| Hotline: 0983.970.780

Thế hệ sinh viên Hà Nội đầu tiên nhập ngũ vào Nam

Gặp lại đồng đội qua tấm ảnh

Thứ Ba 27/07/2021 , 08:13 (GMT+7)

Gần như không biết gì về nhau cho tới khi hành quân ra chiến trường, tấm ảnh là thứ vô cùng quý giá để những người lính năm xưa đi xác nhận thông tin.

LTS: Tháng 9/1969, những học sinh Hà Nội vừa rời mái trường THPT đã lên đường vào chiến trường miền Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, rất nhiều người trong số ấy đã vẫn chưa về nhưng những ký ức về họ còn mãi với thời gian.

Ông Nguyễn Đình Tư xem bức ảnh chụp những đồng đội năm xưa chiến đấu tại chiến trường Kon Tum. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Đình Tư xem bức ảnh chụp những đồng đội năm xưa chiến đấu tại chiến trường Kon Tum. Ảnh: Bảo Thắng.

Thế hệ 1951

Nằm khép nép trong con ngõ nhỏ 19 Phùng Hưng là căn nhà của ông Nguyễn Đình Tư, người thương binh từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ.

Căn nhà rộng độ 20m2, được tu sửa nhiều lần, và có một gác lửng phía trên dành cho mấy cháu ngoại đến chơi. Người lớn đứng trong nhà, khẽ kiễng chân là chạm tay vào trần, nhưng ông Tư chấp nhận tôn sàn cao thêm 20cm so với mặt ngõ, để tránh nước mưa chảy ngược vào nhà.

Vốn chỉ có hai vợ chồng ở tuổi 70, ông Tư bày biện đơn sơ đồ đạc. Một chiếc giường đơn sát cửa sổ phía ngõ, nơi duy nhất trong nhà có ánh sáng mặt trời chiếu tới. Cách một quãng là bộ bàn ghế uống nước, nếu ngồi 4 người thì không xuể. Trong cùng là bàn thờ, nơi được ông Tư ưu tiên thắp chiếc bóng đèn sáng nhất suốt cả ngày.

Biết có khách liên quan tới đồng đội cũ ở chiến trường Kon Tum đến thăm, ông Tư gật đầu từ xa, vẻ trìu mến, rồi đứng dậy dò dẫm ra giữa nhà bật thêm một bóng đèn nữa. Chiếc bóng này có vẻ ít dùng, bởi một lớp bụi mờ vây quanh công tắc.

Ra quân ngót nghét 50 năm, nhưng ông Nguyễn Đình Tư vẫn giữ thói quen của một người lính Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 năm xưa. Ngoài cửa, giày dép xếp thành đôi, để gọn một góc. Chăn màn gấp vuông vắn trên chiếc giường đơn. Răng móm mém, mắt phải dùng chiếc kính lão dày cộp để nhìn những vật nhỏ, đầu thi thoảng lên cơn nhức vì mảnh đạn văng vào từ chiến trường, nhưng ông nhất quyết tự đi đun nước, pha trà khi được ôn lại những năm tháng hào hùng tuổi trẻ.

“Tôi cùng bạn bè ở phường Hàng Bài nhập ngũ ngay sau ngày Bác Hồ mất. Ai cũng buồn, nhưng chúng tôi tự hứa sẽ biến nỗi đau ấy thành hành động. Đó là một trong những lứa học sinh Hà Nội đầu tiên vào Nam chiến đấu, nên mọi người hào hứng nhận nhiệm vụ lắm”, ông Tư kể.

Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Đình Tư trên đường Phùng Hưng. Ảnh: Bảo Thắng.

Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Đình Tư trên đường Phùng Hưng. Ảnh: Bảo Thắng.

Sinh năm 1951, thế hệ học sinh Hà Nội ngày ấy cầm súng kháng chiến hầu hết ở tuổi 18. Sau buổi lễ tại nhà văn hóa, ông Tư cùng đồng đội đi học chính trị, rồi chuyển tiếp vào Hòa Bình, Ninh Bình huấn luyện. Sau Tết nguyên đán năm 1970, họ Nam tiến, đi bộ vượt Trường Sơn.

Ngày ở Hà Nội, thế hệ của ông Tư chỉ biết đến bút, sách vở, và những giờ học trên ghế nhà trường, thì nay, sau 5, 6 tháng ròng rã băng rừng, vượt suối, kỷ vật gắn bó nhất giờ là súng, là ruột tượng gạo, là lương khô và quân tư trang chặt kín trong ba lô. Nếu như trước đây, họ chỉ cần học tốt để vào cánh cửa đại học, thì nay phải biết hành quân hàng chục kilomet. Những lúc rảnh rỗi, người thì tranh thủ viết thư về nhà, người lại tập làm anh nuôi, cải thiện bữa ăn cho tập thể.

“Gian khổ nhưng anh em chúng tôi quý nhau lắm. Thời ấy, quý nhất là muối. Hành quân xa, phải leo trèo nhiều, nếu không có nước muối loãng ngâm chân cho bớt phồng, rộp thì chịu không nổi. San sẻ cho nhau mỗi người một ít, đến khi cả đoàn cùng hết thì phải cắn răng vượt qua. Nhiều lúc vừa đi, đầu gối vừa kêu răng rắc”, ông Tư nói.

Thứ giúp thế hệ 1951 ấy vượt qua khó khăn, ngoài lý tưởng, là nét lãng mạn của những thanh niên tuổi 18. Ông Tư bảo, càng đi nhiều, những câu hát như: “Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng/ Miền Nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường/ Tiếng nói Bác Hồ trong tim ngời sáng/ Như sao mai lấp lánh rọi núi rừng” càng hiện lên rõ mồn một.

Trong mắt người khác, chiến tranh là bom đạn, là gian khó, thậm chí hy sinh, nhưng trong mắt những thanh niên Hà Nội năm ấy, tất cả chỉ là: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”.

Ngày 27/7 năm nào ông Tư cũng thắp hương tưởng nhớ đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 27/7 năm nào ông Tư cũng thắp hương tưởng nhớ đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Vị khách bất ngờ

Cuối tháng 11/1971, ông Nguyễn Đình Tư bị thương. Nằm viện qua Tết, đến khoảng tháng 3/1972, ông trở lại miền Bắc. Ngay trong năm ấy, có hai vị khách tự xưng là “gia đình của đồng đội” đến tìm ông.

Vào thập niên 1970, chiến trường Kon Tum nơi ông Tư đóng quân không phải mặt trận chính. Tuy nhiên, để giảm tải và phân tán lực lượng địch cho Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra từ khoảng tháng 4/1971 - chừng nửa năm trước khi ông Tư bị thương. Trong khoảng thời gian này, những đồng niên thế hệ 1951 của ông Tư, như Thọ, Hùng, Cường “Cửa Nam”, Mỹ “Thợ Nhuộm” lần lượt ra đi.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng, nhà ở 11B Trần Quốc Toản, là người ông Tư nhớ nhất bởi đã hy sinh chỉ vài ngày trước khi mảnh đạn văng vào đầu ông. Theo lời ông Tư, vào buổi sớm hôm ấy, tiểu đội trinh sát do ông Hùng đi đầu dính phục kích và hy sinh. Là một trong số ít những người biết tin và trở về Hà Nội, lại ở gần nhà, ông Tư đã gặp cụ thân sinh ra liệt sĩ Hùng - cụ Phạm Ngọc Xứng - để xác nhận chuyện này.

Ít lâu sau đó, một ông bố khác đến tìm với mục đích tương tự. Tuy nhiên, ông Tư không hề biết gì về vị khách này. Trong gần 50 năm, người cựu chiến binh ở Kon Tum năm xưa thi thoảng vẫn đặt câu hỏi về chuyện ấy.

“Tôi chỉ gặp cụ Thiện một, hai lần. Nghe phong thanh là cụ biết đến tôi thông qua một tấm ảnh chụp chung giữa con của cụ và Hùng. Tối lấy làm lạ, vì lính chiến thời ấy nhiều khi còn không biết tên thật của nhau, toàn gắn với một địa danh nào đó như Cửa Nam, Hàng Bông để gọi. Địa chỉ nhà lại càng khó tìm. Lâu rồi mất liên lạc, tôi cũng không rõ nhà cụ đã quy tập được mộ hay chưa”, ông Tư nhớ lại.

Bức ảnh ông Tư lần đầu được thấy sau 50 năm, chụp những đồng đội cũ trước khi vào chiến trường Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Bức ảnh ông Tư lần đầu được thấy sau 50 năm, chụp những đồng đội cũ trước khi vào chiến trường Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Bức ảnh ấy, cùng việc cụ Thiện tìm được ông Tư là một hành trình dài và gian nan, chẳng khác nào lần suýt dính bom của ông hồi chiến dịch “12 ngày đêm” trên bầu trời Hà Nội. Ngoài hai người bố này, ông Tư còn cung cấp thông tin cho vài trường hợp khác nhưng tất cả đều là gián tiếp, lúc qua điện thoại, lúc thì phía bên kia nhờ người quen hỏi. Những cuộc gặp hồi những năm 1970 nằm lại cùng quá khứ.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Tư cũng không còn ở căn nhà cũ tại Bà Triệu nữa, mà chuyển về Phùng Hưng từ năm 1978. Một năm sau, ông lấy vợ và làm việc trong tiệm may của gia đình. Tin tức về đồng đội cũ thưa thớt dần, bởi 10 người đi, chưa chắc được đến 9 người trở về. Lớp sương mù trong trí nhớ của người thương binh vừa bước qua tuổi 70 chỉ tan ra sau cuộc điện thoại cách đây ít tuần. Lần đầu tiên ông Tư được mục sở thị tấm ảnh, được lướt ngón tay run run trên những gương mặt thân quen của đồng đội cũ. Giọng nghẹn ngào, nhưng ông vẫn chỉ đích xác đâu là Phạm Ngọc Hùng, đâu là Nguyễn Lê Mỹ.

“Giá như ngày xưa, được nhìn tấm ảnh này, có lẽ tôi đã giúp nhiều hơn cho cụ Thiện khi xác nhận thông tin”, ông Tư trầm ngâm.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.