| Hotline: 0983.970.780

Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài cuối] Nhiều địa phương cảnh báo sốt đất ảo

Thứ Ba 08/04/2025 , 06:42 (GMT+7)

Cơ quan chức năng của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình… và nhiều địa phương khác đồng loạt đưa ra cảnh báo để người dân tránh rơi vào 'bẫy' sốt đất.

Đất ở nông thôn “lên hương”

Hưng Yên đang là địa phương tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất nhất ở thời điểm hiện tại. Từ đầu năm 2025 tới nay, địa phương này đã tổ chức hàng chục cuộc đấu giá đất ở, đất khu dân cư… tại các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Yên Mỹ, Tiên Lữ, Phù Cừ… Trong tháng 4, còn hơn 400 lô đất sắp được đưa ra đấu giá, hiện đã có lịch đấu giá cụ thể.

Xác nhận với Báo Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng phòng Quy hoạch - Kế hoạch sử dụng đất (Sở Nông nghiệp - Môi trường Hưng Yên) Đỗ Văn Vĩ cho biết: các khu đất được tổ chức đấu giá đã có kế hoạch từ trước, UBND các huyện làm chủ đầu tư và thông qua một công ty đứng ra tổ chức đấu giá. Mục đích nhằm huy động nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển hạ tầng. Do đó, càng nhiều người tham gia đấu giá, giá đất đấu giá được trả càng cao… thì địa phương càng thu được nguồn ngân sách lớn.

Miếng đất của một gia đình ở huyện Tiên Lữ để không nhiều năm đang được trả giá nhiều tỷ đồng. Ảnh: Thái Bình.

Miếng đất của một gia đình ở huyện Tiên Lữ để không nhiều năm đang được trả giá nhiều tỷ đồng. Ảnh: Thái Bình.

Hiệu ứng từ kết quả các cuộc đấu giá tại Hưng Yên đã kích cầu đầu tư đất đai khiến không chỉ giá đất tại các huyện thị của Hưng Yên, nhiều địa phương khác cũng tăng theo.

Thái Bình - tỉnh giáp ranh với Hưng Yên mới đây cũng đã tổ chức thành công một cuộc đấu giá đất tại huyện Tiền Hải. Đây cũng là cuộc đấu giá đất đầu tiên của Thái Bình được tổ chức trong năm 2025. Theo đó, khu đất rộng hơn 3.000m2 thuộc đất nhà máy Kéo (thị trấn Tiền Hải) được đưa ra đấu giá theo hình thức trả giá từng lô. Trong số đó, một lô đất có diện tích hơn 150m2 được trả giá 23 tỷ đồng, tương đương 1m2 đất có giá hơn 153 triệu đồng/m2.

Kết quả đấu giá toàn phiên, huyện Tiền Hải thu về hơn 170 tỷ đồng, cao hơn 76,3 tỷ đồng so với tổng giá khởi điểm (là hơn 94 tỷ đồng). Sau cuộc đấu giá đất thành công này, Tiền Hải sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 138 lô đất ở thuộc các xã Nam Hải, Tây Giang, Tây Lương, Tây Ninh và Nam Trung. Tính đến thời điểm hiện tại, đất đấu giá tại các huyện của nhiều địa phương có mức giá trung bình từ vài chục cho tới hơn 100 triệu đồng/m2.

Các huyện vùng ven Thủ đô, đất ở nông thôn cũng đang có giá ngất ngưởng. Tại huyện Hoài Đức, giá đất nền ở nhiều khu vực hiện dao động từ 40-60 triệu đồng/m2; tại Chương Mỹ mức giá phổ biến trong khoảng 25-45 triệu đồng/m2; tại Thạch Thất, đất mặt đường liên xã Tiến Xuân (xã từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sáp nhập về Thủ đô từ năm 2008) mức giá trên 30 triệu đồng/m2; xã Thạch Hòa, vị trí đường đôi mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2; đất ở xã Tân Xã ở những vị trí mặt tiền đường kinh doanh, giá đất tăng từ 34-36 triệu đồng/m2 lên 37-40 triệu đồng/m2. Thị xã Sơn Tây, giá đất tại các xã Cổ Đông, ở mức gần 30 triệu đồng/m2;

Nhiều dự án phân lô, bán nền đang tranh thủ cơn sốt giá đất tăng cao để bán hàng, thu lời. Ảnh: Thái Bình.

Nhiều dự án phân lô, bán nền đang tranh thủ cơn sốt giá đất tăng cao để bán hàng, thu lời. Ảnh: Thái Bình.

Tại thành phố Bắc Giang, vị trí các khu đất trung tâm, khu đô thị mới đất đều lên cao trên 100 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất dự án gần siêu thị GO! Bắc Giang (diện tích từ 80m2 đến hơn 100m2) có giá bán từ 8-17 tỷ đồng…

Cơn sốt đất có thể nói đang lan nhanh toàn miền Bắc, từ thành thị tới nông thôn, từ đất đấu giá cho tới đất xen kẹt, đất ở nông thôn. Những người dân có đất đã tranh thủ cơ hội cắt một phần đất ở đem bán, thu về hàng tỷ đồng…

Nhiều địa phương cảnh báo trước cơn sốt đất "ảo"

Trước dấu hiệu giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn, đề phòng nguy cơ giới đầu tư thổi giá, tạo sốt đất ảo, thậm chí một số đối tượng còn dàn cảnh giao dịch nhằm lừa dối người mua, tạo tâm lý thu lợi cao… nhiều địa phương đã khuyển cáo, cảnh báo.

Ngày 24/3, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo các nhà đầu tư, người dân cảnh giác trước các chiêu trò lợi dụng tin đồn sáp nhập tỉnh để “thổi giá” bất động sản. Mặc dù chưa có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền, nhưng thị trường bất động sản tại các khu vực được sáp nhập, nhất là các địa điểm được đồn đoán là trung tâm hành chính mới đã có nhiều biến động, gây nhiễu loạn thị trường. Cụ thể, xuất hiện nhiều tin bài đăng bán đất tại các khu vực Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội…

“Các lời mời đầu tư thường đưa ra một số lý do như: sau khi sáp nhập và nâng cấp các đơn vị hành chính, Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực về tài chính, con người, cơ chế, chính sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của các trung tâm hành chính mới, như hệ thống điện lực, trường học, đường sá… Điều này dẫn đến việc tăng giá trị bất động sản.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, việc tăng giá “nóng” trong thời điểm hiện tại không phản ánh thực chất giá trị của bất động sản và nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể bị tác động tư tưởng, có tâm lý FOMO hay còn gọi là tâm lý sợ bị bỏ lỡ. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư có thể mua đất tại các khu vực không được quy hoạch như dự định hoặc tính pháp lý của bất động sản không được đảm bảo.

Một dự án BĐS tại huyện miền núi Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Thái Bình.

Một dự án BĐS tại huyện miền núi Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Thái Bình.

Đồng thời, khi xảy ra sốt đất ảo, người mua có thể phải mua đất với giá trị cao hơn thực tế, trở thành nạn nhân của hiện tượng thổi giá đất, sẽ gặp khó khăn ở tính thanh khoản khi muốn bán lại, thậm chí phải cắt lỗ để thanh lý tài sản sau khi thị trường lắng xuống và việc sáp nhập các đơn vị hành chính được thông báo công khai.

Đối với những đối tượng “cò đất”, hành vi thông tin gian dối, lừa đảo để trục lợi có thể bị xử phạt tới 50 triệu đồng theo Luật Kinh doanh bất động sản, thậm chí bị xử lý hình sự về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Trước tình hình trên, để tránh bị lừa đảo, thiệt hại khi đầu tư bất động sản, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Thông tin chỉ hoàn toàn chính xác khi được công khai bởi các cơ quan phát ngôn chính thống.

Trước khi thực hiện giao dịch bất động sản, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp lý của tài sản như: chủ sở hữu, quy hoạch, nghĩa vụ thuế… để nghiên cứu về hiệu quả đầu tư, cơ hội thành công trong tương lai. Khi phát hiện ra tình trạng có hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư cần trình báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang… và nhiều địa phương khác cũng đồng loạt đưa ra cảnh báo để người dân tránh rơi vào “bẫy” sốt đất. UBND tỉnh Bắc Giang ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh và triển khai các biện pháp kiểm soát, ổn định, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.

Điều quan trọng nhất, đó là sự tỉnh táo của mỗi người trước khi xuống tay tiền tỷ đầu tư đất!

Tỉnh Ninh Bình yêu cầu Công an tỉnh, các Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp; Chi cục Thuế khu vực IV, UBND thành phố Hoa Lư tổ chức kiểm tra các hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản là nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn có hiện tượng tăng giá bất thường, xử lý nghiêm theo quy định…

Xem thêm
Khánh thành, bàn giao 3 nhà cho hộ nghèo tại huyện Quỳnh Lưu

NGHỆ AN 3 hộ nghèo và người có công ở xã An Hòa và Tân Thắng được chính quyền và các tổ chức xã hội hỗ trợ xây nhà mới, giúp ổn định cuộc sống.

Bình luận mới nhất