| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể

Thứ Tư 09/04/2025 , 05:39 (GMT+7)

Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.

Gia cảnh nhà chị Điêu Thị Hoán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia cảnh nhà chị Điêu Thị Hoán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thăm nhà chị Hoán

Bữa trưa hôm đó thấy trong nồi của cặp vợ chồng nghèo Hà Văn Đá- Điêu Thị Hoán ở xóm Mu, xã Đông Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có món trứng vịt lộn hầm ngải cứu chúng tôi đã thắc mắc thì chị Hoán cười, giải thích: “Hôm qua thằng Điêu Duy Khôi đi đá bóng về kêu mệt, đòi ăn trứng vịt lộn nên tôi mới mua năm quả trứng tắc, chết không nở được, chỉ 2.500đ/quả chứ trứng sống phải 4.000đ/quả. Chị nó chê không ăn nên bữa qua thằng bé đã ăn hai quả, còn bữa nay mỗi vợ chồng tôi cùng nó ăn mỗi người một quả…”

Cả gia đình chị sống trong ngôi nhà gỗ ba gian rộng chừng 30 m2, cột xoan, mái ngói, vách gỗ mua cách đây 20 năm với giá 5 triệu đồng. Họ thuộc diện hộ nghèo từ khi Nhà nước có phân loại, xếp hạng. Năm 2001 anh lấy vợ, do nghèo quá nên năm 2011 vợ anh để lại 3 đứa con nhỏ đi Trung Quốc làm thuê rồi lấy chồng luôn ở đó, năm 2015 về đón nốt cả 3 đứa con theo. Sau đó anh đi làm thuê ở Hà Nội thì gặp chị Hoán rồi nên duyên nhưng do chưa làm xong thủ tục ly dị với người vợ đầu sống ở Trung Quốc nên không thể đăng ký, hai con, đứa đầu 10 tuổi, đứa sau 8 tuổi phải mang họ mẹ.

Vợ chồng chị Điêu Thị Hoán bên mâm cơm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng chị Điêu Thị Hoán bên mâm cơm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước họ cũng có đồi rừng nhưng bởi mẹ ốm phải bán đi chữa bệnh nên giờ chỉ còn mấy sào ruộng. Năm ngoái anh chị nuôi lợn thì bị dịch chết hết thành ra chuồng cũng phải dỡ đi. Chị ở nhà làm ruộng, trông con, còn anh thì đi xây đó đây, mỗi ngày công được trả 300.000đ nhưng cũng bập bõm lúc có việc, lúc không nên vẫn nghèo, vẫn còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng. Được xếp vào diện ưu tiên xóa nhà tạm nhưng do không có sổ đỏ, không có vốn đối ứng nên chẳng thể làm gì nổi. Tài sản lớn nhất trong nhà họ là một chiếc xe máy và một con bò cùng chừng 5 triệu đồng tiền mặt.

“Trung bình mỗi tháng tôi chỉ mua một lần 3 lạng thịt lợn hết 50.000đ, còn mỗi tuần mua 1 kg cá mắm hết 80.000đ hoặc 10 quả trứng vịt hết 20.000đ, nếu có tiền thì mua thêm con cá rô Phi, còn không thì thôi. Mỗi tháng tôi chỉ chi 800.000đ tiền sinh hoạt nên chẳng thể mua được sữa hay bánh kẹo cho các con. Vợ chồng tôi cũng chỉ có mỗi người hai cái áo rét mà thôi”, chị Hoán nói trong lúc vơ quần áo treo vào cái sào trong nhà bởi không có tủ.

Cái chết của hai đứa trẻ

Trong những buổi sớm hay chiều tà, lúc đám trẻ ríu rít đi học về nô đùa ồn ã trên đường, ông Đinh Văn Bình thường ngồi trước hiên ngôi nhà vách gỗ cũ kỹ và nhớ về hai đứa cháu nội, ngoại 8 tuổi vừa mới mất 6 tháng trước.

Ông Đinh Văn Bình trước ngôi nhà gỗ. Ảnh: DĐT.

Ông Đinh Văn Bình trước ngôi nhà gỗ. Ảnh: DĐT.

Gia đình ông thuộc hộ cận nghèo, còn gia đình hai đứa con ông thuộc hộ nghèo. Cha mẹ chúng mải đi làm ăn xa nên chúng tự đi học rồi tự chơi với nhau. Một buổi ba đứa cháu nội, ngoại của ông cùng 8 tuổi ra suối Gốc Mít tắm. Người làng đi gặt thấy một đứa cứ ngồi khóc ở trên bờ, hỏi tại sao thì nó trả lời: “Có hai thằng đi cùng cháu xuống suối lặn mãi mà chẳng thấy nổi lên gì cả”.

Nhìn thấy hai đôi dép trên bờ họ mới hốt hoảng lội xuống suối thì hai đứa trẻ chỉ còn là những cái xác không hồn. Nhà của chúng sát nhau, chỉ là căn nhà quây bằng bạt, tôn rộng chừng hơn 10m2 và căn nhà gỗ rộng chừng 20 m2.

Chị Đinh Thị Ngân là mẹ đơn thân nuôi hai đứa con, thường đi làm cỏ thuê để chúng lại ở nhà; còn em trai Đinh Văn Ân vợ bị bệnh máu trắng (ung thư máu), cũng phải nuôi hai con trong đó có đứa mới 5 tuổi và thuốc thang cho vợ nên đi biền biệt suốt.

Sau sự kiện đau buồn trên, chính quyền xã mới vận động các nhà từ thiện xây cho họ hai ngôi nhà nhân đạo rộng 40m2 kín trên, bền dưới, trị giá mỗi cái hơn 100 triệu đồng. Ngôi nhà thường xuyên vắng tiếng cười của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ mà thỉnh thoảng lại chỉ có tiếng khóc thầm.     

Tặng nhà nhân đạo cho mẹ con chị Đinh Thị Ngân. Ảnh: Hội chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn.

Tặng nhà nhân đạo cho mẹ con chị Đinh Thị Ngân. Ảnh: Hội chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn.

Anh Hà Văn Cách- Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho biết là địa phương miền núi vùng cao của huyện Thanh Sơn có tổng diện tích tự nhiên 3.651 ha, dân số 3665 nhân khẩu (tương đương 1ha/người-PV) chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, trong đó tỷ lệ nghèo chiếm 23%, cận nghèo 11% và năm nay 114 hộ thuộc diện xóa nhà tạm.

Một số trường hợp đã chuẩn bị tiền đối ứng rồi nhưng do ốm đau hay tai nạn lại không còn đồng nào nữa để xóa nữa. Thêm vào đó, một tỷ lệ lớn các hộ chưa có sổ đỏ đất thổ cư mà để chuyển đổi phải tiến hành qua mấy bước, tốn kém đến vài chục triệu đồng nên đành chấp nhận sống tiếp trong ngôi nhà cũ dột nát. Cái thế khó của kinh tế Đông Cửu là đường cụt, giao thông khó khăn, cảnh quan không đặc sắc nên chưa ai nghĩ đến việc khai thác du lịch thành ra vẫn chỉ là thuần nông…

Mỗi năm 2 lần Liên đoàn địa chất xạ hiếm cho người lên đo, quan trắc, nhờ vậy mà phát hiện bản Dấu Cỏ mức độ phóng xạ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã khuyến cáo chuyển hết 21 hộ người Dao ở đây về khu tái định cư mới cách đó hơn 2 km. Dân được Nhà nước hỗ trợ xây nhà nhưng quan trọng là việc làm lại không có nên một số hộ vẫn ở lại để dựng trại trồng lúa, trồng rừng, nuôi lợn, nuôi gà, thả dê, thả cá.

Giữa buổi trưa nắng gắt anh Lê Văn Hồng- Bí thư bản Dấu Cỏ (Hạ Thành mới) dẫn tôi vào khu vực có mỏ quặng urani quê mình. Hết đường bê tông, chúng tôi rẽ vào một con đường đất lổn nhổn đá sỏi, vượt qua một khe suối thì đến. Đập vào mắt là những ngôi nhà bỏ hoang, cửa đóng, then cài, mái lá cọ hay mái fibro thủng lỗ chỗ, nền sân đầy cỏ dại như một chứng tích của cái bản Dao với 20 hộ từng sinh sống.

Bố mẹ anh Hồng sinh được 10 người con trong đó có 4 anh em Lê Văn Chiêu, Lê Văn Xin, Lê Thị Nhất và Lê Văn Hồng xây dựng gia đình, ở ngay tại Dấu Cỏ.

“Anh Chiêu vợ đầu đẻ hai đứa con bị quái thai rồi mất, vợ sau cũng đẻ một đứa con quái thai rồi mất, sau đó đi tái định cư chỗ khác sinh hai đứa con tiếp lại không sao. Còn vợ tôi năm 2010 khi chửa được 9 tháng 10 ngày mà không thấy con trong bụng cựa quậy, đi xuống bệnh viện Thanh Sơn khám bác sĩ bảo nó không có tổ chức não, đem xuống bệnh viện tỉnh khám thì mới biết là nó đã chết lưu. Từ hồi cả bản chuyển về khu tái định cư, không còn thấy trường hợp trẻ quái thai, chết lưu nào nữa”. Vừa dẫn tôi ra tấm bia đá khắc những dòng chữ mờ mờ Liên đoàn địa chất xạ hiếm, Trạm quan trắc môi trường phóng xạ, anh Hồng vừa tâm sự.

Cả một vùng mỏ đất hiếm chứa urani (quặng phóng xạ nằm ở dưới lòng bản Dấu Cỏ, xã Đông Cửu nơi có nhiều dòng nước ngầm, con suối chảy ra khiến cho một khu vực rộng lớn trở nên không an toàn với cả con người, cây trồng và vật nuôi.

Xem thêm
Ngành Y tế Đắk Lắk xếp thứ 6 toàn quốc về sự hài lòng của người bệnh

Sở Y tế Đắk Lắk vừa triển khai khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Kết quả đứng thứ 6 toàn quốc.