhưng giờ đây bệnh như thế này không có tiền đối ứng, đành bó tay.
“Con tôi phải bán cái xe máy để đi viện, khám xong không có tiền chữa đành về nhà uống thuốc Nam. Nhà không có trâu, bò, lợn, ti vi gì cả. Tôi năm nay 67 tuổi, hàng ngày vẫn phải đi trồng sắn, làm cỏ thuê nhưng mấy ngày nay thấy con yếu quá nên mới ở nhà trông nên giờ đã cạn tiền. Thương nó ốm không có gì ăn, sáng nay tôi phải mua chịu 60.000đ thịt lợn mà nấu lên mà con nhìn thấy chỉ thở dài vuốt cái bụng sưng”, bà Tình nói thêm.