
Chỉ có bộ ấm chén và con lợn tiết kiệm rỗng trong cái tủ duy nhất của nhà Hà Văn Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Những ngôi nhà thiếu đi người mẹ, người vợ
Ngôi nhà ấy không sơn, có cửa chính nhưng không có cửa phòng vì chủ nhân không đủ tiền mua. Bên trong nhà không xe máy, không ti vi, không tủ lạnh, không tủ quần áo, chỉ có mỗi cái tủ bích phê bằng gỗ đựng bộ ấm chén và con lợn tiết kiệm lỗ trên thân đã rộng hoác và nham nhở vết trẻ con dùng díp để gắp tiền lẻ ra. Bình thường chúng được anh Sơn cho 5.000đ để ăn sáng nhưng có lúc bố không có tiền đưa thì đành phải móc lợn nên giờ không còn nổi một đồng.
Anh đi làm suốt để mặc hai đứa trẻ suốt ngày lội ngoài ao bắt cua, bắt ốc, ra đồng bắt cào cào, châu chấu, lên đồi bẫy chuột để lót dạ. Mỗi năm đôi ba lần mẹ của chúng về nhà ngoại, gọi đến cho khi thì thùng mì tôm, lúc đôi dây sữa hộp. “Mẹ lấy người khác rồi, có em bé rồi nên cũng ít về thăm chúng cháu”, Hà Văn Lâm- đứa con đầu của anh Sơn nói với tôi như vậy.
Bố mẹ nghèo, khi Sơn lấy vợ được cho mảnh đất và tự cất một ngôi nhà cột tre, vách nứa, mái fibro rồi đi làm thợ sắt, thợ xây, thợ mộc khi thì ở Bắc Giang, Hải Phòng, lúc thì về Hà Nội. Mỗi chuyến thường kéo dài 2-3 tháng nhưng anh cũng chỉ đem về cho vợ được vài triệu đồng vì việc làm cứ “bữa đực, bữa cái”. Thấy chồng kiếm tiền không ăn thua, vợ anh cũng xin đi làm phụ hồ rồi một ngày bỗng bỏ đi lấy chồng khác.
Năm 2023 anh Sơn được xã, huyện duyệt xếp vào danh sách xóa nhà tạm nên mới vay mượn tiền để xây một cái nhà mái bằng rộng hơn 70 m2. Lúc làm nhà xong cán bộ còn vào tận nơi để chụp ảnh nhưng sau đó do đất không có bìa đỏ nên tiền vẫn chưa được giải ngân. Ngôi nhà giờ là một gánh nặng trên vai anh bởi 30 triệu đồng vay ngoài lãi suất cao mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng, 90 triệu đồng vay ngân hàng mỗi tháng phải 1 triệu đồng, chưa kể 32 triệu đồng tiền mua vật liệu chịu đang bị chủ nợ đòi gắt nữa.
“Lúc đầu triển khai chương trình xóa nhà tạm chỉ nói đến điều kiện là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà dột nát chứ không nói đến phải có sổ đỏ. Đợt đó trong khu có hai hộ được xây thì một nhà được hỗ trợ, một nhà không. Nhà được hỗ trợ kia cũng bị vợ bỏ do kinh tế khó khăn, vợ ra ngoài đi làm, thấy người ta khá hơn nên về chán chồng”, anh Hà Văn Giáp- trưởng khu giải thích với tôi.

Vách nhà của anh Hà Quang Giáp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Rời khu Mặc Chanh tôi đến khu Cáp. Ở một góc đồi có hai ngôi nhà nhỏ trông tồi tàn như hai cái chuồng trâu của hai chị em ruột là Hà Thị Kiệm và Hà Quang Giáp. Sinh năm 1984 nhưng đứa con đầu sinh năm 2006 của anh Giáp đã lấy chồng, còn đứa con thứ hai sinh năm 2010 thì ở với mẹ sau khi bố mẹ ly dị.
Giờ đây anh sống cô đơn một mình trong ngôi nhà gỗ vách đã mục ruỗng thủng những lỗ to đến nỗi chó, gà chạy vào chạy ra như chốn không người. Không xe máy, không ti vi, không bàn ghế, không tủ, không sổ tiết kiệm, không một tài sản nào trị giá 1 triệu đồng ngoài cái khung nhà nát và chiếc giường cưới nên anh bị xếp vào diện hộ nghèo.
Tuy nhiên do không có tiền đối ứng và dưới 45 tuổi nên đợt này anh chẳng đủ điều kiện để Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm: “Năm ngoái tôi đi làm thuê về trả xong nợ, còn lại 500.000 đồng dành để tiêu Tết, cũng may là có một gói quà của các nhà từ thiện nữa nên chỉ phải mua chút hoa quả là đủ bày lên bàn thờ. Gần đây tôi lại đi làm thuê nhưng bị ngã từ tầng hai xuống vỡ một đốt sống lưng, đang phải dùng thuốc”, anh Giáp giải thích về chuyện nhà cửa trống rỗng và chỉ có 2 cái áo rét với 1 cái áo dài tay với tôi như vậy.

Bên trong nhà anh Hà Quang Giáp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cạnh đó là ngôi nhà vẹo vọ của chị Hà Thị Kiệm. Bên trong lộn xộn và sực mùi ẩm mốc, hôi hám. Đầu óc chị không được như người bình thường nên nhét đủ thứ rác dưới gậm giường, trên giường, trên tường còn mấy cái quần áo cũ nhàu tựa như giẻ lau thì vắt ngang qua một con sào. Lúc tôi đến chị đang đi đâu đó, có lẽ là tha thêm ít rác về tích trữ. Tình cảnh ấy dù có được duyệt xóa nhà tạm nhưng chị cũng chẳng thể có tiền để mà đối ứng, xây được.
Nhường nhau suất hộ nghèo
Ông Hà Quang Ất- Trưởng khu Cáp thống kê toàn khu có 77 hộ người Mường, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nghề làm ruộng và trồng rừng lại thêm nỗi đường xá quá xấu nên giao thương khó khăn thành ra có 13 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo.
Lúc tôi đến thì bà Đinh Thị Tụ đang vác trên vai một khúc củi dài nhưng tay lại chống gậy bước tập tễnh, lê cái chân đau từ trên đồi về nhà. Sinh năm 1966 mà trông như bà đã ngoài 70 tuổi với những nếp nhăn chằng chịt trên mặt vì cả đời vất vả, truân chuyên. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy 7 đứa con rồi dựng vợ, gả chồng cho chúng.
Khi mẹ chồng đột quỵ, nằm liệt giường cũng một tay bà chăm sóc mấy năm ròng. Những tai ách đó khiến cho từ một hộ bình thường bà tụt xuống thành hộ khó khăn. Trừ 3 đứa cháu còn nhỏ, gia đình hiện có 3 lao động gồm bà và vợ chồng người con trai.

Bà Đinh Thị Tụ đi vác củi từ rừng về. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ngày mùa họ làm mấy sào ruộng, ngày nông nhàn thì đi làm thuê. Làm cỏ thuê lấy 250.000đ/công là việc dành cho người nào cũng được, còn việc nặng như chằng dây đeo qua đầu gùi cả 80-100 kg sắn từ trên đồi xuống xe ô tô tải, mỗi 1 tấn được trả công 500-600.000đ thì chỉ dành cho những người có sức khỏe.
Người ta thường nói vui rằng “dân Thượng Cửu làm việc bằng cái đầu” theo đúng nghĩa đen là thế. Nó bào mòn các khớp xương một cách nhanh chóng nhưng họ chẳng sợ mất sức khỏe bằng không có việc đều, một ngày làm còn ba bốn ngày nghỉ không ai thuê hoặc mưa gió không thể lên đồi được. Bà Tụ không nợ ai nhưng cũng chẳng có tài sản gì ngoài ngôi nhà nhỏ mái lợp bằng lá cọ, vách bằng gỗ tạp, nền bằng đất, chỉ có mỗi chỗ kê bàn uống nước dành để tiếp khách là tráng tí xi măng.

Người dân thường phải gùi sắn trên đồi về như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tôi hỏi tại sao khó khăn như thế mà nhà bà không thuộc diện hộ nghèo mà chỉ là cận nghèo thì ông Ất trả lời rằng: “Nếu hai hộ cùng khó khăn như nhau thì khi bình xét bà con ở đây thường “nhường” suất nhà nghèo cho hộ có con còn nhỏ để đỡ phải đóng học phí, mà bà Tụ thì con lớn hết rồi”. Cả khu Cáp năm nay có 8 hộ nằm trong danh sách được nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm, đợt 1 này có 3 hộ trong đó có bà Tụ.
Những chồng gạch đỏ au được xếp ngay ngắn cùng đống cát trước sân, cạnh ngôi nhà lá cũ nát. Bà hồ hởi khoe đã chuẩn bị được 1 con lợn 50 kg, 40 lít rượu để hôm tới đào móng nhà; còn hai bình thịt chua trong tủ lạnh thì để dành cho thợ ăn đổi bữa: “Năm ngoái dịch bệnh, lợn cả khu nuôi bị chết nhiều lắm, nhà tôi cũng bị”.
Không hiểu sao khi đến thực tế những hộ nghèo tôi thấy nhiều cảnh gia đình thiếu đi bóng dáng người mẹ, người vợ. Ở đó những người chồng sống âm thầm như những cái bóng, còn những đứa trẻ thì chẳng mấy khi cười đùa.